Thể lệ Cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' năm 2024

Chiều 19/9, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức lễ phát động Cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường' năm 2024.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức và các đại biểu tham dự buổi Lễ chụp ảnh lưu niệm.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức và các đại biểu tham dự buổi Lễ chụp ảnh lưu niệm.

Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực, tổ chức.

Cuộc thi là cơ hội để lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với các thầy giáo, cô giáo và các nhà trường, góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của mỗi học sinh, sinh viên với trường, lớp và thầy cô. Đồng thời ghi nhận, tôn vinh những tấm gương thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục và những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Từ đó động viên, khuyến khích các thầy cô giáo vượt qua khó khăn, tiếp tục có những cống hiến cho ngành Giáo dục và xã hội.

Tại buổi phát động, nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo GD&TĐ đã công bố Thể lệ Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" năm 2024.

 Nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo GD&TĐ công bố Thể lệ Cuộc thi.

Nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng biên tập Báo GD&TĐ công bố Thể lệ Cuộc thi.

Đối tượng tham gia là công dân Việt Nam, có tác phẩm phù hợp với thể lệ của cuộc thi; Những thành viên tham gia Ban Tổ chức và Ban Giám khảo của cuộc thi không được gửi tác phẩm tham dự cuộc thi.

Nội dung các tác phẩm dự thi tậptrung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường. Cụ thể, tác phẩm thể hiện những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả).

Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống ấy của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề. Những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học.

Thể loại và hình thức trình bày:

Các tác phẩm dự thi viết bằng tiếng Việt, thể hiện dưới hình thức văn xuôi, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có).

Các tác phẩm dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy, trình bày rõ ràng trên một mặt giấy khổ A4, cỡ chữ 14, font chữ Times New Roman.

Thông tin về tác giả và tác phẩm dự thi ghi rõ trên trang đầu tiên của tác phẩm dự thi. Các thông tin bắt buộc, bao gồm: họ và tên, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại; thông tin về nhân vật trong tác phẩm.

Tác phẩm dự thi phải là tác phẩm chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào, chưa đưa lên các websites, blogs, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... của các tổ chức, cá nhân; chưa gửi dự thi bất kỳ cuộc thi nào khác. Các tác phẩm dự thi không được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi kết thúc cuộc thi. Tác giả dự thi phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nhân vật và nội dung bài dự thi của mình. Tác phẩm dự thi không hợp lệ nếu sao chép các bài đã đăng trên các phương tiện báo, đài, trang tin, bản tin dưới mọi hình thức.

Cơ cấu và giá trị giải thưởng

Ban tổ chức trao 2 giải tập thể; 2 giải Nhất; 4 giải Nhì; 6 giải Ba; 10 giải Khuyến khích; 2 Giải dành cho Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải; Giải thưởng phụ do Ban Tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức.

Giải Nhất: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và 10.000.000 đồng/giải;

Giải Nhì: Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và 8.000.000 đồng/giải;

Giải Ba: Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 6.000.000 đồng/giải;

Giải Khuyến khích: Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 3.000.000 đồng/giải.

Giải tập thể: Giấy chứng nhận do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 5.000.000 đồng/giải.

Giải Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải: Giấy chứng nhận do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 2.000.000 đồng/giải.

Giải thưởng phụ: Giấy chứng nhận do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và 2.000.000đ/giải. (Tiền thưởng nêu trên đã bao gồm thuế thu nhập mà các tác giả đạt giải phải thực hiện nghĩa vụ thuế của Nhà nước)

Kết quả cuộc thi sẽ được thông báo đến tác giả đoạt giải và đăng tải trên Báo Giáo dục và Thời đại, website của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2024.

Số lượng, thời hạn và địa chỉ nhận tác phẩm thi: Ban tổ chức không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi của mỗi tác giả.

Thời hạn nhận tác phẩm dự thi: từ ngày phát động cuộc thi cho đến hết ngày 31/10/2024. Tác phẩm dự thi gửi vào email: cuocthi.gdtd@gmail.com.

Xem thông tin chi tiết

Đăng Chung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-le-cuoc-thi-viet-nhung-ky-niem-sau-sac-ve-thay-co-va-mai-truong-nam-2024-post701511.html