Nhớ mùa rã lụt

Nước lụt kéo dài gần hai tháng, lúc này đánh bắt cá cũng được, nhưng không 'trúng' bằng lúc mới 'lụt nhấp'. Qua tháng mười, mưa ít dần, đến khoảng nửa sau tháng mười nước lụt bắt đầu hạ xuống nhanh, nhất là vào con nước hai mươi lăm tháng mười. Bà con quê tôi gọi là 'rã lụt'.

Mùa nước nổi trên đồng Thanh Điền. Ảnh: Đ.H.T

Mùa nước nổi trên đồng Thanh Điền. Ảnh: Đ.H.T

Thời tiết năm nay chuyển biến khác thường. Đã gần hết tháng mười âm lịch mà trời vẫn còn mưa và có nhiều cơn mưa rất lớn. Vì vậy, vào giai đoạn cuối của mùa nước lụt, cánh đồng quê tôi vẫn còn đầy nước, như vào thời điểm giữa mùa lụt. Nước còn dâng cao, đồng ruộng bỏ không, nhìn toàn cánh đồng chỉ mênh mông nước.

Trên cánh đồng mênh mông ấy, đây đó một vài người lặn ngụp đặt dớn, hoặc chèo xuồng thả lưới. Nhìn cánh đồng quê mình nhiều nước, mà ít người đánh bắt cá, tôi hỏi một anh chèo xuồng giăng lưới: “Năm nay nước lụt nhiều sao ít người đi đánh bắt cá vậy anh?”.

Nghe tôi hỏi, anh ta bức xúc nói luôn: “Cá đâu mà đánh bắt chú ơi! Tui lỡ mua mấy trăm thước lưới rồi, nên ráng đi giăng. Cá rô đồng, cá trê, cá tràu… khan hiếm lắm, chỉ còn có mấy con rô phi xương xẩu với cua đồng thôi.

Giăng lưới mà dính cua thì “vừa gỡ vừa khóc”. Cua quấn vô lưới rất khó gỡ. Gỡ được cua không chỉ rách lưới, mà còn rách luôn tay người. Giăng lưới lúc này, không chỉ lỗ công mà còn lỗ vốn (vì cua làm rách lưới), nên rất ít ai đi giăng”.

Nghe anh giăng lưới than làm tôi chợt nhớ lại thời niên thiếu của mình. Xưa kia, mưa thuận gió hòa, cứ sau tết Trung thu (nửa sau tháng tám âm lịch) là trời mưa dầm dề, mưa như trút nước. Nước dưới sông rạch, ruộng đồng bắt đầu dâng cao.

Nước lên ngập bờ ruộng thấp, lé đé bờ ruộng cao, bà con quê tôi gọi là “lụt nhấp”. Nước mới dâng cao, cá đồng mừng nước, từ sông vào rạch, từ rạch rủ nhau vào ruộng. Bà con quê tôi bắt đầu đi giăng lưới, đặt lờ… chặn đầu bắt cá.

Lúc này gọi là đánh bắt “cá vào” hay “cá lên”. Đến đầu tháng chín, mưa càng nhiều, nước tràn về ngập bờ ruộng nhưng không ngập lúa (vì hồi đó cấy lúa dài ngày, cây lúa rất cao). Thế là cánh đồng quê tôi chính thức vào mùa nước lụt.

Nước lụt kéo dài gần hai tháng, lúc này đánh bắt cá cũng được, nhưng không “trúng” bằng lúc mới “lụt nhấp”. Qua tháng mười, mưa ít dần, đến khoảng nửa sau tháng mười nước lụt bắt đầu hạ xuống nhanh, nhất là vào con nước hai mươi lăm tháng mười. Bà con quê tôi gọi là “rã lụt”.

Đây là thời điểm bà con quê tôi tập trung đánh bắt “cá ra” hay “cá xuống”. Đánh bắt cá lúc nước rã lụt có nhiều cách như giăng lưới, đặt lợp, đặt lờ, cắm câu đêm…

Hồi đó, ruộng đồng quê tôi mỗi năm làm có một vụ lúa mùa, dài ngày. Tháng mười âm lịch những đám ruộng cấy giống lúa mùa sớm bắt đầu thu hoạch. Đây cũng là những chỗ thuận tiện cho việc đánh bắt cá lúc nước rã lụt. Khi ấy, mỗi ngày đi học một buổi, thời gian còn lại, anh em tôi tranh thủ mọi lúc, kể cả về đêm và gần sáng để đi đánh bắt cá.

Buổi sáng đi học về, cơm trưa xong anh em tôi tranh thủ xách dầm và cầm thêm cái liềm xuống bến, chèo xuồng qua ruộng. Trước hết, chúng tôi chống xuồng tìm những chỗ “phải thế” (đoán là có cá lớn trú ngụ), vạch chỗ đặt lờ. Đây là loại lờ đặt ngầm trong nước để bắt cá lớn, còn gọi là “lờ bóng” (không phải lờ “bánh ú” đặt cá sặc).

Đặt lờ xong, chúng tôi chống xuồng vào những đám ruộng bà con đã thu hoạch lúa mùa, tìm chỗ vạch luồng giăng lưới. Thấy chỗ thuận tiện, anh em tôi dừng xuống ruộng, đứa cắt gốc rạ, đứa gom tém gốc rạ vừa cắt cho sạch thành một luồng thẳng để giăng lưới.

Vì vậy, vừa giăng hơn một trăm thước lưới xong, anh em tôi vội về nhà đào trùn đi cắm câu đêm. Đào mồi (trùn) xong, anh em tôi vác hơn một trăm cần câu qua đồng ruộng (cũng gần chỗ giăng lưới), móc mồi cắm câu.

Trời sắp tối, anh em tôi chống xuồng thăm lưới, thăm lờ. Do đặt lờ, giăng lưới trong buổi chiều, thời gian ngắn, nên cá dính chưa nhiều. Mặc dù vậy cũng dư cá cho gia đình ăn bữa cơm tối. Cơm nước xong, anh em tôi chong đèn dầu học bài.

Khoảng chín giờ đêm, sợ cá dính lưới để qua đêm chết ngộp, anh em tôi đứa mang đụt, cầm đèn lúp, đứa xách dầm xuống bến, chèo xuồng đi thăm lưới. Để kịp giờ đi học buổi sáng, hơn 4 giờ là anh em tôi dậy, xách đèn lúp đi cuốn câu, thăm lưới, thăm lờ…

Sau thời gian nước lụt, cá ăn đầy đủ, mập béo, anh em tôi cắm câu, giăng lưới, đặt lờ gì cũng được cá ngon. Mang cá về nhà, anh em tôi giao cho chị tôi lo liệu, còn chúng tôi vội đi tắm rửa, ăn nhanh chén cơm nguội, rồi “ba chân, bốn cẳng” đến trường cho kịp giờ học.

Tháng mười âm lịch, nhất là từ lúc rã lụt cho đến tận tết nguyên đán, việc đánh bắt cá trên cánh đồng quê tôi rất thuận lợi. Cực mà vui, có thêm thu nhập nên bà con quê tôi khi ấy rất khoái mùa nước “rã lụt”. Từ khi chuyển qua sạ lúa ngắn ngày, mỗi năm làm hai vụ lúa, vào mùa nước lụt, cánh đồng quê tôi bị bỏ trống không.

Những năm sau này, con cá đồng ngày càng hiếm dần dần đi. Ngày nay dù lụt nhấp, hay lụt chính thức, kể cả khi nước rã lụt, kiếm được con cá đồng trên cánh đồng quê tôi rất gian nan, như lời than của anh giăng lưới mà tôi vừa gặp trên cánh đồng quê mình.

T.L

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nho-mua-ra-lut-a139605.html