Nhớ Liệt sĩ Tô Chức - Nghĩ về nghề báo
Cuốn sách đã đưa những bài báo, truyện ngắn, bút ký của nhà báo Tô Chức và những bài viết về ông của các đồng nghiệp cùng thời.
Kỷ niệm lần thứ 74 ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9), Ban liên lạc hưu trí Đài Tiếng nói Việt Nam và gia đình liệt sĩ Tô Chức, nguyên phóng viên Ban biên tập Đối nội hoàn thành việc biên soạn và giới thiệu cuốn sách “Nhà báo, Liệt sĩ Tô Chức ( 1936-1968)”.
Giở từng trang sách còn thơm mùi mực, đọc những bài báo của anh Tô Chức còn giữ được, ai cũng tự hào về một “thế hệ Vàng” của Đài Tiếng nói Việt Nam, cả ở khối biên tập và kỹ thuật. Những người đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam qua các cuộc chiến đấu “ vì Độc lập Tự do, vì Thống nhất đất nước”của dân tộc ta.
Anh Tô Chức sinh ngày 25/8/1936 tại Thái Bình. Đi bộ đội từ năm 1953, tham gia tích cực vào việc chống âm mưu của địch cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Phục viên, về nhà làm ruộng cho đến khi thi đỗ vào khoa Văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Học xong đại học, năm 1962 anh về làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban biên tập Đối nội.
Là đảng viên, anh được phân công làm Bí thư Đoàn thanh niên lao động Việt Nam toàn cơ quan. Khi cả nước bước vào cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai, phóng viên Tô Chức luôn xung phong đi đầu vào những nơi bom đạn ác liệt, kịp thời phản ánh trên làn sóng phát thanh cuộc sống và chiến đấu anh dũng của đồng bào chiến sĩ ta trên các trận địa.
Năm 1966, Tô Chức xung phong và được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cử đi công tác ở chiến trường Bắc Lào trong thời gian hơn 4 tháng. Năm 1968, Tô Chức tình nguyện xin vào chiến trường Trị - Thiên. Ngày 16/8/1968, Tô Chức tham gia chống càn ở Quảng Thái (Quảng Điền -Thừa Thiên) cùng du kích địa phương chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch. Trong hoàn cảnh lực lượng quá chênh lệch, để bào toàn lực lượng, Tô Chức cùng đồng đội rút xuống hầm bí mật. Chẳng may hầm bí mật bị lộ, Tô Chức cùng một đồng đội bật nắp hầm xông lên chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Tóm tắt cuộc đời của phóng viên - liệt sĩ Tô Chức là vậy. Anh chỉ có 7 năm làm báo. Và trong suốt 7 năm làm báo, anh luôn làm đúng lời Bác Hồ dạy người làm báo cách mạng: Nhà báo VIẾT CHO AI?
Trong những năm miền Bắc xây dựng thành hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam, là phóng viên chương trình phát thanh “Từ nhà máy đến công trường”, Tô Chức thường xuyên bám sát người lao động trên những công trường anh tới. Trong một bài phát thanh trên Đài ngày 26/2/1964, nhan đề “Ai về Uông Bí mà xem” viết về công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện Uông Bí, anh đã nêu tên và kể hàng loạt câu chuyện về những gương vượt qua gian khổ, lao động với năng suất và chất lượng cao.
Ví như ở công trường đào hố móng nhà máy “Chị Phương Loan, chị Tuyết Mai đoàn viên thanh niên lao động là những tay đào đất cừ khôi! Vũ Duy Thanh, một đoàn viên thanh niên suốt mấy năm liền làm nhiệm vụ đào đất ở công trường mỏ Apatit Lào Cai rồi về đào đất ở công trường điện Uông Bí. Thanh say mê và tự hào với công việc của mình. Khi được phân công chở phà đất sông Uông, Thanh vui vẻ nhận...Anh suy nghĩ nhiều về nó và cuối cùng đã đề ra sáng kiến đục hốc có nắp ở đáy phà, làm bản lề ở thành phà để khi đổ đất được nhanh...”.
Tôi đoán chắc rằng khi được nghe những câu chuyện về công việc của mình trên sóng phát thanh, những người lao động được Tô Chức nhắc tới sẽ phấn khởi hơn, làm việc tốt hơn. Và trên những công trường khác, biết bao người lao động thêm phần khích lệ.
Vào hoạt động ở chiến trường ác liệt, phóng viên Tô Chức được bà con cô bác trìu mến gọi là “chú Hai nhà Đài Bác Hồ”. Tôi mường tượng ra cảnh hàng ngày, trong lúc sống với dân, Tô Chức mở Đài để nghe và cho bà con cùng nghe, đặc biệt là những tin chiến đấu, những gương chiến đấu của đồng bào chiến sĩ hai miền Nam-Bắc. Và qua sự hưởng ứng, tán thưởng của đồng bào, Tô Chức càng hăng say đi chiến trường, để “viết cho đồng bào tôi nghe”.
Để có thể “viết cho đồng bào tôi nghe” và được đồng bào tán thưởng, cần phải đi. Theo lời kể của các bạn đồng nghiệp thì trong thời gian còn ở miền Bắc, Tô Chức đã có mặt ở hầu hết những công trường xây dựng “trọng điểm”. Và khi miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, anh cũng luôn có mặt ở các trọng điểm giao thông, các địa phương bom Mỹ rơi nhiều nhất.
Trong ngày giới thiệu cuốn sách “Nhà báo, Liệt sĩ Tô Chức” nhà thơ Trần Nguyên Vấn (Trần Phương Trà) người cùng công tác với Tô Chức ở Trị Thiên Huế lúc đó, nhắc đi nhắc lại rằng “vừa vào đến Khu ủy Trị-Thiên-Huế, đồng chí Tô Chức đã đề nghị được xuống ngay vùng giáp ranh Quảng Điền cùng bám trụ, sống và chiến đấu với các đội du kích và nhân dân địa phương, bất chấp gian khổ và hiểm nguy... Có lần anh bị thương, phải nằm dưới hầm sâu, cứ cắt cơn sốt mê man lại gượng dậy viết bài gửi ra Đài Tiếng nói Việt Nam phản ánh cuộc chiến đấu giữ lúa, giữ làng của bà con Quảng Thái...”.
Nhà báo phải làm vậy. Phải đi cơ sở, phải phản ánh chân thực hiện thực. Đối với Tô Chức cùng nhiều phóng viên chiến trường khác, chẳng những phải đi mà còn phải viết đúng. Bởi hàng ngày nhà báo sống với những người trong cuộc, viết không đúng sẽ bị phê phán, tẩy chay... Đến hôm nay đọc lại các di cảo của liệt sĩ Tô Chức, nhà báo trẻ có thể thấy anh thiên về hướng “ngợi ca”...
Không thể viết khác được khi cả nước đang phải huy động sức mạnh vật chất và tinh thần ở mức cao nhất chống quân xâm lược. “Lật trái lật phải” một vấn đề, một hoạt động...không phải để nói công khai, để chùn bước chân người ra trận. Và điều đó không làm nên lịch sử.
Trong cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ của dân tộc ta, đã có không ít gương chiến đấu hy sinh của các phóng viên chiến trường. Cụm từ “phóng viên chiến trường” ở đây bao gồm những người làm công tác văn hóa - văn nghệ, đi chiến trường để trực tiếp quan sát, ghi chép, phản ánh trung thực, động viên kịp thời cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên các mặt trận.
Xuất hiện hàng loạt tấm gương nhà văn, nhà báo - chiến sĩ - liệt sĩ... Những Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân...và Tô Chức – chú Hai nhà Đài Bác Hồ. Các anh các chị hy sinh như những người lính. Ở ngay tiền tuyến đánh địch. Đó là tác phong “dấn thân” cần có của một nhà báo chân chính. Bung nắp hầm lên, không chần chừ, anh chấp nhận hy sinh. Đó là hành động “dấn thân” cuối cùng của một nhà báo trên con đường lớn anh đi cùng dân tộc.
Nhà báo Vĩnh Trà (nguyên phóng viên Đài Giải phóng) nói rất đúng rằng “phóng viên chiến trường là chịu đựng hy sinh và cống hiến”. Với ông, liệt sĩ Tô Chức là tấm gương “đỉnh cao của sự cống hiến”. Với Vĩnh Trà, những thiên phóng sự của Tô Chức – nhà báo giàu cảm xúc, phát trên làn sóng Đài phát thanh Quốc gia, đã “truyền lửa tiền tuyến cho hậu phương”.
Nhà thơ Trần Nhật Lam, bạn đồng niên, đồng phố, cùng phóng viên nhà Đài với liệt sĩ Tô Chức nhận xét rằng: trong những bài phóng sự báo chí của Tô Chức có “chất Văn”. Còn trong những bài ký của Tô Chức, có “chất Báo”. Đó là một nhận xét rất sâu về nghề làm báo.
Anh Tô Chức mới đi chiến trường chưa được một năm thì hy sinh. Nhưng kẻ hậu sinh là tôi, tin rằng cũng như nhiều nhà báo khác, anh sẽ viết Truyện. Bởi hiện thực cuộc chiến đấu sôi sục của vùng đất Trị-thiên-Huế tất yếu dẫn đến những công việc như vậy. Công việc của một người làm báo - người chép sử bằng hình tượng.
“Dẫu một cây chông đánh giặc Mỹ/Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”. Tô Chức phóng viên nhà Đài chẳng những đã đóng góp vào “con đường Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh” những mũi chông sắc nhọn, mà Anh, với gương chiến đấu hy sinh dũng cảm, đã là một cây chông sắc bén.
Kỷ niệm lần thứ 74 ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, nhớ về liệt sĩ Tô Chức là nhớ về một nhà báo anh hùng. Anh mãi mãi còn đây trong tình thương nhớ của người thân dòng họ nơi quê lúa Thái Bình, với đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên-Huế. Và trong lòng bè bạn, các thế hệ phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nho-liet-si-to-chuc-nghi-ve-nghe-bao-951063.vov