Nhớ lần Kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ
Năm 1970, chiến trường ở tỉnh ta diễn ra vô cùng ác liệt. Địch lấn chiếm đóng đồn sâu vô vùng giải phóng. Bom pháo địch dội xuống đậm độ có tính hủy diệt, nên dân phải bỏ ruộng vườn tản cư ra vùng ven và vùng địch kềm kẹp. Các cơ quan và lực lượng võ trang bám đất, trụ tại chỗ, gài lựu đạn, cặm bảng tử địa, đắp công sự chống bom pháo và đào hầm bí mật chống địch càn quét. Ban ngày người ở đâu ở đó, ban đêm mới đi lại hoạt động. Đã vậy, ban đêm, địch thường bắn pháo, cho máy bay tới ném bom trộm và bầy trực thăng rà rê dọc các dòng kinh rọi đèn pha, bắn đạn thượng liên, phóng hỏa tiễn, tốp này về tốp khác tới. Việc sinh sống, đi lại, hoạt động của ta rất khó khăn.
Nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác 19/5, Tỉnh ủy Kiến Phong quyết định tổ chức đêm lễ mừng sinh nhật Bác. Điểm lễ được chọn làm một đám tràm bên bờ kinh Nhứt xã Thanh Mỹ, huyện Mỹ An. Để chuẩn bị cho buổi lễ an toàn, trước lễ mấy hôm, theo sự phân công, các cơ quan cấp tỉnh chọn số thanh niên khỏe mạnh, mang theo leng, búa, chiều tối bơi xuồng tới điểm dự kiến làm lễ. Theo chỉ huy chung, mỗi cơ quan nhận phần trong đám tràm đào đắp công sự chống bom pháo - công việc cực nhọc làm trong đêm, mặc bụng đói, muỗi vây, nhưng ai cũng vui cười cố gắng làm xong công việc của mình.
Tới đêm làm lễ, trời sẩm tối, cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị bộ đội từ các hướng bơi xuồng tập trung lại điểm lễ. Các xuồng theo mương bơi sâu vô đậu khuất trong đám tràm. Chỗ được chọn làm lễ là khoảng trống nhỏ giữa đám tràm. Một tấm phong được treo lên. Phía trên có tấm băng vải đỏ dán chữ trắng “Lễ Kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh” giữa phông treo lá cờ Đảng và ảnh Bác Hồ. Một tấm sạp xuồng được đóng bốn cây cọc kê cao lên, phủ tấm ni-lông, để một bình bông sen bằng cái hộp quy-gô. Phía trước treo một đèn măng-sông và ngay dưới đất đào sẵn một lỗ tròn, khi có báo động máy bay tới thì người được phân công hạ đèn xuống lỗ, lấy nón lá úp lên che ánh sáng. Người tới dự chia nhau ngồi theo khu vực đã định trong đám tràm.
Bắt đầu vào lễ, việc đầu tiên là đại diện Ban Tổ chức tuyên bố bố phòng: Nếu có máy bay chớp đèn từ đâu bay tới thì tổ gác bên ngoài báo động, bên trong hạ đèn xuống, người dự ngồi yên một chỗ. Khi báo tịnh tức máy bay đi xa thì treo đèn lên, tiếp tục làm lễ. Nếu pháo bắn gần thì cơ quan, đơn vị nào, theo hướng nào chạy về công sự của mình đã đào sẵn.
Sau tuyên bố bố phòng là vào chương trình lễ. Đại diện Ban Tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu có mặt, chương trình lễ và mời tất cả mọi người có mặt đứng dậy dành một phút tưởng niệm Bác Hồ kính yêu.
Bài diễn văn ngắn gọn nhắc về cuộc đời và công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời hứa quyết tâm thực hiện trọn vẹn di chúc thiên liêng của Bác, đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Sau đó là phần văn nghệ.
Toàn là “cây nhà lá vườn”, tuy vậy văn nghệ nghiệp dư vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu, nhứt là những lúc khó khăn, gian khổ nhứt. Không khí buổi lễ sôi động hẳn lên. Vậy là từng cơ quan tự động giới thiệu người ra hát, cả đơn ca và nhiều nhứt là tốp ca. Tiếng vỗ tay hoan hô cứ từng chập vang lên. Tiểu ban Thông tấn Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh “bao cùi” bằng kịch ngắn “Nhớ ơn Bác Hồ”. Nội dung kịch tóm tắt: Một em thiếu nhi đi rải truyền đơn, phòng khi bị địch bắt giam vô khám, em cuộn tròn tấm ảnh Bác Hồ giấu trong bâu áo, để vô đó vẫn kỷ niệm được ngày sinh của Bác. Do chỉ tập hợp nhau lại ban đêm và chỉ nói miệng với nhau, phân vai diễn mà không học thuộc kịch bản và tập diễn, nên buổi diễn thiếu ăn ý. Bắt đầu che đèn để “diễn viên” dàn cảnh em bé bị địch bắt đánh đến bất tỉnh, tống vô khám (vai em bé do Tân đóng), anh em trong khám đang vây quanh đỡ em dậy. Em bé ú ớ kêu khát nước. Không có nước uống, một tù nhân (Vũ Hùng đóng vai) cau mày suy nghĩ và tự cắn vào đầu ngón tay nặn máu đưa vô miệng cho em bé nút. Em bé tỉnh dậy, lấy ảnh Bác Hồ ra, anh em trong khám cảm động vui mừng đúng ngày sinh của Bác được thấy ảnh Bác. Vậy là ảnh Bác được cầm đưa lên, anh em vây quanh cùng hát bài “Nhớ ơn Bác Hồ”. Để phòng bọn địch vào đàn áp, nên trong khám chọn mấy anh em khỏe mạnh câu tay sát vai nhau đứng án trước cửa, để nếu địch mở cửa xông vô thì anh em đưa lưng chịu đòn, để bên trong hát cho xong bài “Nhớ ơn Bác Hồ”.
Sáu Sơn được phân công làm tên cảnh sát mở cửa khám, đánh dùi cui vô lưng anh em đang chặn cửa, thay vì phải hùng hổ xông vô phía sau lưng anh em, đằng nầy Sáu Sơn từ ngang hông nhảy vô đánh tốp người đang hát. Kịch bản bị bẻ gãy bất thình lình, đành “sập màn”. Mọi người cười ồ lên, vì tên cảnh sát chạy tầm bậy làm hư bột hư đường.
Đêm khuya, mọi người lần lượt bơi xuồng ra về, vẫn còn râm ran một đêm vui nhiều kỷ niệm, nhớ đến Bác Hồ giữa lúc chiến tranh ác liệt.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/nho-lan-ky-niem-ngay-sinh-bac-ho-113978.aspx