Nhớ lời Bác dặn khi đi bầu cử
Trong cuộc đời mình, Bác Hồ là ứng cử viên, đồng thời cũng là cử tri đi bầu cử 3 nhiệm kỳ Quốc hội bao gồm: Quốc hội khóa I (1946 – 1960), Quốc hội khóa II (1960 – 1964) và Quốc hội khóa III (1964 – 1971). Ở cương vị ứng cử viên hay cử tri, Bác đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc về tinh thần, trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước.
“Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta…”
Sáng 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, Nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ trở thành những người chủ đất nước.
Nước Việt Nam mới non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Đó là nguy cơ ngoại xâm tiếp tục đe dọa; bọn phản động trong nước lợi dụng quân Đồng minh sắp vào Đông Dương nổi dậy; nạn đói hoành hành, 95% dân số mù chữ…
Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã tiến hành hàng loạt các biện pháp để giữ vững chính quyền. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ nhanh chóng thực hiện nhiều việc quan trọng, trong đó có việc tổ chức Tổng tuyển cử nhằm bầu ra chính phủ chính thức và ban hành Hiến pháp.
Người chỉ rõ: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”. Đây là sự kiện chính trị trọng đại đầu tiên mà toàn thể quốc dân đồng bào được thực hiện quyền dân chủ thông qua lá phiếu của mình. Tổng tuyển cử sẽ bầu ra Quốc hội, đối với bên trong thì nhân dân tin tưởng vào chế độ của mình; trước thế giới, Quốc hội do nhân dân bầu ra sẽ không ai có thể phủ nhận được.
Ngày 08/9/1945, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội, thể hiện tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng của việc cần phải tổ chức ngay cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, ấn định sau hai tháng sẽ mở cuộc tuyển cử. Sắc lệnh cũng quy định: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.
Quy định này đã tỏ rõ sự tiến bộ, hiện đại trong quy định về quyền ứng cử, bầu cử của công dân. Đây là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầu tiên nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta, nhằm bảo vệ vững chắc thành quả của Cách mạng Tháng Tám, từng bước hoàn chỉnh việc xây dựng và củng cố chính quyền nhà nước.
Trước ngày Tổng tuyển cử một ngày, ngày 05/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu”, Người viết: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
Kết quả ngày 6/1/1946, hơn 90% cử tri đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại thùng phiếu số 10, phố Hàng Vôi, Hà Nội. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với 98,4% số phiếu, là bằng chứng hùng hồn về uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.
Dấu ấn sâu đậm về tinh thần, trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước
Trong cuộc đời mình, Bác Hồ là ứng cử viên, đồng thời cũng là cử tri đi bầu cử 3 nhiệm kỳ Quốc hội bao gồm: Quốc hội khóa I (1946 – 1960), Quốc hội khóa II (1960 – 1964) và Quốc hội khóa III (1964 – 1971). Ở cương vị ứng cử viên hay cử tri, Bác đều để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc về tinh thần, trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước.
Tại cuộc tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946, vì đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, là một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng nên chiều hôm trước ngày Tổng tuyển cử, Bác đã gặp gỡ hơn hai vạn nhân dân Thủ đô trong cuộc mít tinh tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Thay mặt các ứng cử viên, Bác nói: “Từ trước đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta mới giành được độc lập. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này… Bây giờ làm việc nước là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu...”.
Hôm sau, điểm bỏ phiếu số 10 phố Hàng Vôi trang hoàng rực rỡ, đông đảo cử tri đã tề tựu từ sớm đợi giờ khai mạc. Giữa lúc ấy, Bác Hồ xuất hiện với bộ kaki giản dị thường ngày. Bác bước vào phòng bỏ phiếu làm nghĩa vụ công dân. Bà con ùa đến đón. Bác tươi cười vẫy tay chào đồng bào. Bầu cử xong, Bác đi thăm một số điểm bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Trống, Lò Đúc, Bưởi… Hà Nội năm ấy có 194.880 cử tri, hơn 91% đã đi bỏ phiếu, Hồ Chủ tịch có số phiếu bầu cao nhất 98,4%.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II ngày 8/5/1960, tại cuộc tiếp xúc giữa các ứng cử viên với đại biểu nhân dân Hà Nội ở Nhà hát Lớn thành phố tối 24/4/1960, Bác Hồ đã nói chuyện thân mật: “Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi ra mắt cử tri. Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi, xa lạ gì mà phải ra mắt. Nói thế này mới đúng. Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta… Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, nó là dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thực sự làm chủ nước nhà…”.
Đúng 7 giờ ngày 8/5/1960, Bác đã có mặt tại phòng bỏ phiếu tổ 52 khu phố Trúc Bạch, đặt tại Trường Nguyễn Trãi, phố Cửa Bắc. Bác ân cần thăm hỏi mọi người, khen Ban Bầu cử tổ chức chu đáo và mời cụ Thạc là cử tri cao tuổi nhất bỏ lá phiếu đầu tiên, rồi mới đến mình. Sau đó, Bác đi kiểm tra một số điểm bỏ phiếu ở xã Nhật Tân và nhắc nhở phải đảm bảo các nguyên tắc dân chủ, bí mật, hoàn thành đúng thời gian, an toàn.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III ngày 26/4/1964, nói chuyện với Đại hội Đại biểu nhân dân Thủ đô ngày 14/4/1964 nhân bầu cử Quốc hội khóa III, Bác cho biết, bản thân Người đã làm đại biểu Quốc hội gần 20 năm, nhưng vì nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng nên vẫn chưa thể thảnh thơi vui thú thanh nhàn được. Bác hứa: “Cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà, phấn đấu cho “Nam Bắc sum họp một nhà/Cho người thấy mặt thì ta vui lòng”.
Ngày 26/4/1964, Bác Hồ đi bầu đại biểu Quốc hội khóa III tại phòng bỏ phiếu A24 đặt ở Hội trường Bộ Nông nghiệp, cạnh vườn Bách Thảo, phố Ngọc Hà. Làm xong nghĩa vụ và quyền lợi công dân, Bác đi thăm một số khu vực bỏ phiếu ở khu phố Đống Đa, thôn Vệ Hồ, huyện Từ Liêm (Hà Nội)...
75 năm đã trôi qua kể từ Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam đầu tiên đó (06/01/1946 - 06/01/2021). Qua 14 nhiệm kỳ, Quốc hội nước ta đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm. Dân tộc Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi to lớn trong công cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
Trong những ngày tháng 5 này, toàn thể nhân dân Việt Nam náo nức tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, để bầu ra những đại biểu đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, trách nhiệm xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thật sự là “công bộc của dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/nho-loi-bac-dan-khi-di-bau-cu-590987.html