Nhớ mãi đồi cát quê
Không biết từ bao giờ, khi tôi còn là một đứa bé, quê tôi đã mang cái tên 'ruộng làng'. Ruộng nằm trong làng, làng ở trong ruộng! Dưới cái nắng miền quê rực lửa, cùng gió biển thổi vào ngùn ngụt, cát bay mịt mù, màu cát chói chang. Cái nóng như thể nung chín da thịt người. Để chống lại cái nắng, cái gió nóng dữ dằn, để cuốc bẫm cày sâu, người dân quê tôi phải ra đồng từ tờ mờ sáng, nghỉ trưa sớm; chiều muộn về nhà lúc chạng vạng tối, khi mà những chú gà cuối cùng đã lên chuồng để làm công việc cấy hái, cày bừa.
Nhớ mãi đồi cát quê
Tuổi thơ tôi gắn liền với cát trắng, khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời, rồi dần lớn lên, miền quê đã làm bàn chân trần của bọn trẻ lún sâu trong cát, nhưng luôn vui vẻ hò reo chạy đuổi bắt “dông”, bắt “chim cút” trong những buổi trưa hè. Trò chơi thường ngày của bọn trẻ chúng tôi là nằm sõng soài trên bãi cát, cho bàn chân lún sâu vào trong cát lạnh, vốc cát xây những lâu đài thật to. Ba mẹ thấy chúng tôi chơi trò cát, lặng lẽ nhìn sâu thẫm vào ước mơ của lũ trẻ mà chạnh lòng, ứa lệ trong ánh mắt đỏ hoe: “Giá mà cát xây được cho người dân quê nghèo những ngôi nhà, thắp được những ngọn đèn điện như dân thành thị, trẻ nhỏ có ngôi trường tại làng mà không phải cuốc bộ năm, bảy cây số đến hợp tác xã mới có trường để học, nói chi đến lâu đài…!”. Cái tuổi lên 7, lên 8 làm sao chúng tôi hiểu được nỗi niềm xa xôi trong lời nói của mẹ, của bà. Xóm ruộng làng lúc đó là những túp lều tranh le te nằm loi thoi bên triền đồi cát trắng.
Đồi cát Mũi Né (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Ngọc Lân
Chúng tôi lớn dần lên. Khó khăn đến mấy, xa xôi đến đâu những đứa trẻ trong xóm cũng cắp sách tới trường. Đường tới trường xa vời vợi, bàn chân nhỏ nhoi của chúng tôi mỏi nhừ bởi ngập trong cát. Nhiều đoạn đường cát nóng như rang, nhiều lúc phải cởi dép cầm tay mà chạy. Đa số bọn trẻ cùng trang lứa với tôi học hết cấp 1 là nghỉ, còn một ít thì học hết cấp 2, số học hết cấp 3 ít lắm; cả xã chỉ hơn chục người, cả huyện thì mới vào đủ một lớp 10. Càng lớn, cái bụi cát khô khốc, nóng như rang ấy đã ngấm sâu vào huyết quản như một vết khắc vào tâm hồn thơ dại chúng tôi, để vương vít cả cuộc đời.
Người ở chốn thị thành có thể thờ ơ với làng quê nghèo cát trắng. Nhưng với người dân xóm “ruộng làng” nói chung, với tôi nói riêng, cát đã thành bạn bè, thành máu thịt. Cát gắn bó, thủy chung với người từ thuở lọt lòng. Bãi cát mềm đỡ chiếc xe bò của ba lên nương, lên rẫy để trồng đậu, trồng khoai, trồng bắp, trồng mè. Cát dịu êm đỡ tấm lưng của mẹ bớt mỏi sau những buổi ra đồng cấy, gặt mệt nhọc. Củ khoai lang đã bao đời nay gắn liền với người dân Hàm Mỹ, đặc biệt là xóm “ruộng làng” vùng đất cát, hầu như gia đình nào cũng trồng: “Trăng rằm đã tỏ lại tròn/Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi”.
Thời gian trôi qua, càng lớn tôi càng hiểu thêm cát có nhiều ý nghĩa đối với người dân xóm “ruộng làng”; cái nắng ngàn đời làm sạm làn da nõn nà của những người con nông dân nghèo khổ. Nhưng cái xóm “ruộng làng” nhỏ nhoi trên cát, dưới sình của quê tôi đã chở che, nâng cánh ước mơ cho nhiều thế hệ trưởng thành nên danh nên phận, lập nghiệp ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh; có người ở lại quê hương tiếp tục nghề nông, cũng có người du học, rồi lập nghiệp chốn trời Âu… Nhưng tất cả có chung một nỗi niềm đau đáu trong lòng khôn nguôi cồn cào nhớ về bạn, nhớ về quê nhà, nhớ về cái xóm “ruộng làng”, nhất là trong những ngày cuối năm. Ở nơi đó, có con đường cát bỏng, có những mái lều tranh hiu hắt ngọn đèn dầu của một thời gian khó thật khó phai trong tâm hồn.
Bây giờ cuộc sống đã thay đổi nhiều, thứ cát ngày xưa nóng bỏng, hôm nay trở lại sao cứ ôm lấy bàn chân trần mát rượi. Bàn chân của những đứa con tha hương đã bước đi trên biết mấy những con đường chốn lạ. Quay về với tuổi thơ, đi trên con đường cát quê nhà, bước chân cảm thấy như cứ ríu lại, lòng cứ nôn nao; mùi cát nồng nàn, thân thuộc cảm giác cay cay trong khóe mắt. Cái mùi vị chỉ những người sinh ra trên cát, lớn lên cùng cát mới hiểu, mới thấm thía vô chừng.
Đỗ Văn Cường
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/nho-mai-doi-cat-que-133330.html