Nhớ lắm Tết quê!
Nhớ lắm Tết quê! Tinh mơ 28 tháng Chạp, mưa xuân lất phất đưa không khí Tết tràn về năm gian nhà ngói của ông bà nội. Nồi lá mùi để tắm bắt đầu sủi tăm đưa hương thơm lãng đãng bay khắp chốn.
Các thành viên trong gia đình tất bật chuẩn bị cho việc mổ lợn, một công đoạn không thể thiếu của việc đón Tết Nguyên Đán ở quê hương tôi.
Từ khi tôi còn là con nhóc bé xíu đến giờ là cô sinh viên năm cuối, năm nào cũng vậy, cứ khoảng 26, 27 tháng Chạp là gia đình tôi lại rộn ràng sửa soạn để về quê đón Tết cùng ông bà. Bố tôi bảo, ăn Tết ở quê có không khí hơn, hơn nữa là để “giữ nếp nhà, bồi đắp thêm tình cảm gắn bó của con cháu với gia đình cùng quê hương, bản quán”.
Các bạn trẻ đón Tết ở thành phố chắc chẳng thể hình dung nổi “mổ lợn ăn Tết” ra sao, không khéo có bạn nghe nói còn nói: “Vẽ chuyện, thực phẩm đầy chợ, mổ lợn làm gì vất vả thêm”. Nhưng chúng tôi ăn Tết ở quê và như một thói quen, chúng tôi mong chờ buổi sáng tinh mơ ngày 28, chẳng ai bảo ai cùng dậy thật sớm, mỗi người xăm xắm một việc để chuẩn bị “mổ lợn”. Bà tôi sắp ra nào mo, nào lạt, rồi chậu, rồi thớt, rồi dao; Bố mẹ tôi bảo nhau bắc rồi nước to, rang đỗ, rang lạc; Tôi cùng mấy đứa em vừa trò chuyện vừa luôn tay nhặt hành, răm …
Nghe tiếng gọi, ông tôi nhanh nhẹn ra mở cổng đón khách (khách là ba bốn người bà con “đụng” chung con lợn), tiếng chào hỏi, cười nói xôn xao. Lợn được mổ ra chia đủ phần giã giò, phần làm giò xào, phần gói bánh chưng... Đôi lần, sợ ông bà tuổi cao mà vất vả nên bố mẹ xin được đảm nhiệm mua sắm thực phẩm mang về nhưng ông tôi không chịu. Ông bảo, khi nào ông bà còn chăn nuôi được một con lợn và một đàn gà bằng rau, thóc của nhà để cháu con có “thực phẩm sạch” là điều khiến họ vui sướng nhất. Với tôi, về quê không phải chỉ để được ăn Tết bằng “thực phẩm sạch” mà hơn thế là để thấy ngay từ những việc rất đỗi bình thường: “mổ lợn ăn tết” cũng khiến mùa xuân ấm áp, mọi người trong gia đình xích lại gần nhau hơn!
Tết quê! Điều khiến chị em tôi thích thú nhất là được đi chợ. Khác với thành phố, chợ Tết quê tôi vẫn họp theo phiên và phải đi sớm mới đông vui. Chợ Tết ở quê rực rỡ với những dãy quất trĩu quả xếp dài, những tầm xuân, đào, dơn, hồng, cúc… khoe sắc dọc hai bên đường. Những người bà xách làn vừa đi vừa bỏm bẻm nhai trầu; những người mẹ rạng rỡ tay ôm bó hoa; những đôi nam thanh nữ tú cầm tay nhau, í ới gọi nhau… Không khí đông vui như trảy hội khiến ai đó có cảm giác dòng người tấp nập kia đi chơi là chính, việc mua bán chưa hẳn là quan trọng nhất.
Chợ Tết ở quê có nhiều hàng bán tò he xanh đỏ bắt mắt, người bán hàng luôn tay nặn các con vật vô cùng sinh động, còn trẻ con xúm quanh, ánh mắt đầy ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Chợ quê còn có các trò chơi dân gian (cờ tướng, cờ vua), các trò chơi thử vận may mắn hấp dẫn và níu chân người. Chợ quê, các sạp hàng bán rau, củ, quả, cá, thịt cũng đông người mua nhưng bán chạy hàng nhất lại là các sạp quần áo trẻ em rực rỡ sắc màu.
Thực ra, trẻ con ở quê bây giờ cũng được mua sắm quần áo quanh năm nhưng người dân quê tôi vẫn giữ nếp nghĩ, cứ Tết đến là kiểu gì cũng phải sắm cho con “manh áo mới”. Chao ôi, nhìn cảnh đó mà cảm động! Tự nhiên thấy rưng rưng khi nhớ về ngày cũ (chừng hai mươi năm về trước), chị em tôi sung sướng nhẩy cẫng lên khi thấy trong giỏ hàng Tết của mẹ có bộ quần áo mới.
Tết quê, gói rồi luộc bánh chưng là một công việc không thể thiếu, vừa gần gũi, thân quen lại vừa trang trọng. Thường là mấy phiên chợ trước đó, bà tôi đã bỏ công lựa chọn những bó lá dong to bản, xanh mướt về dựng ở góc nhà để đến lúc mang ra gói bánh, lá vẫn còn tươi xanh. Bà còn cặm cụi sàng sẩy để chọn lựa những hạt gạo nếp cái hoa vàng trắng, đều, những hạt đỗ xanh, mẩy làm bánh. Chị em tôi cũng góp sức trong việc rửa lá, lau lá thật cẩn thận (bà bảo phải rửa sạch, lau sạch thì bánh không bị sạn, bánh dù ngon mấy mà sạn thì xem như là hỏng).
Chúng tôi say sưa theo dõi từng chiếc bánh vuông vức, xanh mướt lần lượt xuất hiện nhờ bàn tay khéo léo của ông và bố. Khi số bánh đã đủ theo dự định, thế nào chị em tôi cũng được ông gói cho mỗi đứa một “đồng bánh rùa” khiến chúng tôi vô cùng sung sướng. Tối đến, sau khi cơm nước xong xuôi, đại gia đình lại ngồi quanh nồi bánh chưng đang sôi chuyện trò rôm rả. Chúng tôi rất thích nghe bà kể chuyện ngày xưa dù có chuyện đã nghe cả chục lần. Chuyện ông bà gặp nhau thế nào, nên duyên chồng vợ ra sao, chuyện năm tháng chiến tranh quẩy con trong thúng chạy đi sơ tán…
Ông và bố thì hay nói chuyện thời sự trong nước, thời sự quốc tế, chuyện hội hè, đình đám, làng xã. Mẹ tôi chăm chú kều bếp giữ cho lửa luôn đều, không bùng to, không tắt lịm, lặng lẽ theo dõi câu chuyện, thỉnh thoảng mỉm cười. Sáng hôm sau, chị em tôi vui sướng vô cùng khi nhìn những chồng bánh chưng còn xanh nguyên màu lá được xếp ngay ngắn trên bàn. Đương nhiên, những đồng bánh đẹp nhất, vuông vức nhất sẽ được chọn, đặt trang trọng lên bàn thờ cúng tổ tiên
Tết quê còn nhiều điều thú vị lắm. Ấy là cứ đến giao thừa, chúng tôi lại được bố mẹ dẫn đi lễ chùa, đi lễ ở nhà thờ họ. Đường làng, ngõ xóm luôn xôn xao tiếng người chào hỏi, chúc Tết. Người dân quê tôi thường đi bộ, giữa đường gặp nhau còn nán lại câu chào, chúc nhau những điều tốt đẹp, may mắn trong năm mới…
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nho-lam-tet-que-d178270.html