Nho hạ đen, 'chủ lực' trong du lịch canh nông huyện Đan Phượng
Không cần phải đi Pháp, Ý, Tây Ban Nha hay đến các 'vựa nho' của thế giới ở châu Âu, mà ngay cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 20km theo quốc lộ 32 cũng có thể chiêm ngưỡng những nông trại nho đẹp như tranh của nông dân huyện Đan Phượng. Nho hạ đen được nông dân huyện Đan Phượng xác định là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực du lịch canh nông.
Theo truyền thống, nông nghiệp là nơi sản xuất ra lương thực, thực phẩm phục vụ xã hội. Những năm gần đây, ngẫu nhiên khi một số du khách đến một vùng nông thôn tò mò muốn xem người dân ở đây sống ra sao và làm ăn như thế nào, điều này đã giúp hình thành một xu hướng mới. Ban đầu, các hoạt động chỉ là phần nằm ngoài của một tour du lịch được thiết kế sẵn. Người hướng dẫn viên tranh thủ thời gian đưa du khách đi cho biết thế nào là trồng lúa, trồng rau, thu hoạch,… được làm ra sao.
Tuy nhiên, người nông dân ngày nay rất nhạy bén, đã phát hiện ra hiệu quả kinh tế từ mảnh đất của chính mình, không chỉ là trồng cây và bán sản phẩm, mà còn có thể thu lợi nhuận từ việc cho khách trải nghiệm chính công việc mà mình đang làm.
Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho hay: “Du lịch canh nông là tam nông gắn với hoạt động du lịch. Trước đây rất nhiều người đã không quan tâm đến vấn đề này, hoặc chỉ dừng lại ở du lịch nông nghiệp sinh thái, tức là cho khách tham quan mô hình trang trại. Tuy nhiên, du lịch canh nông đa dạng hơn, khách du lịch có thể được tham gia ở nhiều mức độ khác nhau như: xem, quan sát quá trình canh nông; thưởng thức sản phẩm; trải nghiệm thực tế một số công đoạn, “nhập vai” trong quá trình sản xuất, thu hoạch; và cuối cùng là hưởng chính thành của mà mình làm ra. Và cao hơn nữa chính là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” tại nông trại”.
Theo ông Thiều Văn Son, Hội Nông dân huyện Đan Phượng có nhiều sản phẩm được định hướng làm du lịch canh nông như mô hình trồng hoa, trồng cây ăn quả, trồng rau màu, làm rượu,… Nho hạ đen là một trong những sản phẩm “du lịch canh nông” mà nông dân đang khai thác hiệu quả và hướng tới nâng cao mức độ để hấp dẫn du khách. Diện tích trồng nho hạ đen tại huyện Đan Phượng hiện nay lên đến gần 4ha có mặt ở nhiều xã như Đan Phượng, Phương Đình, Trung Châu, Hạ Mỗ, Hạ Mỗ,… với những nông trại lớn chính là tiềm năng cho du lịch canh nông.
Ông Nguyễn Hữu Hợi, chủ vườn nho Hợi Hường ở xã Đan Phượng cho biết, nho hạ đen là giống rễ trần nên có sức sống bền bỉ, với tốc độ phát triển rất nhanh. Nho hạ đen khó ra hoa đậu quả một cách tự nhiên mà phải có biện pháp xử lý, yêu cầu kỹ thuật rất nghiêm ngặt bởi cây tương đối mẫn cảm, thu hút nhiều loại sâu bệnh nên phải phòng trừ đúng thời điểm, đúng liều lượng.
Cây nho rất kị nước nên với những vùng đất trũng, phải đào rãnh cao, thiết kế bạt phủ luống để làm giảm lượng nước ngấm xuống gốc cây. Đặc biệt, nếu xác định trồng loại nho này thì phải có hệ thống mái che; hệ thống tưới nhỏ giọt và vườn cũng phải thường xuyên làm cỏ thì cây nho hạ đen mới phát triển tốt.
Để sản phẩm nho hạ đen có uy tín, có chỗ đứng trên thị trường, huyện Đan Phượng cũng chủ động hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap ngay từ đầu. Hiện sản phẩm nho hạ đen của nông trại Hợi Hường đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Ông Hợi đánh giá, so với trồng rau màu, nho hạ đen cho thu nhập cao gấp đôi, một lần trồng có thể cho thu hoạch trong vòng 20 năm. Điều đáng nói là hiện nay, thị trường tiêu thụ nho rất rộng mở, sản lượng làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng.
Giống nho này rất nhanh được thu, thông thường khoảng 8 tháng trồng đã cho thu hoạch. Trong khi đó, một năm nho có đến 2 vụ vào tháng 5 và tháng 10 âm lịch. Chính vụ tháng 5 cho năng suất cao hơn do có thời gian ngủ đông dài vài tháng nên quả to, chùm nho cũng đều hơn.
Theo tính toán của các hộ trồng nho tại Đan Phượng, sản lượng nho những năm sau đều cao hơn năm trước. Thường năm đầu tiên chỉ đạt khoảng 4 tạ/sào/vụ. Năm thứ 2 khoảng 5 tạ/sào/vụ còn năm thứ ba sản lượng khoảng 6-7 tạ/sào/vụ. Với mức giá hiện tại từ 120 nghìn đồng đến 130 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi sào người dân thu 60-65 triệu/sào/vụ. Những hộ gia đình trồng nho hạ đen khoảng 1 mẫu, một năm thu trên 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Hợi, nho là một loại nông sản không chỉ “đẹp” về mỹ quan mà còn hấp dẫn bởi hương vị, cho nên nhiều người đến với vườn nho còn bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp mang phong cách cổ điển của vùng Tây Nam châu Âu, lại ngon ngọt, hấp dẫn. Chính vì vậy, nhiều hộ trồng nho ở Đan Phượng bắt đầu chú ý đến du lịch canh nông.
“Hiện nay, các hộ đang thực hiện ở mức cho khách đến thăm quan, trải nghiệm quy trình trồng nho, thu hoạch. Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu để nâng cao mức trải nghiệm du lịch nhằm thu hút đông đảo du khách đến các nông trại”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế “kép” từ những vườn nho hạ đen, nhiều hộ nông dân Đan Phượng đã chuyển đổi những thửa đất nông nghiệp kém hiệu quả thành những vườn nho hạ đen mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng, với sự giúp đỡ hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông thành phố, Trạm khuyến nông huyện Đan Phượng, nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng nho mở ra hướng làm giàu mới cho địa phương. Và sắp tới, Hội Nông dân huyện Đan Phượng sẽ nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân đi theo định hướng du lịch canh nông trên nông trại trồng nho hạ đen, nho sữa... mở rộng thành “vùng du lịch canh nông” trên đất Đan Phượng.