Nhớ một chiến tướng yêu thi ca

Vị chiến tướng trùng tên với một thi sĩ lừng danh cùng xuất thân quân đội, nhưng một người sáng tác chuyên nghiệp còn một người đánh trận chuyên nghiệp. Đó là thượng tướng Hoàng Cầm, người tham gia những trận đánh lớn từ Chiến dịch Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, Lào. Ông còn rất yêu văn nghệ, thuộc nhiều bài dân ca Bắc Bộ và thi thoảng làm thơ, nhất là những lần sinh nhật… vợ.

Thượng tướng Hoàng Cầm. Ảnh: PHAN HOÀNG

Thượng tướng Hoàng Cầm. Ảnh: PHAN HOÀNG

Những dấu ấn chiến trường

Ngày 30/4 năm nay kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh thượng tướng Hoàng Cầm (1920-2020). Ông tên thật là Đỗ Văn Cầm, quê ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây, nay thuộc TP Hà Nội. Đây cũng là quê hương của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và các văn nghệ sĩ khác.

Vì gia đình quá nghèo, cha mẹ mất sớm nên cậu bé họ Đỗ phiêu bạt kiếm sống, lớn lên đi lính khố xanh cho Pháp trước khi được giác ngộ gia nhập quân đội cách mạng. Từ người lính trưởng thành trong chiến đấu, ông trở thành vị tướng lĩnh cao cấp, có mặt ở hầu hết những “điểm nóng” trên khắp chiến trường Đông Dương. Hoàng Cầm đã trực tiếp chỉ huy bắt sống tướng De Castries, vinh dự được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cử làm Trưởng đoàn Chiến sĩ thi đua Mặt trận Điện Biên Phủ lên ngựa phi về Việt Bắc báo tin thắng lợi với Trung ương và Hồ Chủ tịch, mang theo những chiến lợi phẩm của viên bại tướng người Pháp.

Vào chiến trường miền Nam, ông được cử trực tiếp xây dựng đơn vị chủ lực đầu tiên cấp sư đoàn, làm Tư lệnh Sư đoàn 9, tiếp đó là Tư lệnh Quân đoàn 4. Hoàng Cầm là chỉ huy cao nhất trực tiếp tấn công mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mấy năm sau, ông là vị tướng đầu tiên có mặt tại thủ đô Phnôm Pênh khi chỉ huy một cánh quân sang giải phóng nước bạn Campuchia khỏi ách diệt chủng Pol Pot, rồi qua làm tư lệnh quân tình nguyện giữ yên bờ cõi nước bạn Lào. Nhiệm vụ hoàn thành, ông về nước làm Tư lệnh Quân khu 4, Tổng thanh tra Quân đội. Hoàng Cầm còn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V, khóa VI và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đối với thượng tướng Hoàng Cầm, dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp vẫn là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi giải phóng Xuân Lộc, đánh chiếm xong các mục tiêu, vào 6 giờ 30 sáng 30/4/1975, Tư lệnh Hoàng Cầm giao nhiệm vụ mới cho các đơn vị truy quét tàn quân địch ở Biên Hòa và thần tốc thẳng tiến Sài Gòn. Đến 13 giờ 30, ông có mặt tại dinh Độc Lập để tiếp quản nội các Dương Văn Minh theo nhiệm vụ được phân công từ trước. Khi còn sống ông cho biết: “Khi tôi vào dinh Độc Lập thì được biết Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các của ông ta từ sớm đến lúc ấy vẫn chưa ăn uống gì. Tất nhiên, họ sợ hãi không dám ngỏ lời. Đã 13 giờ 30. Tôi liền bảo họ: Các ông có thể nhờ người nhà đưa cơm nước và đồ dùng cá nhân cần dùng tới, chứ đói chịu sao nổi! Họ lễ phép chắp hai tay cảm ơn. Và đêm ấy, tôi cùng anh em binh lính nằm ngay trên hiên dinh Độc Lập nghỉ ngơi. Dù đang đói ngủ nhưng tôi không tài nào chợp mắt được. Đã nằm trong dinh Độc Lập rồi mà tôi cứ nghĩ mình đang mơ”.

Đối với một chiến binh vào sinh ra tử như Hoàng Cầm thì hòa bình đúng là một giấc mơ. Một giấc mơ dài đằng đẵng 20 năm. Trong ấy, có 10 năm ông nằm gai nếm mật gần xuyên suốt chiến trường trọng điểm

Nam Bộ, trải qua mấy mươi trận đánh lớn nhỏ, trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của gần hàng vạn chiến sĩ, mà gần nhất là những người đã ngã xuống trong trận quyết tử Xuân Lộc mở “cánh cửa thép” cho đại quân thần tốc tiến vào Sài Gòn.

Ba vị tướng Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, từ phải sang: Hoàng Cầm, Lê Đức Anh, Đồng Văn Cống. Ảnh tư liệu

Ba vị tướng Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, từ phải sang: Hoàng Cầm, Lê Đức Anh, Đồng Văn Cống. Ảnh tư liệu

Thỉnh thoảng làm thơ tặng vợ hiền

Là chiến tướng, Hoàng Cầm còn có tâm hồn văn nghệ. Sau Cách mạng Tháng Tám, nước nhà độc lập, ông làm quen với một cô gái Hà Nội xinh đẹp bán hàng tạp hóa và cũng yêu văn nghệ. Tình yêu nảy nở, hai người dự định tổ chức đám cưới. Nhưng rồi quân Pháp tái xâm lược, đánh chiếm Thủ đô, họ phải ly tán. Hoàng Cầm ra chiến trường, không biết cuộc chiến đấu bao giờ mới kết thúc, sợ cô ấy khổ, nên cuối cùng ông quyết định cắt đứt quan hệ cho người yêu được nhẹ lòng lập gia đình.

Sau năm 1954, khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Hoàng Cầm nhờ ông Kim Ngọc mới quen người đẹp Thành Kiều Vượng nhỏ hơn ông một giáp. Ông Kim Ngọc về sau là cha đẻ của khoán hộ gia đình trong nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Thành Kiều Vượng bấy giờ là cán bộ ngành thuế. Hoàng Cầm vừa chỉ huy quân sự, vừa làm công tác xây dựng chính quyền. Biết nhau nhưng ít có thời gian gặp nhau. Nhờ sự nhiệt tình của ông Kim Ngọc mà đôi uyên ương đã tác hợp với nhau. Nhưng năm 1955, vừa tổ chức đám cưới xong là Hoàng Cầm lên đường đi công tác ngay, xa nhà cả năm trời, rồi ông vào chiến trường miền Nam. Bà Thành Kiều Vượng cũng gia nhập quân đội.

Thường xuyên xa nhau nhưng hai ông bà Hoàng Cầm - Thành Kiều Vượng cũng sinh hạ tới 5 người con, lớn lên đều tham gia quân đội. Nghĩa là cả gia đình ông đều là lính. Khi về hưu ông bà mới thực sự ở bên nhau. Điều thú vị là sinh nhật nào của bà, ông đều làm thơ tặng. Chẳng hạn, nhân sinh nhật lần thứ 60 của bà vào năm 1992, ông viết bài thơ lục bát vừa vui vừa khái quát cuộc đời hai người:

“Đời em là một giấc mơ

Mơ chồng thắng trận, mơ cờ đảng viên

Chiến tranh mấy mươi năm liền

Mà em vẫn giữ bình yên như người

Đến nay tuổi đã sáu mươi

Năm con bảy cháu mừng vui bên bà

Tuổi em là tuổi con gà

Tuổi anh con khỉ nhưng mà đẹp đôi

Tuy rằng tóc bạc da mồi

Chúng ta vẫn giữ lứa đôi vẹn tròn

Còn trời còn nước còn non

Có dân có đảng ta còn sống lâu”

Nhớ lần đầu tôi cùng nhà báo đến gặp thượng tướng Hoàng Cầm xin cái hẹn để phỏng vấn, ông đề nghị làm việc luôn. Tác phong người lính vẫn sâu đậm trong tính cách lão tướng hồi hưu. Cuối buổi chuyện trò, ông đọc bài thơ trên rồi cười sang sảng: “Các anh thấy tướng trận mà làm thơ như vậy có hay không!”. Bây giờ thì chiến tướng Hoàng Cầm đã mãi đi xa, nhưng những câu thơ cùng giọng nói nụ cười vẫn còn vang vọng trong ký ức tôi khi ngồi nhớ về ông.

Bây giờ thì chiến tướng Hoàng Cầm đã mãi đi xa, nhưng những câu thơ cùng giọng nói nụ cười vẫn còn vang vọng trong ký ức tôi khi ngồi nhớ về ông.

PHAN HOÀNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/239373/nho-mot-chien-tuong-yeu-thi-ca.html