Nhớ Cẩm Bình

Là một ấp của xã Cẩm Giang, kề bên quốc lộ 22B, lại ôm trọn trong lòng con đường ra cầu Bến Đình, vậy nên Cẩm Bình là miền quê đẹp nhất xã Cẩm Giang trong mùa nước nổi.

Hoa súng Cẩm Bình

Hoa súng Cẩm Bình

Vâng! Ai thường xuyên đi lại giữa Bến Cầu với Cẩm Giang theo lối Bến Đình hẳn đã biết rồi. Hoa súng nở mênh mang ở cả hai bên con đường bê tông nhựa. Súng nổi trên mặt nước đằng xa như những đám mây hồng. Và, trên cái nền trời nước mênh mông ấy, là gò Trao Trảo nổi bật, vun cao trên đồng nước nổi. Chỉ có tràm bông vàng thôi, cao vợi. Chẳng biết là nắng hay bông mà sắc vàng đã nhen trên tán lá sum suê.

Thứ năm tuần này nhằm mùng 7 tháng 10 âm lịch, là ngày cúng giỗ chiến sĩ hằng năm ở gò Trao Trảo. Năm nay phòng dịch, Ban Hội miếu không mời khách đường xa. Chỉ có các vị trong Ban chủ nhà đến cúng. Mà bông súng, cứ đến dịp này là rực rỡ nở tràn bông trên khắp cánh đồng. Không ít đâu.

Bao quanh gò là cả hàng chục, thậm chí cả trăm héc-ta đất ngập nước tràn bờ từ sông Vàm Cỏ Đông. Tất cả đều rực rỡ hồng tím màu hoa súng. Thứ hoa mà thi sĩ Chế Lan Viên khi gặp có một bông, đã phải ngỡ ngàng thốt lên: Sáng nay ra đường gặp ai? Gặp đóa súng hồng/ Hồng như chưa có môi nào hồng được vậy/ Đến nỗi anh qua rồi, quay ngoắt lại/ Hỏi: "hoa súng hồng, hoa súng hồng, mày có phải hoa không?".

Giá như lúc còn sống, ông tới được Cẩm Bình, gặp một lúc cả vạn, cả triệu bông thế này thì không biết thơ ông sẽ còn thăng hoa đến độ nào? Còn tôi, chỉ ước ao một bạn nhiếp ảnh gia có máy flycam tới đây, chụp ảnh gò bưng giữa hàng trăm héc-ta đồng nước nổi mùa bông súng nở tràn. Để xem khung cảnh này sẽ như thế nào, nếu nhìn từ “thượng giới”. Liệu có nàng tiên nào chọn đây là bến tắm hay không?

Nhưng với con người, khung cảnh Cẩm Bình mùa này gợi trong lòng những cảm giác tâm linh, tín ngưỡng. Gần 100 liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này vào mùa nước nổi năm 1973. Nước ngập khiến các anh không kịp tới đích theo kế hoạch, đành ém quân lại trên gò. Không may địch phát hiện, lập tức phi pháo dội đạn bom xuống gò hủy diệt.

Người dân ở họ đạo Cẩm Giang ra chôn cất các anh, và sau hòa bình thì lập miếu thờ. Trong khu đất đã có ngôi miễu ông Tà từ xưa. Thế là miếu cúng “xuân thu nhị kỳ” đầy đủ. Tháng 10 cúng miếu thờ chiến sĩ, tháng tư cúng miếu ông Tà.

Cảm giác tâm linh ư? Thì đấy: miếu nghi ngút khói nhang giữa mênh mông hoa súng nở. Cứ như đất trời dành cho anh linh liệt sĩ nguyên một mùa hoa.

Tôi còn nhớ một câu chuyện khác. Đấy là vào tháng 10 (âm lịch) năm 2016. Khi ấy cầu Bến Đình vừa mới xây xong, còn con đường từ quốc lộ 22B ra cầu đang thi công thì đùng đùng mùa nước lớn khiến hơn 1 cây số đường ngập chìm trong nước.

Người dân có sáng kiến dùng xe máy cày cùng rơ-moóc chở quá giang cho khách đi xe máy trên đường. Có thể nhờ vậy mà sau đó, khi tiếp tục thi công đường, người ta đã được báo trước để nâng cao mặt đường đến độ cao cần thiết. Cho đến nay, dù nước ngập cỡ nào thì người và xe vẫn chạy băng băng trên con đường bê tông nổi giữa đồng bưng. Đây có thể là con đường đẹp nhất Tây Ninh trong mùa nước nổi. Vì hai bên chỉ rực rỡ sắc hồng hoa súng, đôi chỗ điểm thêm vài đám súng trắng có bông nhỏ điệu đà như cúc họa mi.

Nhắc lại vài chuyện cũ, để phần nào vơi đi nỗi nhớ Cẩm Bình. Giờ là lúc tìm xem hai từ Cẩm-Bình ở đâu ra, mà đẹp vậy. Từ điển cổ mách: Cẩm là gấm thêu lộng lẫy và rực rỡ (khi ghép với từ khác). Còn Bình?- là lục bình hoặc bèo Nhật Bản, còn gọi là Bình Bồng Thảo.

Hay, Bình là một vùng đất đai bằng phẳng. Tôi thiên về nghĩa thứ hai hơn. Có nghĩa, đây là miền đất bằng đẹp như gấm thêu lộng lẫy và rực rỡ. Vận vào cảnh quan trước mắt, với mênh mông cánh đồng hoa súng nở thì đúng quá còn gì!

Nhớ Cẩm Bình ư? Thì xách máy ảnh lên và đi thôi. Nơi này chỉ cách TP. Tây Ninh hơn 20 cây số. Miễn là giữ khoảng cách an toàn và tuân thủ “5K”.

NGUYỄN

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nho-cam-binh-a139090.html