Nhớ mãi thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975

Chiến tranh đã lùi xa, những vùng kháng chiến năm nào nay đã có những đổi thay vượt bậc. Nhưng đối với những người cựu binh, những người có mặt trong thời khắc lịch sử, mỗi dịp 30/4 đến, ký ức năm nào lại ùa về như câu chuyện mới diễn ra ngày hôm qua.

Tân An ngày tiếp quản

Căn nhà nhỏ của ông Phạm Hồng Lĩnh nằm khuất sâu trong con hẻm bên đường Nguyễn Công Trung, phường 3, TP.Tân An,tỉnh Long An. Ở tuổi gần 80, ông vẫn còn minh mẫn. Mỗi dịp tháng 4 về, ông có dịp hàn huyên cùng những người bạn, những đồng đội năm xưa về một thời khói lửa.

Ông Phạm Hồng Lĩnh trực tiếp tham gia tiếp quản thị xã Tân An trong ngày giải phóng

Ông Phạm Hồng Lĩnh trực tiếp tham gia tiếp quản thị xã Tân An trong ngày giải phóng

Gia đình ông Lĩnh vốn có truyền thống cách mạng khi lần lượt 2 người anh trai của ông đều nhập ngũ vào năm 1947 và 1963. Tiếp bước các anh, năm 1968, giữa lúc lực lượng cách mạng gặp nhiều khó khăn sau 2 đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, ông tham gia cách mạng khi tròn 23 tuổi với nhiệm vụ trong lực lượng chính trị bán vũ trang, Phân khu 3. Năm 1969, Mỹ - ngụy tăng cường quân số với hàng loạt chiến dịch bình định, khủng bố ác liệt nhằm chia cắt lực lượng cách mạng với nhân dân, ông được chuyển sang làm trong Ban Tuyên huấn, Phân khu 3, chuyển địa bàn hoạt động lên vùng Ba Thu - Mỏ Vẹt. 2 năm sau, ông cùng những người cán bộ trung kiên, dưới sự đùm bọc của nhân dân đã trở về hoạt động cách mạng tại Tân An.

Theo ông Lĩnh, thời điểm đó, thị xã Tân An là địa bàn vô cùng ác liệt, một trong số những cơ quan đầu não của ngụy để bảo vệ từ xa cho Sài Gòn và kìm bước quân giải phóng. Tại thị xã Tân An luôn thường trực Tiểu đoàn 303 ngụy gồm nhiều lực lượng tinh nhuệ, nhất là lực lượng biệt kích cùng các lực lượng bảo an; trong khi đó, lực lượng cách mạng của ta vẫn còn mỏng nên hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Đến cuối năm 1972, chiến trường miền Nam có nhiều chuyển biến tích cực buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Cũng từ đây, khí thế cách mạng sục sôi trong nhân dân khi quân giải phóng liên tục thắng lớn. Tuy nhiên, địa bàn Tân An vẫn là trọng yếu buộc ngụy phải bố trí lực lượng để bảo vệ Sài Gòn. Tháng 4/1975, Sư đoàn 22 lính ngụy được điều động bố trí dày đặc dọc theo tuyến Quốc lộ 4, bảo vệ tuyến đường huyết mạch từ Sài Gòn về miền Tây.

Để chuẩn bị cho trận đánh lớn, cùng với lực lượng tại chỗ, Sư đoàn 5 được giao nhiệm vụ cơ động từ Kiến Tường về đánh chiếm, chia cắt Quốc lộ 4 với trang bị nhiều vũ khí hiện đại. Ngày 27/4/1975, toàn bộ pháo 105 ly của ta đã vào trận địa chờ lệnh giải phóng thị xã Tân An. Tuy nhiên, sáng ngày 30/4/1975, khi ta mới khai hỏa vài loạt đạn pháo, ngụy quân ở tiểu khu và dinh Tỉnh trưởng tháo chạy, buông vũ khí đầu hàng. Trưa cùng ngày, toàn bộ thị xã Tân An được giải phóng. “Tin giải phóng lan nhanh toàn thị xã, nhân dân đồng loạt đổ ra đường ăn mừng chiến thắng, cờ Tổ quốc tung bay trên khắp các tuyến đường để chào đón quân giải phóng. Đó là giây phút xúc động sau bao năm chiến đấu gian khổ, cuối cùng cũng đến ngày đại thắng” - ông Phạm Hồng Lĩnh hồi tưởng.

Sư đoàn 5 vượt cầu Bến Lức tiến về giải phóng thị xã Tân An ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Sư đoàn 5 vượt cầu Bến Lức tiến về giải phóng thị xã Tân An ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Ngụy quân buông súng đầu hàng, ông Lĩnh cùng lực lượng cách mạng tiến vào tiếp quản thị xã Tân An. “Thời điểm đó, tôi đang là Chánh Văn phòng thị xã Tân An, dù thắng lợi lớn nhưng sau tiếp quản, việc xây dựng chính quyền gặp rất nhiều khó khăn do thiếu lực lượng. Trong những năm tháng chiến đấu, rất nhiều đồng chí nòng cốt đã hy sinh. Phải mấy tháng sau, chúng tôi mới xây dựng ổn định lực lượng chính quyền, bảo đảm an ninh, trật tự” - ông Phạm Hồng Lĩnh nhớ lại.

Kiến Tường - Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh

Nếu như Tân An là địa bàn trọng yếu của ngụy để bảo vệ Sài Gòn thì Kiến Tường có vị trí hết sức quan trọng trong hành lang chiến lược của Quân khu 8 và Quân khu 9 từ Campuchia về Mỹ Tho. Cũng vì thế, địa bàn Kiến Tường trở thành chiến trường vô cùng ác liệt trong những năm 1970-1975. Ông Tư Thương - nguyên Phó Tham mưu trưởng Tỉnh đội Kiến Tường, nay đã tròn 80 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu “gian lao mà anh dũng” để giải phóng Kiến Tường.

Trước năm 1975, để chia cắt hàng lang chiến lược của ta, trên địa bàn Kiến Tường, ngụy luôn bố trí thường trực 2 trung đoàn bộ binh, gồm: Trung đoàn Bộ binh 11, Sư đoàn 7 và Trung đoàn Bộ binh thuộc Sư đoàn 9, thay phiên nhau hoạt động cùng các tiểu đoàn biệt kích ngụy cũng liên tục quần thảo. Cùng với đó, riêng Kiến Tường có 2 trung tâm huấn luyện biệt kích ngụy do cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy huấn luyện, gồm Gò Ông Lẹt và đồn Thạnh Trị. Ngoài ra, lực lượng ngụy hoạt động tại Kiến Tường còn được huấn luyện tại trại biệt kích Cà Vàng, Kiến Phong.

Ông Tư Thương khẳng định, tất cả lực lượng ngụy tại Kiến Tường không ngoài mục đích phá cho bằng được hành lang chiến lược được quân giải phóng thiết lập từ Campuchia qua Kiến Tường về Mỹ Tho. Cũng vì thế, những trận càn liên tục được ngụy thực hiện để thu hẹp vùng giải phóng của ta. Trong khi đó, lúc này, lực lượng vũ trang chủ lực của Kiến Tường chỉ có Tiểu đoàn 504, mỗi huyện có 1 đại đội bộ binh và mỗi xã chỉ có 1 trung đội dân quân thường trực.

Ông Tư Thương - nguyên Phó tham mưu trưởng Tỉnh đội Kiến Tường, một trong số những người trực tiếp tham gia giải phóng Kiến Tường

Ông Tư Thương - nguyên Phó tham mưu trưởng Tỉnh đội Kiến Tường, một trong số những người trực tiếp tham gia giải phóng Kiến Tường

Bước vào năm 1975, trên chiến trường Kiến Tường, ngụy vẫn bố trí 1 Trung đoàn Bộ binh 11, Sư đoàn 9 và 1 Hải đoàn Hải quân đóng tại Tuyên Nhơn cùng lực lượng tăng thiết giáp, pháo binh hiện đại. Trong khi đó, với vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, Trung ương cục miền Nam dự định sẽ mở một chiến dịch quy mô lớn vào mùa khô với nòng cốt là lực lượng Sư đoàn 5 để giải phóng Kiến Tường, tạo bàn đạp tiến về giải phóng Tân An.

Trước yêu cầu nhiệm vụ, ông Tư Thương cùng đồng đội chịu trách nhiệm chuẩn bị chiến trường để Sư đoàn 5 xây dựng phương án tác chiến sẵn sàng cho tiến công giải phóng Kiến Tường. “Mọi công tác chuẩn bị gần như đã hoàn tất thì kế hoạch đột ngột thay đổi khi thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. Sư đoàn 5 phải cơ động lực lượng theo 2 hướng Tiền Giang và Tân An - Thủ Thừa nhằm tạo vòng vây cô lập Sài Gòn. Riêng Kiến Tường, chúng tôi được Sư đoàn 5 giao lại nhiệm vụ: Cả Kiến Tường phải đồng loạt đứng lên giải phóng với phương châm xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh. Cũng may trước đó, chúng tôi có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị chiến trường nên các lực lượng địa phương chủ động xây dựng phương án giải phóng hoàn toàn Kiến Tường.

Đúng ngày 30/4, khi mọi công tác chuẩn bị xong, bất ngờ Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, ngụy quân trên khắp Kiến Tường tinh thần rệu rã, đa số buông vũ khí đầu hàng hoặc bỏ chạy. Riêng một số đồn bốt ngoan cố, lực lượng vũ trang Kiến Tường không mấy khó khăn cũng tiến công giành chiến thắng. Kiến Tường hoàn toàn giải phóng trong niềm vui của nhân dân” - ông Tư Thương kể lại. Nhiều đồng đội đã hy sinh, quê hương bị tàn phá nhưng đổi lại cho mất mát, đau thương là ngày chiến thắng trọn vẹn. “Có xương máu đồng chí, đồng đội hy sinh, nên mỗi dịp tháng 4 về, chúng tôi lại không kìm được cảm xúc” - ông Tư Thương xúc động khi nhắc về những ngày tháng 4 lịch sử.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng 47 năm qua, khoảng thời gian bằng một nửa đời người, đối với những người như ông Lĩnh, ông Tư Thương thì những ký ức hào hùng về ngày 30/4/1975 vẫn còn đọng mãi trong tâm thức. Đó là thời khắc huy hoàng sau cuộc đấu tranh trường kỳ của người dân Long An, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nho-mai-thoi-khac-lich-su-ngay-30-4-1975-a134561.html