Nhờ EVFTA, giá gạo xuất khẩu đã tốt hơn
Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, gạo Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) có giá tốt hơn so với trước đây. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, gạo Việt Nam còn có thể bán gấp hai, gấp ba lần so với mức giá 1.000 đô la Mỹ/tấn như hiện nay nếu các công ty làm đúng, làm tốt.
Những ngày vừa qua, công nhân ở Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đang tất bật thực hiện đóng gói cho lô gạo xuất khẩu sang thị trường Đức. Trong đợt giao hàng đầu tiên, công ty này sẽ giao sáu container với khối lượng tương đương khoảng 150 tấn với hai loại là gạo ST20 và Jasmine. Đã xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu hơn 20 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên, Trung An được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% nhờ EVFTA đã có hiệu lực từ 1-8.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?” diễn ra hôm nay, 3-9, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc của Trung An cho biết, giá FOB (giao tại tàu) ở TPHCM của lô gạo thơm kể trên là 1.080 đô la Mỹ/tấn. Đây là mức giá cao hơn hẳn giá xuất bán gạo thơm của công ty đi thị trường châu Âu lâu nay (cao nhất cũng chỉ 800 đô la Mỹ/tấn) khi chưa có EVFTA.
Với mức giá này, theo ông Bình, doanh nghiệp đã có lời hơn so với thời điểm hiệp định chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, mức 1.080 đô la Mỹ/tấn chưa phải là cao, chưa đúng với giá trị thật của gạo Việt Nam.
“Văn hóa thương mại của Việt Nam rất kém. Cứ hễ mở được thị trường nào là đua nhau hạ giá để cạnh tranh. Bao nhiêu mặt hàng nông sản, từ trái cây, gạo đến cá lâu nay cạnh trạnh như vậy. Vì văn hóa này mà có doanh nghiệp nuôi cá phải phá sản, ngưng nuôi”, ông Bình nói.
"Người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng trả 3.000 - 4.000 đô la Mỹ cho một tấn gạo. Vấn đề là phải đáp ứng được chất lượng và tiêu chuẩn đề ra.
Ở thời điểm hiện tại, ông Bình cho rằng, Trung An không nghĩ lời nhiều hay lời ít mà quan trọng nhất là chứng minh hàng hóa Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được chất lượng. Nhưng về lâu về lại phải nâng giá trị lên để giá bán tương xứng với chất xám, với công sức mà người nông dân và doanh nghiệp bỏ ra. Đây là vấn đề cần giải của cả ngành.
Bên cạnh đó, gạo Việt Nam đưa vào châu Âu lâu nay vẫn chưa có thương hiệu, thường phải theo nhãn mác của thương nhân nhập khẩu và cũng hiếm hoi được lên quầy kệ siêu thị tại đây. Vì vậy, công ty cũng đang đàm phán với đối tác để sản phẩm được mang thương hiệu Trung An và cố gắng để thời gian tới có thể chính danh tại quầy lệ siêu thị. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian dài để đàm phán, thực hiện.
Cũng theo ông Bình, với EVFTA, châu Âu đã dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo trong năm 2020. Từ nay đến cuối năm, mặt hàng gạo có những tín hiệu tốt để xuất khẩu đi châu Âu nói riêng cũng như thế giới nói chung. Trong đó, EVFTA là cơ hội để gạo Việt Nam bứt phá, khi người châu Âu có nhu cầu và biết về gạo Việt Nam, chất lượng gạo cũng đã tăng lên. Ngoài ra, từ đây đến cuối năm, cũng chỉ còn một vụ cuối là vụ Thu Đông, sản lượng ít, tồn kho không nhiều. Các nguyên nhân này sẽ làm giá gạo xuất khẩu tăng lên.
Vinaseed xuất khẩu gạo thương hiệu đi châu Âu
Cũng đã đưa gạo vào châu Âu lâu nay nhưng vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã chính thức xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc. Giá xuất khẩu đạt mức 1.040 đô la Mỹ/tấn, cao hơn mức giá bình quân năm mà Vinaseed đã đạt được trong năm 2019.
“Năm 2019, tổng sản lượng xuất khẩu của Vinaseed tại thị trường châu Âu đạt khoảng 2.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 triệu đô la Mỹ. Năm 2020, Vinaseed đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 5.000 tấn gạo, gấp đôi sản lượng năm ngoái sang châu Âu, ông Nguyễn Quang Trường, Tổng giám đốc Vinaseed cho biết.
Tâm An