Nhớ con trâu hợp tác xã một thời
Bây giờ mấy ai còn nhớ con trâu. Ai có ký ức về con trâu như nhiều người của thế hệ tôi, hóa ra lại là người giàu có, với tuổi thơ và tuổi hoa niên đầy ắp hoài niệm.
-Con Ve, Con Ve… hắn qua rào rồi… bác ơi.
Đang nằm trên bãi cỏ thả hồn ngắm mây trời một ngày mùa hạ, gió sông lồng lộng thổi về, thì tiếng thằng Lệ cắt đứt dòng suy tưởng của tôi.
-Mi nói chi?
-Con Ve, hắn… hắn… qua rào bên tê rồi.
Vượt sông đi lang thang
Lệ nói với vẻ mặt hốt hoảng, tay chỉ về phía bên kia sông lớn, đoạn sông đang đổ dần về Cửa Việt, sắp hòa vào biển lớn nên rộng mênh mang.
-Đó, đó tề, bác có chộ không?
Thằng Lệ diễn tả rằng con trâu Ve, con trâu nổi mà tôi đang có trách nhiệm giữ cho hợp tác xã (HTX) đã kéo theo cả sợi chạc mũi mà bơi qua sông lớn, giờ đang lang thang về miệt biển huyện Triệu Phong. Tôi nhìn theo và bắt đầu thấy lo vì tôi đã hiểu ra vụ việc, hình dung ra tính nghiêm trọng của chuyện con trâu Ve nổi máu giang hồ.
Thằng Lệ là con Út chú Chắt, bà con dòng họ với tôi. Hắn lúc đó chừng 6-7 tuổi, người tròn như củ khoai, chắc lẳn như cá tràu. Tôi nhỏ tuổi hơn chú Chắt nhưng vai anh, nên thằng Lệ gọi tôi bằng bác. Nhà chú Chắt ai bơi cũng giỏi, có dòng sông nhỏ trước nhà nên vừa biết chạy cũng là khi thằng Lệ bắt đầu biết nổi. Đi chăn trâu, mấy anh mấy chú hay ôm nó vứt xuống sông. Bản năng buộc nó phải thích nghi để khỏi sặc nước, để rồi nó quen dần, bơi giỏi như rái cá.
Mùa hè, đám trẻ hay dong trâu đi xa hơn, để vừa khám phá những vùng đất mới, trâu có cỏ non mà lũ mục đồng cũng có thể bắt cá, bắt cua hay mót được nhiều củ khoai to, đem nướng thơm lừng cả bãi soi.
Làng tôi cũng có bãi soi là nơi lũ trẻ hay dong trâu về. Bãi soi là cái cù lao lớn, nơi ngã ba Gia Độ sông đổ về biển, chia đôi hai huyện Gio Linh - Triệu Phong. Bên soi chỉ có một xóm nhà chừng chục hộ, còn lại là ruộng lúa, bãi bắp bãi dưa, đầm lầy. Từ bên soi làng tôi, bên kia sông cũng là một cái cù lao khá lớn. Đó là nơi tuần trước thằng Lệ và mấy đứa qua đó “khám phá”. Với tụi nhỏ, qua sông dễ dàng vì đứa nào bơi cũng giỏi nhưng chúng cũng không dám liều vì sợ cá lớn cắn vào chân. Hơn nữa, đoạn sông này rất rộng, cứ bám theo trâu thì không phải lo cá cắn hay đuối hơi. Qua bên đó, đứa coi trâu, đứa đi “thám thính”, thăm thú miền quê mới lạ. Được cái là trẻ trâu Mai Xá thời đó không có thói táy máy, phá phách, không trộm bắp, trộm dưa, đồ trong lều của người ta có gì đều để nguyên ở đó, chỉ cho trâu qua ăn cỏ rồi đánh trâu về. Cũng bởi mấy lần được đưa qua đó nên trâu Ve mới quen hơi, hôm nay bỏ bầy đi một mình qua xứ lạ…
Góp công sức nuôi người
Cả một thuở thiếu thời tôi toàn sống ở vùng đô thị, hết thị xã Quảng Trị đến thành phố Huế, Đà Nẵng rồi ra Hà Nội, tới năm trước mới về sống ở quê. Trong tâm trí tôi chẳng bao giờ lại nghĩ có lúc mình thành kẻ mục đồng. Đó là cách gọi văn vẻ, gọi cho oai, chớ nói thẳng là “đứa chự trâu” mà thôi. Nhưng cũng không dễ mà được làm chân “chự trâu”. Tôi nhớ lúc đó đang học lớp 8, thấy ba mạ làm lụng ở HTX vất vả quá, hai anh tôi, một anh học đại học ở Huế, một anh học cấp ba Đông Hà, cơm bới gạo đùm. Tôi một buổi đi học, một buổi về bắt cá trên đồng rồi tối ra coi nò sáo (ba mạ tôi được các cậu bên quê mệ ngoại ở Dương Xuân cho mấy trộ sáo, về đặt ở sông phía bên soi). Ba làm cái lều, tối tôi chống ghe ra đặt nò, thắp đèn chai lên đặt cuối sáo, đêm tối trời tôm theo ánh đèn, quẫy vệt lân tinh rồi vào nò. Nằm trong lều chờ hết con nước, tôi chống ghe ra trộ sáo, tắt đèn, giở nò lên ghe, chống về, đổ nò ra cho mạ đưa lên chợ Đông Hà. Rồi ngủ tiếp sáng sớm dậy đi học ở trường xã và sau này là trường huyện Gio Linh.
Lớp tôi có nhiều đứa lớn tuổi do đi học trễ và lớn xác nên ngoài những lúc đi học đều là những nông dân trẻ, những xã viên HTX đảm đang. Nhiều đứa gánh lúa gánh phân chạy băng băng, mỗi công được chấm 9 điểm. Cỡ đội trưởng và “lão nông tri điền” như ba tôi và mấy chú giỏi cày, mấy o giỏi cấy thì mỗi công 10 điểm là đương nhiên, ai yếu hay “bống” hơn thì 9 điểm. Nhưng con trâu cũng được tính điểm, vì cũng là một kẻ góp công sức làm nên hạt lúa củ khoai qua việc kéo cày bừa. Trâu đực già, trâu cái cày giỏi được tính một công 7 điểm; trâu nổi, mới lớn, cày chưa giỏi, một công 6 điểm, còn nghé tính điểm ra sao thì lâu quá tôi không nhớ.
Nghe người lớn nói loáng thoáng sắp có đợt trâu mới do cấp trên đưa về cho HTX, tôi xin ba và mấy chú cho tôi được giữ một con trâu. Cái chính không phải là ham con trâu nổi dáng dấp oai phong với cặp sừng nhọn hoắt, đánh nhau hai cặp sừng va nhau chan chát hay những đòn thế móc mắt, bẻ cổ lúc giao chiến trong tiếng hò reo của lũ trẻ, mà tôi còn nghĩ tới chuyện giữ trâu kiếm điểm để cuối mùa cộng thêm điểm, thêm lúa, khoai từ sân kho HTX chia về cho nhà tôi khá hơn.
Lúc đó, Ve vừa qua giai đoạn nghé, bắt đầu tuổi mới lớn, như người ta 14-15 tuổi. Nghe đâu Ve từ Nhĩ Hạ đưa về. Tôi đặt tên là Ve sau những câu chuyện của gia đình, từ thời ông nội để lại. Ai cũng khen Ve đẹp về vóc dáng, cặp sừng cân đối, Ve lại hiền lành, biết nghe lời, tập cày khá giỏi. Ve được tính công 6 điểm mỗi ngày.
Ve lớn nhanh như thổi, thoáng cái tôi hết năm học thì Ve đã thành trâu nổi. Cổ to bè, cặp sừng nhọn hoắt (bởi mấy đứa em, đứa cháu xóm tôi đứa nào cũng thích, cứ lấy mẻ chai chuốt sừng Ve để xông trận cho sung). Ve được xếp vào top 5 trâu nổi trong làng về sự thiện chiến, chỉ sau trâu của bác Cường bên soi, trâu của cậu Hoa mà thôi… Thích nhất là những chiều sau ngày làm lụng, Ve thong dong ăn cỏ rồi bơi về làng, tấm lưng đen nhẫy, sạch bóng, như tấm phản nổi lập lờ cho mấy đứa nhỏ như thằng Lệ tha hồ đứng lên, nằm xuống trên lưng…
Ký ức đời người
Quay trở lại với chuyện trâu Ve “vượt rào”. Phải nói nhờ trâu Ve mà tôi bơi giỏi lên. Bởi Ve hay bỏ bầy đi lang thang nên tôi phải một thân một mình bơi qua những đoạn sông lớn nhỏ quanh làng để đưa về. Đoạn sông qua cù lao bên làng Dương Xuân khá rộng, tôi cũng từng tự bơi mấy lần trước để dự phòng tình huống như lần này. Tôi nói với Lệ “để bác đi tìm” rồi ra sông, lặng lẽ bơi qua giữa lúc nửa chiều. Qua khỏi cù lao, tôi lại lên bờ rồi bơi qua một con sông nhỏ mới đến bãi bồi ven sông Thạch Hãn phía Triệu Phong. Lúc này Cửa Việt đã ở trước mắt, trên bãi hằn dấu chân Ve, vệt dây mũi kéo dài. Tôi kêu “Ve ơi, Ve” tiếng vang trong chiều lộng gió. Ve dừng lại, như chờ tôi, như biết tôi sẽ đến đưa Ve về. Tôi chạy như bay trên bãi sông. Cầm sợi dây mũi, thở hổn hển, “về nghe”…
Hai đứa tôi quay lại, Cửa Việt phía sau lưng. Tôi ngồi lên lưng Ve, bơi qua bốn khúc sông mới về tới làng. Trời đã sẩm tối, Ve nằm bên cây bún trước nhà tôi, một đêm ngon giấc mùa hè…
Tất nhiên Ve có một đoạn đời hào hùng, đẹp đẽ. Ve đi qua tuổi thiếu niên của tôi, ở lại trong ký ức tươi đẹp của anh em tôi. Ve góp sức nuôi chúng tôi và những người dân làng tôi qua luống cày, đường bừa, những năm tháng cơ cực, khó nghèo thời đó. Con trâu được nhà nông yêu quý, con trâu là bạn, đúng nghĩa, khi được xếp công lao động sòng phẳng, chân tình.
Bây giờ mấy ai còn nhớ con trâu. Ai có ký ức về con trâu như nhiều người của thế hệ tôi, hóa ra lại là người giàu có, với tuổi thơ và tuổi hoa niên đầy ắp hoài niệm.