Nhờ đâu GRDP của tỉnh có thu nhập bình quân cao nhất nước tăng hơn 100 lần trong hơn 20 năm qua?
Những năm gần đây, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh này luôn nằm trong nhóm cao nhất cả nước.
Kể từ khi tái thành lập tỉnh năm 1997, Bình Dương có thành tích vượt trội về các chỉ tiêu phát triển kinh tế. Cụ thể, quy mô GRDP của Bình Dương tăng gấp 104 lần, thu ngân sách tăng gấp 75 lần và là một trong số ít các địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương.
Giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,86%/năm, GRDP tăng từ 3.919 tỷ đồng lên 408.800 tỷ đồng, tăng gấp 104 lần, trung bình cả giai đoạn GRDP đạt khoảng 104.000 tỷ đồng/năm.
Trong năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 2,79% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 152 triệu đồng/người/năm (gần 7.000 USD), là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, thu nhập bình quân của tỉnh liên tục nằm trong nhóm cao nhất cả nước trong nhiều năm qua.
Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh 4 năm liên tiếp là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, nhờ vào định hướng phát triển đúng đắn, tỉnh Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc. Một trong những nhân tố tạo nên sự thành công của tỉnh là: Cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải cách thủ tục hành chính; phát triển các khu công nghiệp tập trung dựa vào lợi thế vị trí, địa hình thuận lợi; tích cực trong việc phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng các khu đô thị mới thông qua sử dụng công cụ của chính quyền địa phương để dẫn dắt đầu tư.
Về sự phát triển thần kỳ của Bình Dương, theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, những thành công trong phát triển kinh tế có được nhờ vào tư tưởng nhạy bén và những quyết sách mang tính đột phá của tỉnh.
Cùng với đó, các thế hệ lãnh đạo Bình Dương bằng tuy duy năng động, sáng tạo, triển khai chủ trương "Trải thảm đỏ thu hút đầu tư" và "Trải chiếu hoa mời gọi nhân tài" để huy động các nguồn lực, đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến xây dựng Bình Dương.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thu hút 2.492 triệu USD dòng vốn FDI, tăng 99% so với cùng kỳ. Trong đó, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 25 dự án với tổng số vốn đăng ký là 1.773 triệu USD, tăng 6,1 lần so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh có 11 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn điều chỉnh là 13,7 triệu USD; số dự án góp vốn, mua cổ phần 61 dự án với tổng vốn 705,3 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ.
Mới đây, hai doanh nghiệp lớn đến từ Đan Mạch là Tập đoàn LEGO và Tập đoàn Pandora đã ký kết hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN VSIP 3 tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Hai doanh nghiệp đầu tư hơn 1,1 tỷ USD và tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động tại Việt Nam.
Bình Dương định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tỉnh đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu làn sóng đầu tư. Cùng với đó, để ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững, tỉnh đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh.
Việc xây thành phố thông minh của Bình Dương gắn liền với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Không chỉ vậy, Bình Dương còn tập trung hướng tới đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm gần đây, khi quỹ đất công nghiệp tại các khu vực Dĩ An, Thuận An tại Bình Dương đã gần như cạn kiệt. Do đó, tỉnh đã chuyển hướng quy hoạch các KCN lớn tại các khu vực còn nhiều diện tích trống như Tân Uyên, Bến Cát, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên.
Theo định hướng phát triển kinh tế của Bình Dương, tỉnh lấy công nghiệp làm nền tảng, trọng tâm là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng KCN nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Mới đây, tại Hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương 1/4 thế kỷ: Thành tựu và phát triển", Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, mô hình phát triển của Bình Dương trong tiến trình đổi mới của đất nước chính là mô hình độc đáo, hội tụ đủ cách tiếp cận.
Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Bình Dương sẽ tiếp tục là một hình mẫu địa phương trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Hơn nữa, Bình Dương sẽ cùng với cả nước hiện thực hóa tầm nhìn và mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.