Nhớ lời Bác Hồ, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương cách mạng

Tuyên Quang-mảnh đất được mệnh danh 'Thủ đô khu giải phóng', 'Thủ đô kháng chiến' đang nỗ lực phát huy truyền thống cách mạng, ra sức thực hiện mong muốn thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: 'Góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội', trở thành tỉnh phát triển khá, bền vững, toàn diện trong khu vực miền núi phía Bắc.

Tuyên Quang - “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”

Sở dĩ Bác Hồ chọn Tuyên Quang là nơi dừng chân trong hành trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là do tỉnh có đường bộ nối liền với các vùng miền của căn cứ địa Việt Bắc, trên đường xuống Hà Nội, là vùng rừng núi “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ lui”. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng từ tháng 3-1940.

Du khách tham quan Lán Nà Nưa - nơi Bác Hồ ở, chỉ đạo kháng chiến trong Khu di tích lịch sử Tân Trào, Tuyên Quang.

Du khách tham quan Lán Nà Nưa - nơi Bác Hồ ở, chỉ đạo kháng chiến trong Khu di tích lịch sử Tân Trào, Tuyên Quang.

Ngày 4-5-1945, Bác Hồ từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để chuẩn bị các công việc cho khởi nghĩa. Từ ngày 20-5, sống, làm việc tại Tuyên Quang đến khi về Hà Nội (ngày 22-8-1945), Người đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng-Bắc Kạn-Lạng Sơn-Hà Giang-Tuyên Quang-Thái Nguyên; thống nhất các lực lượng vũ trang đặt tên là Quân giải phóng, những tổ chức xã hội, quân sự cần thiết bảo đảm cho cuộc cách mạng diễn ra thắng lợi. Ngày 14, 15-8-1945, Bác chỉ đạo Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào với chủ trương tập trung mọi lực lượng để giành chính quyền và quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc lãnh đạo tổng khởi nghĩa. Sau đó, Đại hội Quốc dân Tân Trào diễn ra ngày 16, 17-8-1945 bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 18-8-1945, Bác viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa toàn quốc gửi quốc dân đồng bào và theo mệnh lệnh của Người, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công. Tuyên Quang được coi là “Thủ đô khu giải phóng” là vì thế. Vậy mà chỉ vài ngày trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Người nói: “Biết đâu chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”.

Đúng như Bác dự liệu, không lâu sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và ngay chiều tối hôm ấy, Người cùng các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước bắt đầu hành trình trở lại Tuyên Quang.

Ngày 2-4-1947, Người đến huyện Sơn Dương. Lần này, Người và bộ máy cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ làm việc tại Chiến khu Việt Bắc, chủ yếu ở Tuyên Quang đã làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Do vậy, Tuyên Quang-Việt Bắc đã thực sự trở thành “Thủ đô kháng chiến” nhờ hai yếu tố: Là nơi đóng đô của chính quyền nhà nước, của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; nơi làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ và rất nhiều cơ quan Trung ương. Theo thống kê, hầu hết các cơ quan nhà nước, các bộ, cơ quan Trung ương đều đóng trụ sở làm việc tại Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Mặt khác, Tuyên Quang là địa bàn sống và làm việc lâu nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo, nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tuyên Quang còn là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, yêu nước, có ý chí đấu tranh kiên cường, anh dũng chống giặc ngoại xâm. Đó là điểm tựa tinh thần cho Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời gian làm việc tại đây.

Nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang (tháng 3-1961), Bác căn dặn: “Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”. Ngày 2-9-2024, kỷ niệm 79 năm nước nhà giành được độc lập, cũng đánh dấu chặng đường 55 năm Tuyên Quang và cả nước thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt, trong Di chúc, Bác dặn dò: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Những lời huấn thị của Người trở thành kim chỉ nam cho mọi quyết sách, hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Tuyên Quang.

Ra sức thực hiện mong ước của Bác Hồ

Thực hiện mong muốn thiêng liêng của Bác, 55 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang không ngừng phát huy truyền thống quê hương cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nỗ lực phấn đấu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết và tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá, đó là: Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.

Với 12 giải pháp để tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, kinh tế của tỉnh đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2023, đạt 7,46%, xếp thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 56 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,81%, đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm xuống còn 15,09%. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện tạo cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuyên Quang đã khởi công và đẩy nhanh tiến độ, với quyết tâm lớn thực hiện dự án quan trọng, trọng tâm là phát triển giao thông, đô thị, y tế, giáo dục như: Cao tốc Tuyên Quang-Hà Nội, Tuyên Quang-Hà Giang; Bệnh viên Đa khoa tỉnh... Tỉnh cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên với quy mô cấp quốc gia, tạo điểm nhấn và dấu ấn tốt đẹp với bạn bè và du khách về hình ảnh đất và người Tuyên Quang.

Nhớ và làm theo lời dặn của Bác, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vẫn đang ra sức phấn đấu để đạt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá, bền vững, toàn diện trong khu vực miền núi phía Bắc, xứng đáng với vị thế của quê hương cách mạng, “Thủ đô khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”.

Bài và ảnh: HOÀNG THỊ PHƯƠNG LIÊN (Tạp chí Dân tộc, Ủy ban Dân tộc)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nho-loi-bac-ho-ra-suc-phan-dau-xay-dung-que-huong-cach-mang-792043