'Nhổ cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên được'
Giả và thật, đó là cặp phạm trù đối lập, dễ xung đột nhưng lại hay bắt gặp gần đây nhất trên diễn đàn công luận.
Gần một tuần nay, khi dư luận chưa hết kinh hoàng trước vụ án Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa làm giả hàng loạt hồ sơ để rút tiền ngân sách chi cho chống hạn (Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài phản ánh) thì hôm qua (18-4), nghị trường Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại phải một phen choáng váng trước thông tin có hàng ngàn hồ sơ có công giả.
Hồ sơ chống hạn là giả nhưng tiền ngân sách mất đi là thật. Bản vẽ thiết kế, hồ sơ thi công là giả nhưng hậu quả mà người dân gánh lấy trước hạn hán chắc chắn là thật, bởi sự biến đổi khí hậu những năm gần đây cấp bách lắm rồi.
Cũng như vậy, 1.800 hồ sơ người có công kia là giả nhưng sự tiếp tay của cán bộ giải quyết hồ sơ là thật. Khốn nỗi, sự biết ơn của nhân dân, sự ghi công của Tổ quốc đang phải bị tổn thương trên cái gọi là “hy sinh xương máu” giả ấy.
Phải nói rằng cái sự thật đó khủng khiếp đến mức khiến người ta không thể tin là thật. Như trong vụ lập hồ sơ giả rút ngân sách chi cho chống hạn ở Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa, không ai nghĩ tỉ lệ thất thoát đến mức kinh khiếp như thế (trong 6 tỉ đồng chi cho chống hạn đã thất thoát đến 5,2 tỉ đồng). Hay chuyện thiêng liêng như lòng biết ơn đối với những cha anh đã hy sinh cho Tổ quốc mà những kẻ tham lam cũng có thể dựng nên để kiếm chác thì quả là quá sức tưởng tượng.
Lẽ thường tình, sự thật là cái luôn phải được tôn trọng. Bởi nó chính là nền tảng tạo nên phẩm giá không chỉ riêng của mỗi cá nhân mà còn là của xã hội. Nếu trong một xã hội mà sự đảo lộn giữa thật giả bỗng trở nên phổ biến thì đó là tiếng chuông báo hiệu cho các giá trị nền tảng đang bị tổn thương, xuống cấp, thậm chí là bị băng hoại.
Hai câu chuyện mà người viết dẫn ra trên đây, trong rất nhiều câu chuyện khác có tính chất tương tự, đang cho thấy tính liêm sỉ đã bị đánh cắp trong những người có hiểu biết.
Các giá trị thiêng liêng như lòng biết ơn, sự hy sinh bị một thứ suy nghĩ hạ đẳng, thấp hèn đè xuống bởi sự lên ngôi của đồng tiền.
Sự trung thực bị chế nhạo bởi những hầm rập dối trá.
Lợi ích công bị bán rẻ bởi thứ toan tính ích kỷ đầy mùi vụ lợi.
Chúng ta sẽ phải thiết kế cho tương lai điều gì nếu những “ung nhọt” kiểu thế này không bị trừ khử tận gốc?
Rõ ràng, chỉ khi nào sức mạnh của luật pháp được thực thi đến nơi đến chốn và tiếng nói của đạo lý đủ sức mạnh vang vọng đến lương tri của xã hội thì khi đó mới hy vọng đánh bật được loài cỏ dại đang đu bám, núp bóng trong xã hội.
Tất nhiên trong xã hội có rất nhiều mầm “thật” nhưng rõ ràng chẳng có mầm sự thật nào có thể phát triển trên luống cày dối trá. Muốn sự thật trở thành nền tảng thì cùng với việc gieo nó vào xã hội, nhất thiết phải trừ khử nạn giả dối tận gốc.
“Cần đưa các nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực nhưng đồng thời vẫn phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới có đất sống,giống như ta nhổ cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên được”. Lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trên báo Nhân Dân ngày 10-7-1987 vẫn còn vang vọng tới bây giờ!
Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/theo-dong-su-kien/gia-va-that-696576.html