Nhớ Dương Tường một thời thương khó
Thời thương mến xa ấy cũng là thời khó. Nhớ Dương Tường không thể không nhớ đến những người bạn, những văn nghệ sỹ một thời. Nhiều người mà số phận của họ cũng góp phần làm nên một Dương Tường.
Tôi được các anh, những Mai Cát, Tất Vinh, Mai Nam, Minh Tiến… cho bám càng khi thì quán nước chè chén thuốc cuộn của bà Sinh bên xế hông tòa báo Tiền Phong. Sang hơn thì ở quán ông già cũng trà chén nhưng có bán chui thứ rượu thuốc. Thứ rượu chả biết ngâm thứ gì khi đỏ quạch khi nâu nâu. Các quán nước chè không được phép bán rượu. Cũng chỉ hai cái chén con con cho mỗi người. Hồi ấy tôi chưa biết nốc tợn như sau này mà chỉ vài nhấp nhấp tí mặt mũi đã bừng bừng. Nhưng chừng như thấy tôi cũng chịu khó lẽo đẽo theo hầu và chịu hếch mặt lên hóng chuyện đám đàn anh nên thường được ới!
Trong lòng nhà mờ mờ om om thiếu ánh điện của quán rượu chui, chập chờn hình nhân nếu trưng trước ánh ngày là khuôn mặt teo tóp mét xanh kinh niên thiếu dinh dưỡng của anh Tất Vinh. Rồi nước da mét xanh kém sinh khí của những Mai Nam, Mai Cát, Lê Bầu… Thảng hoặc có thêm anh Mạc Lân ở Cầu Giấy guồng xe vào. Hiếm hoi có Bùi Ngọc Tấn ở Hải Phòng lên. Cũng nhang nhác, hom hem vậy!
Chao ôi, các anh! Hồi ấy già dặn lắm cũng chỉ trên ngũ tuần chút nhưng với lứa chúng tôi họ đã là tầm thụ mộc cỡ gộc. Có ai đó xa xôi rằng chả có ai vĩ đại trong con mắt người hầu phòng - như cái thằng tôi đây từng lẽo đẽo với các anh chả ít bận. Và những lần sát sạt ấy, họ cũng phát lộ vô khối thứ này thứ nọ. Nhưng hình như những thứ chế nghịch ấy chỉ đậm thêm, tôn lên thêm cái tình người cùng cái gì nhỉ, thuở ấy gọi là chất nghệ của những người viết. Mà chẳng phải non yểu bấy bớt, cái cảm giác sờ sợ xen nể trọng ấy đeo bám mãi đến tận giờ!
Sau này tôi mới biết những cuộc tụ thường xuyên và bất chợt ấy của họ là có duyên do.
Ông Trương Công Cẩn người Huế, quyền Chính ủy Đại đoàn 304 vốn đã quá rành hoàn cảnh cùng tính cách của từng người đã biên cho ông Nguyễn Lam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc nguyên là Chủ nhiệm báo Tiền Phong cũng là chỗ quen thân mấy chữ:
…Đây là những đồng chí có công nhưng cấp bậc thấp vì chính sách đối với văn nghệ sĩ chúng ta chưa rõ ràng. Nhờ anh giúp đỡ tạo điều kiện cho họ công tác bên đoàn thể dân sự…
Nhờ cái cách chuyển ngành độc đáo ấy mà những Mạc Lân, Tất Vinh, Vũ Lê về Tiền Phong. Trong nhóm bạn quân ngũ thân thiết ấy chỉ có Dương Tường thích về Thông tấn xã Việt Nam.
Rồi Tất Vinh, Mạc Lân chơi thân với những Trần Dần, Phùng Quán. Và khúc nhôi buồn túng đói, Mạc Lân từng phải rủ Dương Tường đi bán máu kiếm sống!
Tôi có mấy dịp được ngồi với chị Trinh em gái nhà văn Tất Vinh để tường thêm về nhiều khúc nhôi tất tả của một người viết tài hoa thời đoạn 1958 và còn kéo dài... Tường thêm cả tất tả của đức ông chồng chị Trinh. Chị là vợ Dương Tường.
Hình như chỗ làm chỉ là cái cớ cái bùa để yểm cho một phù thủy Dương Tường tung tẩy bày biện này khác. Hình hài nhân viên công chức thông tấn xã Dương Tường thoắt ma mỵ như lên đồng thành thứ phù thủy chữ nghĩa làm chao đảo địa hạt thơ Việt. 5 tập thơ (trong đó 2 tập in chung) cùng tập tạp văn mới in “Chỉ tại con chích chòe” có lẽ là thứ tài sản quốc gia kén bạn đọc của Dương Tường!
Tiếng Anh, Pháp là Dương Tường tự học mà ông từng khiêm nhường “cái nghề dịch của mình chỉ là kiếm cơm thôi”; Nhưng những Anna Karenina (Lev Tolstoy), Lolita (Vladimir Nabokov), Cái trống thiếc (Gunter Grass)... đặc biệt là các tác phẩm của những tác giả mà văn chương của họ thật sự thách thức độc giả như Bên phía nhà Swan và Dưới bóng những cô gái đương hoa của Marcel Proust... là những cột mốc dịch thuật sừng sững!
Ở tuổi 87, thị lực xuống thê thảm. Có lúc mờ mịt không thấy gì. Dương Tường ứa nước mắt. Cái duyên dằng dặc bện quện cùng con chữ suốt một hoa giáp dừng ở đây ư? Hoặc bây giờ hoặc không bao giờ. Dương Tường gượng dậy. Nhờ người quen trợ giúp cho một thiết bị nối với bàn phím và màn hình máy tính Dương Tường tĩnh trí dần. Lại cọc cạch bàn phím. Và gần 2 năm sau, năm 2020 dịch giả Dương Tường cho trình làng bản Kiều chuyển ngữ sang tiếng Anh tày tặn (Kiều in Dương Tường’s version).
Giới trẻ, người trẻ yêu Dương Tường và Dương Tường cũng yêu họ. Vậy nên mới có “Tình khúc 24”, “Dương cầm lạnh”... do Phú Quang phổ nhạc thơ Dương Tường.
Tài danh vậy. Dương Tường có được ưu ái không? Ngồi với chị Trinh, được biết thêm một chuyện. Thời điểm năm 1995, David Thomas, cựu binh Mỹ, GS kiêm họa sĩ Đại học Emmanuel - người đầu tiên tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Mỹ Việt. Có lẽ vì quá mê Dương Tường nên David Thomas đã thao thiết mời ông qua Mỹ dự triển lãm.
Đi Mỹ tất nhiên phải hộ chiếu. Mà làm hộ chiếu phải qua nhiều thủ tục. Dương Tường bắt buộc phải là hội viên của một Hội nào đó. Mà hỡi ôi, Dương Tường chưa ở bất kỳ một Hội nghệ thuật nào!
Khi ấy người ta gợi ý ông phải làm cái đơn xin vào Hội nghệ sĩ tạo hình ngành lý luận phê bình gì đó.
Nhưng rồi Hội đồng lý luận đã không giới thiệu ông lên Ban chấp hành mặc dù họa sĩ Trần Lưu Hậu - chủ tịch Hội và Thái Bá Vân - nhà lý luận hàng đầu ký tên giới thiệu.
Thời hạn đi Mỹ đã sát nút. Bà Vũ Giáng Hương khi đó là Tổng thư ký Hội biết chuyện đã bức xúc.
“Anh Dương Tường viết những bài phê bình về hội họa rất có chất lượng và viết nhiều hơn số đông những nhà phê bình chuyên nghiệp. Anh Trần Lưu Hậu anh Thái Bá Vân đã giới thiệu. Nếu cần tôi là người thứ ba”.
Dương Tường được khẩn trương kết nạp. Nhờ đó được cấp hộ chiếu đi Mỹ với tư cách là nhà phê bình nghệ thuật!
Một chút mở cái ngoặc. Một chút thôi cái duyên viết lách với Dương Tường. Năm xa ấy tôi có bài viết “Tất Vinh, trả lại tên cho anh” về quãng thời gian tất tả mà ở Tiền Phong, Tất Vinh phải lấy bút danh tên con trai Hồng Dương.
… Lần ngồi ấy, dịch giả kiêm nhà thơ tài hoa Dương Tường hồi còn lanh lẹ đã ẩy về phía tôi một cuốn dầy cộp. Cuốn “Thi nhân Việt Nam 1885-1965” xuộm vàng hơn 1.400 trang của Trần Tuấn Kiệt, cây phê bình kiêm thi sĩ. Sách xuất bản ở Sài Gòn năm 1965. Trong mục Thi nhân tiền chiến có giới thiệu Tố Hữu, Quang Dũng, Hoàng Cầm... Và trang 561 có những dòng giới thiệu về Tất Vinh thế này:
Nhà thơ Tất Vinh được nhiều bạn thơ hôm nay xem là một thi sĩ ngang với Hữu Loan, Hoàng Cầm... Ông cũng đi kháng chiến chống Pháp... chúng tôi đã mục sở thị nhà văn Lê Văn Trương ngâm thơ của Tất Vinh một cách say sưa thú vị...
Kèm theo Trần Tuấn Kiệt tuyển ba bài của Tất Vinh: “Sông Mã”, “Vô đề”, “Gửi Yên Thao”. Những câu như thế này đã găm vào trí nhớ không ít người một thời, một thuở... Sông Mã trôi xuôi mình cũng xuôi/ Mũ lá u u nhớ một người/ Ai viết tân thư mà ứa lệ/ Thương nhớ vô cùng thương nhớ ơi.
Một tập của Tất Vinh? Tại sao không? Mấy bài tuyển của Trần Tuấn Kiệt sơ sài quá! Dương Tường phàn nàn. Rồi Dương Tường hé ra chuyện việc xuất bản thơ Tất Vinh đang được ông em rể Dương Tường ráo riết tiến hành!
Lần ngồi với cây viết Mạc Lân ở nhà riêng tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội được biết thêm những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Mạc Lân thường dẫn Tất Vinh, Trần Dần, Yên Thao, Tạ Phương Hiển... bạn hữu cùng trung đoàn 66 về nhà mình chơi. Gia đình nhà văn Lê Văn Trương khi đó tản cư hết mạn Chợ Bến rồi Lò Than của Nho Quan.
Những đêm bên bếp lửa chuyện thơ phú mà chủ soái là nhà văn Lê Văn Trương có khi kéo mãi ra tận sáng bạch.
Trong số đám bạn viết lách của con giai, Lê Văn Trương quý Tất Vinh hơn cả. Khi ấy, như hồi ức của Dương Tường thì lính văn nghệ hầu như ai cũng thuộc hoặc cả bài hoặc dăm ba đoạn thơ của nhà thơ quân đội 23 tuổi Tất Vinh.
Nhờ có cú hích Mạc Lân, cùng những chăm bẵm của Dương Tường và sự chung tay của hai người em trai và em gái Mạc Lân (Lê Văn Bổng và Lê Giáng Vân) khiến tập thơ Tất Vinh đã có hình hài. Hai anh em nhà ấy đã làu thuộc thơ Tất Vinh hơn hai mươi bài. Nhiều bạn bè đã xúm tay... Dăm ba anh em chụm đầu lục lọi trong trí nhớ, người một đoạn kẻ vài câu.
Tập thơ Tất Vinh có lẽ hơi bị độc đáo là xuất bản, nhưng không có di cảo bằng văn bản, tóm lại là chưa hề có bản thảo!
Và một bất ngờ là thi sĩ Dương Tường đã động viên và nèo bằng được tôi góp bài “Tất Vinh, trả lại tên cho anh” để in trong tập thơ. “Cậu buồn cười thật. Chả gì cậu cũng là người của Tiền Phong. Lại có quen biết anh Tất Vinh - Hồng Dương!”
… Cứ khư khư cảm giác rằng sẽ mãi một Dương Tường quần bò áo phông phong độ. Nhưng lần ấy tôi với mấy ông bạn viết đã phải tốc táo tới căn hộ trong hẻm phố Phan Huy Chú. Cú ngã sơ sảy của tuổi gần 90 khiến các nhà nghệ thuật trong một Dương Tường đã phải nhiều lúc buông ra âm thanh bất lực Trinh ơi…
Ấy là âm thanh thương mến hằng bao năm ông chồng gọi vợ. Hình như khi đau ốm tuổi già, âm thanh ấy đâm vổng vót, riết róng hơn?
Bà Trinh cũng đã xuống sức. Nhưng biết làm sao, bà phải chăm ông còn hơn con chăm cha. Cái cười của người em gái nhà văn Tất Vinh vẫn tươi tươi rằng quen được vợ hầu rồi giờ ốm đau làm nũng đến khiếp!
Đêm. Mở Facebook của Lê Hoàng Lân, con trai Mạc Lân, cháu nội nhà văn Lê Văn Trương tôi thấy những dòng này:
Điếu văn của Dương Tường viết cho người bạn thân Mạc Lân, ông viết cả cho ông và bao bạn bè của ông.
“Trước linh cữu Mạc Lân hôm nay, được phép thay mặt bạn bè, tôi chỉ nói lời tạm biệt.
... tất cả cũng sẽ gặp lại nhau ở cõi Bên - Kia, nơi ấy chắc không còn bon chen, tị hiềm và thù hận, mà chỉ có cực lạc và tình yêu.
Thế nên, hãy nhẹ bước thanh thản mà đi, Mạc Lân ơi!”
Ngày 24/2/2023 Dương Tường cũng đã nhẹ bước mà đi như thế.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nho-duong-tuong-mot-thoi-thuong-kho-post1513070.tpo