Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tâm niệm về 'dĩ công vi thượng'
Nguyễn Nhân Tỏ
BPO - 10 năm trước, những ngày này cả nước nhận tin buồn, đó là vị Đại tướng lừng danh của nhân dân ta, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã từ trần, hưởng thọ 103 tuổi.
Vẫn biết rằng quy luật cuộc sống là không thể thay đổi, nhưng nhân dân, các cựu chiến binh từ nhiều địa phương đã về Hà Nội, đến ngôi nhà riêng của Đại tướng bên đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình để được thắp nén hương chia ly tiễn biệt. Dòng người tự giác xếp hàng dài từ sáng sớm đến đêm muộn mấy ngày liền đã gây ấn tượng mạnh mẽ với truyền thông quốc tế. Tiếp đó là lễ tang tại Hà Nội, rồi lễ an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến, tỉnh Quảng Bình - quê hương Đại tướng, thật xúc động.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều đóng góp to lớn với đất nước, với Quốc hội và quân đội trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong xây dựng đất nước, công tác cán bộ. 10 năm ngày Đại tướng đi xa, xin sưu tầm và giới thiệu một bài nói chuyện của Đại tướng về một chủ đề luôn luôn thời sự, càng thiết thực hơn khi chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu “vừa hồng vừa chuyên”.
Tại hội thảo kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17-5-2005, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại hồi ức về lời dạy “Dĩ công vi thượng” của Bác và nói một vài điều tâm niệm đối với cán bộ, đảng viên.
Một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, trong hang Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), Bác Hồ trao cho tôi nhiệm vụ tổ chức “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Hang nhỏ nằm sâu trong khe núi, ngoài cửa hang, Bác đã khắc vào đá dòng chữ 8-2-1941 là ngày Bác tới ở hang này. Trong hang tối, không khí ẩm và lạnh, tôi nhặt những cành củi khô nhóm một ngọn lửa sưởi ấm cho Bác. Không dám đốt lửa to, sợ ánh sáng lọt ra ngoài lộ bí mật. Tôi ở lại nghỉ một đêm với Bác. Nằm bên Bác trên một cái giường lát bằng cành cây, tôi lắng nghe tiếng Người nói nhỏ nhẹ đều đều, giọng xứ Nghệ ấm áp. Bác và tôi trò chuyện đến quá nửa đêm, bàn về vấn đề chuẩn bị phát động võ trang khởi nghĩa. Bỗng nhiên Bác dừng lại một lúc rồi nói một câu: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”. Bác chỉ nói ngắn bốn chữ như vậy thôi, mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Bác suốt đời.
“Dĩ công vi thượng” là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước, vì dân, đặt lợi ích của nước, của dân, của Đảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân. “Dĩ công vi thượng” là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về “dĩ công vi thượng”. Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức mới, nó tiếp thu kế thừa và phát triển đạo đức truyền thống của dân tộc thương nước thương nòi, tương thân tương ái, kết hợp với đạo đức của nhân loại và đạo đức cộng sản chủ nghĩa. “Dĩ công vi thượng” là cốt cách người cách mạng, nếu ai không làm được điều này thì không thể trở thành người cách mạng, người cán bộ, đảng viên chân chính.
Trong Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, toàn dân, toàn quân ta đã thực hiện lời Bác dạy, đưa cách mạng đến thành công, kháng chiến đến thắng lợi. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, biết bao cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đang ra sức phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, thách thức, ngày đêm lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, làm cho dân giàu, nước mạnh, cảnh giác sẵn sàng chiến đấu giữ vững an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cơ hội phát triển đang ảnh hưởng lớn đến sức mạnh lãnh đạo của Đảng ta, đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Dư luận về hiện tượng hối lộ chạy chức, chạy cấp đang diễn ra trong nhiều cấp, nhiều ngành. Cứ như vậy thì cán bộ ngay khi ngồi vào ghế nhậm chức đã không còn là cán bộ của Đảng, của dân, không thể toàn tâm, toàn ý để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Họ trở thành kẻ cơ hội, lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng. Tình hình tham ô, ăn cắp của công, nhũng nhiễu, bòn rút của dân, lãng phí tiền bạc, phương tiện của Nhà nước, quan liêu xa rời dân vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, làm biến chất không ít cán bộ, đảng viên. Nhiều tổ chức kinh tế nhà nước, cơ quan nhà nước bất chấp kỷ cương pháp luật đã có những hành động tham ô, hối lộ, trốn thuế làm thất thoát hàng tỷ, chục tỷ, trăm tỷ đồng mà tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên ở đó hầu như không biết hoặc biết mà không dám nói, thậm chí có trường hợp lại đồng tình.
Đó là những tội lỗi hại dân, hại nước của những kẻ mang danh cán bộ đảng, cán bộ nhà nước nhưng đã thoái hóa không còn giữ được phẩm chất cách mạng. Sự thoái hóa này làm giảm sút sức mạnh lãnh đạo của Đảng, giảm sút sức mạnh chiến đấu của một số tổ chức đảng và đoàn thể, đe dọa sự tồn vong của Đảng ta, của chế độ ta.
Vì vậy, chúng ta cần thực hiện kiên quyết hơn nữa cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 lần hai, đẩy mạnh việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu một cách có hiệu quả. Phải đánh thắng bằng được “giặc nội xâm”, coi những tội lỗi ấy cũng nặng như tội việt gian, mật thám như Bác Hồ đã từng nói. Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp hàng đầu là nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dĩ công vi thượng.
Đi đôi với xây phải chống, phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chấp hành nghiêm điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi đảng viên bình đẳng trước Điều lệ Đảng, bất kể là ai. Phải nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước quần chúng, của cấp trên trước cấp dưới vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Bác Hồ nêu rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Khác với tác dụng điều chỉnh hành vi của pháp luật là bắt buộc, sự hình thành và phát triển đạo đức cách mạng là trên tinh thần tự giác tự nguyện, dựa vào chính lương tâm của mỗi người và dư luận của quần chúng. Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta hằng ngày hãy soi xét lại mình về những điều Bác dạy “Làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”, tự mình kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cơ hội, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thật thà tự phê bình và phê bình, gắn việc rèn luyện đạo đức với công tác thực tế. Tác dụng nêu gương của người cán bộ, đảng viên có vai trò rất quan trọng. Dân ta tin Đảng là tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ngày nay, sức mạnh lãnh đạo của Đảng thể hiện ở vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ cấp càng cao thì tác dụng gương mẫu càng quan trọng. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, quân đội, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương, thủ trưởng các ban, ngành, các đơn vị sản xuất và chiến đấu hãy nêu cao vai trò gương mẫu về đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Dĩ công vi thượng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần thực hiện học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm. Hiện tượng nói nhiều hơn làm, nói một đường làm một nẻo còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều nơi. Cần thực hiện có hiệu quả phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Trong điều kiện mới, bên cạnh mặt tích cực của cơ chế thị trường, đang có những tác động tiêu cực làm xói mòn đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, đòi hỏi Đảng ta phải bằng mọi biện pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả. Hãy tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạt tới những hành động thực tiễn làm tỏa sáng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, xua tan chủ nghĩa cá nhân thực dụng, bè phái cơ hội, những xu hướng coi quyền lực trên hết, đồng tiền trên hết, bất chấp lương tâm, nghĩa vụ, nghĩa tình…
Một câu hỏi đặt ra là: vì sao càng chống tham nhũng nhưng tham nhũng không giảm, mà phát triển tinh vi hơn, diện rộng hơn, nghiêm trọng hơn. Đây là vấn đề cần được chúng ta nghiêm túc xem xét, đặc biệt là các cơ quan lãnh đạo. Các cơ quan có trách nhiệm phải thật sự kiểm tra, nghiên cứu, tìm cho rõ nguyên nhân và có biện pháp loại trừ. Một trong những nguyên nhân là không dựa vào quần chúng, thiếu dân chủ. Bác Hồ đã từng nói: “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng”. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công. Bác còn nói: “Việc chống này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”. Hãy làm theo lời Bác: “Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà rèn luyện, đánh giá cán bộ, đảng viên”. Cần, kiệm, liêm, chính trong tình hình nhiệm vụ mới hiện nay càng có ý nghĩa to lớn hơn.
Lời Bác Hồ nói với bác Giáp tại hang Pác Bó trước năm 1945 đã đi theo Đại tướng suốt đời. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tâm đắc điều này và là tấm gương mẫu mực về thực hiện “dĩ công vi thượng”.
Còn nhớ, trong kháng chiến chống Pháp, có một vị cán bộ cấp cao tham ô của công, sống xa hoa trong khi cả nước còn khó khăn, bộ đội chưa đủ ăn no mặc ấm vẫn chịu đựng hy sinh đánh giặc. Được tin này Bác Hồ rất đau lòng qua những đêm thức trắng đã phải ký quyết định tử hình cán bộ xấu để làm gương cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Mấy năm qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên kém rèn luyện, thoái hóa biến chất nên đã có hàng chục cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, khai trừ hoặc bị kỷ luật Đảng. Phải chăng họ đã không thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, đã không học và làm theo lời Bác Hồ dạy: Dĩ công vi thượng?!