Nhớ một lời hẹn ân tình
Có lần, tôi đã viết trong một bài báo: Những chuyến hành hương về đất lửa Quảng Trị như đã thành nếp hằn trong tâm tưởng, ký ức, để mỗi năm cứ đến tháng Bảy lại nôn nao nỗi nhớ, đến mức chẳng thể ngồi yên nếu chưa lên đường. Năm 2020 đầy ắp những sự kiện vừa qua, với tôi, không chỉ có chuyến hành hương tháng Bảy…
Chuyến đi mùa mưa bão
Chương trình Nghĩa tình tháng Bảy do Báo Kinh tế & Đô thị và Báo Quảng Trị phối hợp thực hiện đã trở thành một hoạt động thường niên. Năm 2020, vào những ngày tháng Bảy, tôi cùng các đồng nghiệp lên Hướng Hóa trao quà hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, khi mà những nương chuối canh tác bên đất bạn Lào không thể thu hoạch, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Những tưởng cái hạn COVID -19 đã dần ở lại phía sau, vậy mà họa vô đơn chí, mảnh đất miền Trung, trong đó có Quảng Trị lại chịu thêm biến cố thiên tai, khi những cơn bão từ số 5 đến số 13 liên tiếp ập vào. Hướng Hóa, Đakrông rồi Triệu Phong, Hải Lăng… trở thành những cái tên gây niềm xúc cảm trước những thiệt hại to lớn về người, của. Vậy là tôi cùng đoàn công tác của Quỹ Hỗ trợ các chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và ActionAid Việt Nam (AAV) lại hòa vào dòng người từ mọi miền đất nước hướng về miền Trung, về Quảng Trị.
Theo chân các bạn đồng nghiệp Báo Quảng Trị, Đoàn công tác chúng tôi về xã Triệu Long. Trong màn mưa vẫn giăng trắng trời, cô Nguyễn Thị Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THCS - Tiểu học xã Triệu Long vừa chỉ những vạch nước ngập ngang tường lớp học, vừa kể lại những khó khăn, vất vả của thầy và trò nhà trường khi mà có tới 5 lần lũ dâng ngập trường, ngập lớp chỉ trong 20 ngày. Có đợt buổi sáng các thầy, cô vừa dọn dẹp xong xuôi, tính hôm sau cho các con đi học thì nước lại vào. Dẫn chúng tôi xem bức tường rào xây kiên cố bị nước lũ hất đổ ở một điểm trường lẻ, cô Châu nói trong ngậm ngùi: Năm nay các con vất vả. Đầu năm nghỉ vì COVID -19, cuối năm lại nghỉ gần hết tháng 10 vì bão lũ.
Cũng trong một sáng trời mưa tầm tã, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương, Vũ Đức Hiếu, nghe đâu là một phó chủ tịch xã trẻ nhất của huyện Hải Lăng, kể cho chúng tôi nghe một cách vắn tắt về thiệt hại do lũ bão gây ra. Xã có 1.301 hộ thì 834 hộ bị ngập, nước tràn vào nhà ít nhất 0,5 m; 107 ha lúa bị ngập, hơn 1.000 con gia súc, gia cầm chết hoặc bị lũ cuốn. Với bà con, giờ quan trọng nhất là có giống lúa để kịp làm vụ đông - xuân, mỗi héc ta cần 80 kg. Trong những ngày lũ lụt, nhà Hiếu cũng ngập trong nước, vợ con đi sơ tán còn bản thân Hiếu thì cùng anh em lo đi hỗ trợ người dân phòng chống lũ.
Thường thì tôi hay về Quảng Trị trong tháng Bảy, tháng cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ, cũng là một trong những tháng nóng nhất nơi mảnh đất miền Trung này. Lần này, đi trong màn mưa ràn rạt, giữa những cánh đồng vẫn còn ngập trong biển nước, tôi càng hiểu thêm sự gian khó của người dân nơi đây khi đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, rồi vượt lên để tồn tại và phát triển. Và càng hiểu rõ cái nghĩa đen của câu hát trong một ca khúc: Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa.
Niềm vui ngày trở lại
Vậy là lần thứ ba trong năm nay, tôi về Quảng Trị, về với Triệu Phong, Hải Lăng để trao những món quà do tổ chức ActionAid quốc tế tài trợ, giúp bà con bước đầu ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Dù biết bà con còn nhiều khó khăn phải vượt qua, nhưng chuyến đi cũng mang lại niềm vui nho nhỏ. Vui khi chứng kiến những cháu học sinh tiểu học trường Triệu Long đã có những bộ bàn ghế mới. Vui vì những bao xi măng, sắt thép… đã sẵn sàng cho việc xây lại đoạn tường rào bị lũ kéo đổ, bảo đảm an toàn cho các cháu nơi điểm trường ngập trong nước lũ hôm nào. Không nói ra, nhưng trong lần gặp trước, nghe Hiếu nói đi hỗ trợ bà con chạy lũ, lội nước nhiều, cậu cùng một số anh em bị nước ăn chân, lở loét, tôi cứ thầm lo khi nghe về loài vi rút Whitmore mới xuất hiện ở các tỉnh miền Trung. Về Hải Dương lần này, chúng tôi vui mừng gặp lại Hiếu vẫn khỏe mạnh, trong khung cảnh làng xóm đang dần hồi phục sau mưa lũ. Và vui nhất là theo nhu cầu của bà con, hơn 12 tấn lúa giống Khang Dân, món quà từ nguồn tài trợ của tổ chức ActionAid quốc tế đã được trao cho 400 hộ dân để chuẩn bị xuống giống vụ đông- xuân năm 2020-2021.
Với cá nhân tôi, niềm vui như được nhân lên vì đã làm thêm được một điều có ý nghĩa cho mảnh đất Triệu Phong, Hải Lăng… mà mình gắn bó, nơi nhiều bạn bè, đồng đội cùng trang lứa đang nằm lại từ mùa hè đỏ lửa năm 1972 cách đây gần nửa thế kỷ.
Tôi có một lời hẹn
Vào những ngày cuối cùng của năm 2020 đầy những sự kiện không thể nào quên, tôi gọi điện cho những người bạn quen ở Quảng Trị trong những chuyến đi mùa giông bão.
Đầu giây bên kia, giọng cô Nguyễn Thị Minh Châu, Hiệu trưởng Trường THCS và Tiểu học Triệu Long vẫn nhỏ nhẹ khi hồ hởi thông báo bức tường rào nơi điểm trường bị lũ ngập đã xây xong phần móng, đang dựng trụ, lắp lưới B40 và chuẩn bị trồng cây. Cô hiệu trưởng cũng vô cùng hào hứng khi tôi đề nghị, Tết trồng cây năm Tân Sửu, cô trò nhà trường trồng thêm một hàng cây ven tường rào này, vừa để chắn lũ, vừa thêm màu xanh cho một vùng quê nhiều nắng gió.
Dù qua điện thoại, giọng cậu Phó Chủ tịch xã Vũ Đức Hiếu vẫn sôi nổi, hồ hởi như đang nói chuyện trực tiếp, khiến tôi như vẫn thấy dáng vẻ nhanh nhẹn hôm nào khi anh hỗ trợ chúng tôi trao những bao thóc giống tận tay các hộ trong xã. Hiếu bảo, bà con Hải Dương đang làm đất để kịp xuống giống vụ đông - xuân. Và trong hơn trăm hecta lúa vụ này, có một phần giống lúa Khang Dân mà tổ chức ActionAid quốc tế hỗ trợ.
Lại nhớ một kỷ niệm về chuyến đi trong mùa bão. Hôm ấy, trước lúc chia tay, Hiếu nằng nặc bắt chúng tôi mang theo một ôm ném tươi. Hiếu bảo, cả miền Trung, từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế, ném Hải Dương, Hải Lăng là ngon nhất, do hợp thời tiết, thổ nhưỡng. Vì còn tiếp tục hành trình đến Quảng Nam, Quảng Ngãi... món quà đầy tình cảm ấy phải gửi lại các đồng nghiệp ở Huế. Hôm sau gặp lại, cậu lái xe khoe: Em về chia cả xóm, ai cũng quý, cũng thích…
Lần chia tay mới đây, trước lúc tạm biệt, Vũ Đức Hiếu nói trong bịn rịn: Nhất định là bác phải về lại Hải Dương. Quê cháu không có của ngon vật lạ gì, ra Tết bác về, cháu chỉ mời bác ăn lưng cơm gạo mới Khang Dân với ném muối. Ăn một lần là nhớ mãi bác à…
Dù là chưa ăn cơm gạo mới với ném muối, lòng tôi đã nhớ mãi vùng đất mà càng ngày tôi càng thêm gắn bó. Nhất định tôi sẽ còn về lại để thấy hàng cây mới trồng nơi trường Triệu Long, để được ăn bát cơm gạo mới với ném muối ngon nhất miền Trung ở Hải Dương.
Thật hạnh phúc khi có một lời hẹn ân tình, một nơi chốn để ta luôn nhớ đến mà mong ngày trở lại.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155433