Nhớ mãi lồng đèn ba làm mỗi dịp Trung thu xưa
Hồi nhỏ, chưa hết tháng bảy tôi đã ậm ực đòi lồng đèn. Bánh Trung thu là thứ xa xỉ, đòi cũng không có nên hổng dám mơ...
Ngày đó nhà tôi nghèo lắm, chị em tôi chỉ được nhận bánh kẹo vào ngày rằm, khi cán bộ địa phương tập trung trẻ em về hội trường thôn để phát bánh.
Không có bánh nhưng lồng đèn (đèn lồng) nhất định phải có. Ba tôi có đôi tay tài hoa, ông viết chữ rất đẹp và có thể tạo hình, làm những đồ chơi đẹp mắt cho các con. Và đặt biệt, ba rất chiều mấy nàng “hoàng tử đái ngồi”, đến nỗi mẹ phải “càm ràm”: Làm như tụi nó là con riêng của ổng, cưng vậy nó leo đầu leo cổ... Làm gì có trời, mẹ nói quá! Ba như vậy, mấy chị em tôi thương còn hông hết, lấy đâu mà hỗn hào.
Nhưng khổ thay, mùa Trung thu cũng là mùa cắt lúa Đồng Trong-quê tôi có cánh đồng nằm sâu trong hóc núi, phải băng sông, lội mấy lượt đèo mới tới ruộng. Vào mùa cắt lúa, ba phải đi gánh lúa thuê, thường đi khi chị em tôi còn ngủ và về tới nhà thì đứa nào cũng ngáy khò khò rồi. Chán. Trung thu về tới nơi rồi, biết chừng nào mới có lồng đèn. Thấy tôi mếu rệu, mẹ động lòng nói ráng ít bữa nữa ba về...
Đâu phải cứ chờ là xong. Năm đó cơn bão số 1 đến sớm, ba đã phải ở tạm lều chăn vịt của dượng Bảy vì nước lớn không thể qua sông. Mưa tạnh, nước sông chưa xuống mà trăng càng ngày càng tròn, nhìn ánh trăng vành vạnh mà ruột gan tôi tăm tối. Trung thu đến nơi rồi mà lồng đèn không có. Trẻ nhỏ Trung thu không có lồng đèn thì làm trẻ nhỏ chi cho cực thân… Tôi ấm ức, ra vô cử cẳng miết.
Cả đời mình, tôi sẽ không bao giờ quên mùa Trung thu năm đó. Nước cạn, ba tôi về tới nhà thì sáng mai đã tới Trung thu. Thấy mình mẩy ba lấm lem, thần sắc nhợt nhạt, ba kể với mẹ ở lại trại vịt, sáng trứng luộc chiều luộc trứng, giờ nhìn thấy trứng vịt là hãi. Tôi thương ba mà dẹp luôn ý nghĩ phải có lồng đèn, làm in như Trung thu không hề tồn tại.
Nhưng tôi biết là ba không bao giờ quên một chiếc lồng đèn cho con. Lúc đó, ba tôi vẫn nguyên sơ trong bộ dạng đi làm về. Mẹ giục tắm rửa rồi vào ăn cơm nghỉ ngơi sớm nhưng ba bảo lát sẽ ăn sau. Trời xâm xẩm tối, ba ra sau nhà, lật tìm mấy thanh tre để sẵn. Đêm đó, ba ngồi tẩn mẩn chuốt nhỏ từng cọng tre dưới ngọn đèn dầu. Tới chừng mẹ lại cầm cái rựa đi cất ba mới theo “lệnh” mẹ đi ngủ. Tôi thấy vậy đã mát lòng mát dạ, không cần làm xong chiếc lồng đèn, bao nhiêu đó đã hạnh phúc ngất ngây. Nhưng không, sáng hôm đó ba dậy thật sớm, tiếp tục những công đoạn còn dang dở. Khi tôi ngủ dậy, chỉ còn dán giấy bóng kính và làm mấy cái tua nữa là đã có chiếc lồng đèn ông sao xinh xắn.
Thời gian làm nhiều thứ thay đổi. Ba tôi giờ đã rất già, tôi đã làm mẹ-bà mẹ đơn thân.
Để bù lỗ cho tuổi thơ thiệt thòi của con, thường thì năm nào tôi cũng chuẩn bị Trung thu cho con trai từ sớm. Những thức không thể thiếu cho trẻ nhỏ trong ngày Trung thu tôi đều chạy ra sạp chợ. Mỗi lần đi lựa mua lồng đèn cho con, tôi cứ mải mê lục tìm chiếc lồng đèn ông sao bằng tre, tôi ước được bé lại để cầm chiếc lồng đèn ông sao mà ba đã làm khi đêm về-trời lạnh nhưng lưng ba ướt đầm mồ hôi...