Nhớ mãi miền quê xưa
Xã Hàm Mỹ lại đón tôi vào những ngày cuối năm, giáp tết. Cơn gió chiều hây hẩy thổi lất phất cùng với mùi hương thoang thoảng của hoa thanh long thơm bốc lên vừa đủ để quyến rũ bước chân của người con xa quê hương trở về với vùng quê yêu dấu. Mà nghĩ cũng lạ! Một năm tôi phải có đến ba bốn bận về quê, ngắn có, dài có. Thế mà trong lòng vẫn dâng lên cảm giác bồi hồi khó tả khi về quê vào những buổi cuối đông. Thật, không có nỗi nhớ nào da diết như nỗi nhớ quê hương. Ngôi nhà tranh vách đất, chái bếp, lối nhỏ vào làng, bờ mương, cách đồng ruộng, lũy tre, bóng dáng lưng còng của ngoại, ấm trà, gói thuốc của ba… lúc nào cũng hiện hữu trước mắt.
Nhớ mãi miền quê xưa
Tuổi thơ tôi sống ở một miền quê thuần nông; cánh đồng ruộng, đặc biệt là chòi rẫy giống như là ngôi nhà thứ hai của mình; nó gắn bó với tôi trong suốt mùa hè và tất cả những ngày nghỉ lễ, tết. Khi trời hừng đông, gà gáy đã nghe tiếng í ới gọi nhau ra đồng. Xe bò, quang gánh, thúng mủng, cuốc xẻng, phân tro, cơm nước đã sẵn sàng theo chân nhau ra đồng, lên rẫy để cho kịp mùa vụ. Đến chiều hoàng hôn tắt nắng lâu lắm thì cả gia đình mới vây quần với nhau bên bếp lửa. Cơm chiều nông dân là vậy đó, hết đời này, đến đời khác; từ ông, bà sang ba mẹ, đến con, đến cháu và mãi mãi sau này… cuộc sống cứ vậy trôi theo năm tháng.
Ảnh minh họa
Hồi đó, khi tôi đang ở tuổi thanh thiếu niên, nhà tôi có nuôi một đôi bò nghé; được chăm sóc kỹ nên chỉ hơn một năm, hai con bò trổ mã cao to, áng chừng có thể kéo xe giúp cho gia đình đỡ khỏi phải gánh gồng khi mùa vụ sắp thu hoạch. Ba tôi nói, tôi phụ với ba huấn luyện cho bò tập kéo xe, ông còn bảo: “Khỏe re như bò kéo xe mà”. Tôi nghĩ chắc cũng dễ huấn luyện nên cuối ngày khi công việc đã rảnh rỗi, bò đã no nê, tôi liền cho chúng vào “ách” để tập kéo xe. Tôi có nhiệm vụ leo lên xe điều khiển, ba tôi đi trước cầm dây mũi dắt bò đi. Hai con nghé đang tuổi ăn tuổi lớn, khi được cho cổ vào ách rồi, thì thôi ơi, nó cắm đầu, cắm cổ mà chạy, không theo đường xe ba tôi dắt, mà cứ lôi xe chạy theo cảm tính lúc bên này, lúc bên kia, rồi mệt nhừ đứng thở. Sức vóc thì có, nhưng thật sự khó tập luyện; dần dần cũng quen rồi đi đúng đường xe. Thời gian đầu, một mình tôi được ngồi trên xe, ba tôi đi trước dẫn đường, mẹ quẩy cơm, nước đi sau. Nhờ hai ba con chịu khó huấn luyện, nên chỉ một thời gian ngắn, hai con bò cũng đã biết kéo xe, đi đúng đường và chở được khoai lang, đậu phộng và những nông sản khác của nhà thu hoạch. Ba nhìn tôi cười mãn nguyện, mà nụ cười hài lòng ấy của ba đã theo tôi hơn 35 năm đến tận bây giờ. Mỗi lần nhớ ba, tôi thường nhớ lại những kỷ niệm nao lòng thời nghèo khó, lẽo đẽo theo ba lên rừng, xuống ruộng thật sự khó phai.
Giờ đây, trong những đợt lễ, tết được nghỉ dài ngày tôi hay mời một vài anh em đồng nghiệp ở phố về quê chơi; trải chiếc chiếu dưới bóng mát cây sò đo, dọn mâm cơm giản dị ra, thêm vài xị rượu gạo quê hương, chúng tôi năm bảy đứa, gồm những người bạn quê, bạn đồng nghiệp ở phố có một bữa tiệc vui vẻ, tha hồ ăn uống, hát hò mà không sợ ảnh hưởng đến hàng xóm, láng giềng xung quanh. Một vài thằng bạn ở TP. Phan Thiết cũng có dịp ghé chơi nói rằng: “Mày sướng thật, sống và làm việc thì ở thành phố sương mù, thành phố ngàn hoa, về thăm quê thì hương đồng gió nội vậy cần gì mà đi du lịch đâu xa, cứ về thăm ba mẹ thế này thì rất thích”. Thật vậy, mỗi khi về quê, bắt con gà ở vườn, rồi xuống mé bờ sông lặt nắm lá giang, mua vài ngàn đồng bún là có ngay một nồi lẩu gà lá giang còn ngon và thú vị hơn nhiều nhà hàng, cao lương mỹ vị khác. Tôi thật sự hạnh phúc và may mắn khi được sinh ra tại một miền quê, rồi lớn lên cùng ruộng, rẫy. Cứ mỗi độ xuân về, tết đến lòng cứ nao nao nhớ về một miền quê yên bình.
Đỗ Văn Cường
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/nho-mai-mien-que-xua-133849.html