Nhớ lời Bác - nghĩ về Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4
Trong lịch sử ra đời các Hội nghề nghiệp sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, thì Hội Kiến trúc sư Việt Nam là Hội được thành lập sớm nhất. Từ ngày thành lập đến nay, nước ta đã có hàng chục ngàn kiến trúc sư với trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả là kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững, thân thiện và nhân văn cho con người.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chính phủ và Bác Hồ rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ lần thứ 2 chống thực dân Pháp xâm lược. Ngay từ lúc ấy, với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt và niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi, Bác Hồ đã chủ trương tập hợp các kiến trúc sư, những trí thức trẻ được đào tạo ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, hiện sống tản mát ở nhiều nơi, để họ có điều kiện đem tài năng, trí tuệ phục vụ kháng chiến và chuẩn bị cho công cuộc tái thiết nước nhà sau khi kháng chiến thành công.
Thực hiện chỉ đạo của Người, ngày 27/4/1948 đã diễn ra Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (nay là Hội Kiến trúc sư Việt Nam) tại làng Thản Sơn, xã Chiến Thắng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc). Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27/4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam.
Hội nghị đã rất vinh dự được Bác gửi Thư động viên và căn dặn. Trong thư Bác viết: “Trong 4 điều quan trọng cho dân sinh: Ở và đi là hai vấn đề cũng cấp thiết như ăn với mặc. Vì vậy, việc kiến trúc là việc rất quan hệ. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại, và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng với tinh thần đời sống mới. Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở tại thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.
Ngày nay, đất nước ta đang dần trở nên giàu mạnh, vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang theo hướng văn hóa, văn minh, hiện đại, đội ngũ Kiến trúc sư cũng ngày càng lớn mạnh. Từ vài chục Kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng, đến nay, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, với gần 7.000 hội viên trong số hơn 20.000 kiến trúc sư cả nước. Trụ sở hội hiện đặt tại số 23, phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngành kiến trúc đã góp phần quan trọng vào thành công của quá trình đô thị hóa và sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước. Kiến trúc Việt Nam cũng đã được ghi danh trên bản đồ kiến trúc thế giới.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói riêng và ngành Kiến trúc nói chung đang không ngừng lớn mạnh hơn, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều công trình kiến trúc quan trọng, những tác phẩm kiến trúc có giá trị về nghệ thuật tạo nên dấu ấn sâu sắc và làm giàu thêm cho nền kiến trúc thế giới đều có đóng góp của ngành kiến trúc Việt Nam.
Tuy nhiên, soi chiếu những điều Bác căn dặn, thì kiến trúc Việt Nam còn nhiều vấn đề phải làm, phải suy nghĩ! Nhất là trong bối cảnh thế giới ngày hôm nay đang đứng trước những hiểm họa khôn lường của chiến tranh, khủng bố, của biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên. Việt Nam cũng không nằm ngoài mối lo chung đó. Hơn bao giờ hết, nhiệm vụ kiến tạo không gian sống an toàn, bền vững, thân thiện và nhân văn cho con người lại được trao cho kiến trúc sư. Và đó cũng là trách nhiệm, là nghĩa vụ xã hội cao cả của kiến trúc sư.
Kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, chúng ta cùng nhau đọc lại Thư của Bác để suy ngẫm, soi chiếu vào công việc của kiến trúc hôm nay, từ đó kiểm lại hành trang, xốc lại đội ngũ để vững vàng đi tiếp trên con đường sáng tạo đầy gian khó, để xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới hiện đại, tiên tiến, nhân văn và giàu bản sắc.