Nhớ một thời 'chép sử'

Đến năm 2003, diện mạo và sự ổn định về chất đã nâng tầm Báo Hưng Yên lên hàng báo đảng khá “chững chạc” trong khu vực. Sở dĩ nói như vậy vì năm 1997, khi mới tái lập tỉnh, cơ sở vật chất Báo Hưng Yên gần như không có gì. Ngoài chiếc máy chữ ốp-ti-ma cổ lỗ đem về từ Hải Dương, cộng thêm với một dàn vi tính 3 máy được Báo Hải Dương tặng chủ yếu để đánh máy các loại công văn giấy tờ, cơ quan tuyển vội được mấy nhân viên vi tính và làm công tác văn phòng. Nhân sự buổi đầu quá ít, cán bộ, phóng viên về báo mới đều trong diện xung phong, tình nguyện cả…

Sau 5 năm, guồng máy hoạt động của Báo Hưng Yên đã khá ổn định với đội ngũ cán bộ, phóng viên tương đối ổn so với khung biên chế của một tòa báo tỉnh. Đến đây thì không thể không nhắc tới một sự kiện quan trọng của Báo, đó là kỷ niệm 60 năm ngày Báo Hưng Yên xuất bản số đầu, tháng 6/1943. Trong một cuộc giao ban thứ hai hằng tuần, anh Nguyễn Thế Đắc, Tổng Biên tập đã chính thức giao nhiệm vụ làm kỷ yếu cho ê-kip gồm anh Đoàn Văn Tuyến, Phó Tổng biên tập, tôi - Thư ký tòa soạn và anh Đào Quang Ngát, Trưởng phòng Hành chính - Trị sự. Thực sự đây là vấn đề vô cùng khó khăn với không chỉ riêng tôi mà cả tòa báo. Đồng thời anh Đắc, anh Tuyến và tôi sang gặp nhà thơ Hoàng Thế Dấn, lúc ấy là Giám đốc Đài PT và TH tỉnh đề nghị phối hợp làm một bộ phim tài liệu về 60 năm Báo Hưng Yên. Ban Giám đốc Đài phân công anh Đoàn Minh Tấn, Phó Giám đốc phụ trách nội dung trực tiếp chỉ đạo phóng viên phối hợp cùng chúng tôi. Trong cuộc này, tôi và anh Tấn là một cặp bài trùng, đi đâu chúng tôi cũng gọi nhau, có tư liệu nào cũng cung cấp cho nhau, cùng nhau đi cơ sở lấy tư liệu… Nhờ sự phối hợp ăn ý giữa báo và đài, tiến độ làm kỷ yếu được đẩy nhanh hơn. Tôi đảm nhiệm việc chấp bút, anh Tuyến hỗ trợ; viết đến đâu chuyển sang cho anh Đắc xem và tham gia thêm. Có thể nói từ con số không, chúng tôi đã liên lạc, tìm hiểu và chắp nối thông tin để xây dựng nên cuốn kỷ yếu tuy chưa thật hoành tráng lắm nhưng cũng khá công phu và chỉ người trong cuộc mới thấy hết được tầm quan trọng của nó.

Thực sự khó khăn buổi đầu lãnh công việc “chép sử” này. Tuy chỉ là biên niên sự kiện thôi nhưng cả cơ quan không ai biết lịch sử hình thành và phát triển của tờ báo thế nào vì thời gian đã quá lâu và trải qua nhiều biến động của lịch sử. Khi bắt đầu triển khai, trong nhiều kỳ liền Báo Hưng Yên đăng thông tin trên trang nhất mời bạn đọc báo ai biết hoặc có manh mối gì về Báo Hưng Yên năm 1943 và những năm kháng chiến chống thực dân Pháp cung cấp tư liệu. Chúng tôi hồi hộp mong chờ những thông tin quý giá từ độc giả của báo, dù chỉ là những chi tiết nhỏ nhoi như miếng đá làm bàn in hoặc những bản báo in thạch ngày xưa ai đó vô tình còn giữ được… Nhưng rất tiếc, không có hồi âm.

Rất may là từ khi Báo Hưng Yên tái lập, chúng tôi thường xuyên được đón tiếp các bác vốn là lãnh đạo tỉnh, cán bộ cũ và là những cộng tác viên đắc lực cho báo đến tòa soạn chơi như cụ Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cụ Trần Tuấn Doanh nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các bác nguyên là phóng viên của Báo Hưng Yên và Báo Hải Hưng như Lâm Hải Ngọc, Lê Đình Giao, Nguyễn Thế Dũng, Hoàng Kim… Từ đây cơ quan tổ chức gặp mặt, hội thảo để có nguồn tư liệu về giai đoạn 60 năm phát triển của Báo Hưng Yên. Đặc biệt nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, năm ấy tuy đã ở tuổi 90 nhưng còn khá khỏe mạnh, minh mẫn đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu quý; quý nhất là tài liệu tiếng Pháp thu được ở Tòa Công sứ tỉnh Hưng Yên khi ta khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Sở dĩ cụ Học Phi có được là sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, cụ được giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh. Tài liệu đánh máy này khẳng định sự hiện diện của tờ báo Bãi Sậy trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 1943 (đã được chụp lại và in trên kỷ yếu “60 năm Báo Hưng Yên”). Tại cuộc gặp mặt ở Đầm Trấu, Hà Nội lần ấy, chúng tôi có vinh dự được gặp đầy đủ 3 vị là những người sáng lập và trực tiếp làm báo Bãi Sậy năm 1943 gồm đồng chí Trần Thị Minh Châu (hay gọi là Ba Châu) lúc ấy là Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh, Đại tướng Nguyễn Quyết và nhà văn, nhà viết kịch Học Phi; tất cả đều khỏe mạnh.

Qua nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, chúng tôi còn mời được một số vị đại diện cơ sở in báo tư nhân trong kháng chiến như ông Nguyễn Văn Thuận tham gia, ôn lại những kỷ niệm của một thời làm báo. Lần khác, tại nhà bà Hoàng Thị Yên ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa (Kim Động), chúng tôi được bà cung cấp thêm một số hình ảnh nơi từng in báo bí mật tại đây. Đến chùa Văn (xã Liêu Xá, Yên Mỹ), chúng tôi được sư thầy trụ trì tại đây cho xem khu buồng tối của chùa mấy chục năm trước từng che giấu cán bộ và in báo Bãi Sậy. Cần nói thêm rằng, những nơi từng là cơ sở in báo ngày xưa thường là chỉ in được một, hai số rồi lại chuyển đi nơi khác để bảo đảm bí mật.

Công nghệ in báo lúc ấy phải nói là vô cùng thô sơ, vì vậy trang bị cho việc in ấn cũng rất tối thiểu để bảo đảm cơ động, nhẹ nhàng và dễ cất giấu. Theo các cụ Ba Châu, Học Phi, Nguyễn Quyết kể lại thì bộ bàn in đơn giản chỉ là một miếng đá mỏng, một mặt được mài nhẵn để viết chữ bằng mực tàu trên đấy, mà phải viết chữ ngược, sau đó đặt giấy lên, dùng một dụng cụ phẳng để vuốt. Vuốt khoảng 2-3 lần thì mực mờ phải bôi tiếp, lại in tiếp. Được các cụ kể nhưng không có hiện vật để mục sở thị, tôi cũng chỉ biết vậy thôi. Nội dung cũng rất đơn giản, vắn tắt, viết theo lối văn cổ động, hô hào quần chúng đoàn kết chống địa chủ cường hào, chống thực dân, phong kiến, đế quốc… mới biết, thời kỳ đen tối, cái gì cũng gian nan; mới thấy ý chí các cụ nhà ta ngày xưa lớn biết nhường nào… Tiếp đó là thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; tiếp đó là giai đoạn phục hồi kinh tế sau cuộc kháng chiến; là những lần đổi tên gọi: Báo Tên lửa, báo Tiến lên… Những sự kiện dần dần được chắp nối, từ đơn giản đến công phu, tạo thành diện mạo cho cuốn kỷ yếu 60 năm Báo Hưng Yên.

Từ trở lại ngày xưa đến nay, đã qua hai thập niên nữa, chốc đà đã 80 năm. Được biết trong số 3 cán bộ làm Báo Bãi Sậy ngày xưa ấy duy nhất chỉ còn Đại tướng Nguyễn Quyết, nay đã hơn trăm tuổi. Khi xưa làm Báo Bãi Sậy, cụ mới tuổi đôi mươi. Riêng với nhà văn Học Phi, khi cụ trăm tuổi, tôi vinh dự được thay mặt cơ quan đến thăm chúc thọ cụ nhân dịp 21/6 năm 2013. Tôi không khỏi ngạc nhiên chứng kiến cụ vẫn ngồi bên bàn viết. Khi nghe tôi hỏi thời gian rồi cụ viết được nhiều không, dự định sắp tới thế nào…”, nhà văn trầm ngâm một lát rồi thoảng nhẹ: “Ta trót làm cái nghiệp viết thì còn sống ngày nào vẫn phải viết cháu ơi. Nhưng bây giờ ta viết chủ yếu là để cho cái đầu mình hoạt động không nó già cỗi mất”. Tôi không khỏi bái phục sức lao động của một cụ già trăm tuổi, vẫn tìm mọi cách lao động sáng tạo để giữ cho tâm hồn mình trẻ mãi. Nay thì không được rồi, cụ đã về với thế giới người hiền, về với miền mây trắng… Cũng như nữ đồng chí Ba Châu, lâu rồi chuyển nơi cư ngụ chúng tôi không ai còn biết cụ ở đâu nữa. Chia tay nhà văn Học Phi, tôi bùi ngùi xúc động và không hề nghĩ đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của mình với nhà viết kịch lão thành.

Hoàng Quân

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202306/nho-mot-thoi-chep-su-7b80686/