Nhớ mãi những người chưa kịp bước đến... hòa bình
Trên hành trình đi tới hòa bình, có biết bao anh hùng liệt sĩ phải nằm lại chiến trường. Họ chưa kịp bước chân đến, nhưng đã mở lối cho hòa bình.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ất luôn tự hào khi có người anh trai đã góp phần vẻ vang vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Mãi mãi trong ký ức người ở lại
Nâng niu tấm ảnh cũ cùng tờ giấy báo tử của anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Bính, vợ chồng ông Nguyễn Văn Ất ở thôn Châu Bộ, xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) không khỏi bùi ngùi, xúc động. Ngày đất nước được giải phóng cũng chính là ngày anh trai ông Ất hy sinh.
Anh trai ông Ất nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi. Suốt thời gian nhập ngũ, gia đình chưa khi nào nhận được thư của ông Bính. Khi hòa bình lập lại, ông Ất và gia đình may mắn được gặp người đồng đội công tác cùng đơn vị, luôn sát cánh với ông Bính khi xưa. Lúc ấy, ông Ất mới biết anh trai là lính tăng thiết giáp.
Ông Ất kể, sau khoảng một năm tham gia huấn luyện lái xe tăng tại Trung đoàn 207, cuối năm 1973, ông Bính được chuyển về Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273, Quân đoàn 3, sau đó cùng đơn vị hành quân vào Quảng Trị. Tới Quảng Trị, ông Bính được nhận xe tăng và đã lái chiếc xe này trong suốt Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông Bính và đồng đội đã trải qua trận đánh ác liệt tại cửa ngõ Sài Gòn trên Cầu Bông... Xe tăng của ông Bính cùng đồng đội đã yểm trợ cho lực lượng công binh của ta tiêu diệt và chiếm nhiều cứ điểm quan trọng của địch.
"Anh tôi đã ngã xuống chỉ 30 phút trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, không kịp thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập", ông Ất nói.
Bà Trịnh Thị Hùy ở thôn Kinh Dương, xã Hiệp Cát (Nam Sách) luôn tự hào về người chồng của mình là một "dũng sĩ diệt Mỹ". Đó là liệt sĩ Trịnh Bá Tư, người đã hiến dâng tuổi xuân và máu xương cho độc lập, tự do của dân tộc. Sau này, những chiến công của ông Tư đã được dựng thành kịch. Qua đó, bà và gia đình cũng biết thêm về sự dũng cảm, hy sinh của ông. Dẫu những năm tháng kháng chiến đã lùi xa nhưng ký ức về người chồng, người lính kiên cường, gan dạ vẫn sống mãi trong hồi ức của bà.
Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972), ông Trịnh Bá Tư nhiều lần được phong "dũng sĩ diệt Mỹ". Tháng 3/1975, trong trận đánh vào Buôn Ma Thuột mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên, ông Tư cùng đồng đội đã chiến đấu kiên cường, tạo bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến trường. Cũng trong khoảng thời gian này, khi Quân đoàn 3 được thành lập, ông Tư được phong Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 5.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại đội trưởng Trịnh Bá Tư đã cử người dẫn đường mở một mũi tên hướng bệnh viện “Vì dân” thọc sâu vào sườn địch. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, cán bộ, chiến sĩ ta giành giật với địch từng căn nhà, ngõ phố. Trong một lần chỉ huy đột phá, ông Tư anh dũng hy sinh. Tấm gương chiến đấu, hy sinh của Đại đội trưởng Trịnh Bá Tư đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ vượt qua ác liệt để giành thắng lợi cuối cùng.
Tiếc thương khôn nguôi

Sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Rãnh vào đúng ngày 30/4/1975 càng khiến gia đình tiếc thương
Cứ gần đến ngày 30/4, ông Nguyễn Văn Mương ở thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) lại càng nhớ tiếc khôn nguôi người anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Rãnh. Ông Rãnh nhập ngũ khi em trai chỉ mới 13 tuổi. Nửa thế kỷ đã trôi qua, dù những kỷ vật của anh trai không còn lưu giữ được nhưng từng lá thư gửi về từ trận địa vẫn được ông Mương khắc ghi.
"Anh tôi đã hy sinh đúng vào ngày lịch sử ấy, chỉ vài phút trước khi đất nước thống nhất. Tôi luôn tự hào vì anh đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp", ông Mương chia sẻ.
Chiến thắng 30/4/1975 đánh dấu thời khắc lịch sử của dân tộc, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chiến tranh chấm dứt, nhân dân được sống trong hòa bình. Tuy nhiên, giữa niềm vui toàn thắng ấy, vẫn còn những mất mát không nguôi. Đó là niềm tiếc nuối khi những người lính đã anh dũng hy sinh ngay trước thời khắc chiến thắng. Họ chưa kịp bước đến... hòa bình.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nho-mai-nhung-nguoi-chua-kip-buoc-den-hoa-binh-409738.html