Nhớ mùa tháng Giêng năm cũ

Hết Tết, chuẩn bị túi xách, đồ đạc, đưa hai đứa con trở lại Sài Gòn, bà nội ngồi trầm ngâm, thoáng chút buồn nhưng không che khuất niềm vui trong bụng vì thấy các cháu đã trưởng thành. Nội đưa tay vuốt tóc cu cháu: Lên trển học giỏi, làm giỏi, chú ý giữ gìn sức khỏe, Tết năm sau dẫn cháu dâu về ra mắt nội nghen!

Đưa hai đứa con ra bến xe, tôi cũng dặn dò mấy câu giống như bà nội rồi vẫy tay nhiều lần như củng cố niềm tin… Chiếc ô tô giường nằm đi về hướng thành phố, đám đông xe máy quay đầu, rồ ga chạy về nhà, xe nào cũng chỉ một người, không có thùng hàng, giỏ xách và người ngồi sau như lúc đi từ nhà ra bến. Mấy chú công an đứng bên ngã ba cũng mỉm cười, chở con đi, tay xách nách mang, nồng độ đâu có mà kiểm tra cho mất thời gian…

Tôi cũng vậy, một mình một xe, về nhà thấy trống vắng hơn hôm qua, vắng hơn những ngày giữa năm, chút cảm giác chông chênh khi không khí Tết vẫn còn, hoa xuân vẫn khoe sắc ngoài vườn, trẻ con vẫn còn khoe áo mới…

Ngồi một mình trước hiên nhà, nhìn ra khoảng sân rộng, bóng nhà che mát phân nửa, nửa còn lại nắng loang lấp ló. Chỗ này, trước đây thường có lúa phơi vào những ngày sau Tết. Bao kỷ niệm về tháng Giêng xưa lại hiện rõ dần rõ dần trước mặt…

Nhà tôi, xóm tôi, hồi ấy, gần như tháng Giêng là tháng “không ăn chơi…”. Nhờ vậy mà cha mẹ tôi dù con đông, thiếu thốn trăm bề nhưng anh em tôi vẫn được ăn học từ trường làng đến trường tỉnh.

Hồi ấy, cứ Tết đến, tôi và mấy anh chị được mặc đồ mới, đi chơi hai ngày mùng một và mùng hai, đến mùng ba, mùng bốn thì dù muốn dù không cũng phải bắt tay vào công việc cùng cha mẹ, năm nào cũng vậy lâu dần cảm thấy quen…

Sáng mùng bốn, mẹ tôi dậy sớm nấu nồi cơm to, cả nhà ăn no bụng với những món ngon ngày Tết mới cúng đốt giấy hôm qua được hâm nóng bốc khói, thơm lựng. Ăn xong, ai dụng cụ nấy bắt đầu đi cắt lúa nước giai (lúa một vụ, ăn nước trời). Mẹ tôi thì quảy gióng thúng, một đầu đựng đồ ăn, nước uống, bánh, cốm… và mấy cái câu liêm, đầu còn lại là cái nia dựng đứng. Anh chị tôi mỗi người quảy một đôi gióng, vài cái bao, cha tôi vừa quảy gióng vừa vác thêm mấy cái cào cỏ. Riêng tôi thì cầm roi, lùa đàn bò đi trước, tiến về phía đồng Xe gần bên sông Bánh Lái, cách nhà khoảng năm cây số. Ruộng nước giai (nước trời) đa số là gần núi chứ không gần nhà. Việc cắt lúa nước giai thường kéo dài cả tuần mới xong vì hồi ấy cắt lúa bằng tay, đạp lúa bằng chân rồi đưa lúa và rơm về bằng gióng gánh. Tất cả mọi việc đều làm thủ công chứ không có máy móc hỗ trợ một công đoạn nào.

Mẹ và mấy chị cắt lúa, cha và anh đạp lúa, tôi trông chừng mấy con bò, thỉnh thoảng cũng cầm gậy đập vài bó qua loa rồi lục giỏ kẹp tìm miếng cốm, bánh thuẫn hay rim gừng; giữa đồng rộng, những món này bỗng ngon đến kỳ lạ… Công việc diễn ra cả ngày, trưa thì vào gốc cây nghỉ mát, ăn cơm dỡ xong người lớn ngả lưng nghỉ dưới bóng cây, hứng gió nồm hiu hiu thổi. Bọn trẻ chúng tôi lùa bò xuống sông tắm mát, ngụp lặn cả buổi trưa không biết chán. Cũng nhờ vậy mà đứa nào bơi cũng giỏi.

Chiều, từng đoàn người kẽo kẹt gánh lúa về. Về nhà, tắm táp xong, cơm mới, rau vườn, thịt ngâm mắm… ăn no bụng, sau đó rủ nhau đi xem cải lương. Người ta dừng bồ biến sân kho hợp tác xã trở thành rạp lộ thiên. Lũ trẻ rủng rỉnh tiền lì xì, mạnh dạn ăn chè, uống nước mía, vừa nhai bắp nướng vừa xem cải lương…

Khoảng rằm tháng Giêng, kết thúc việc cắt lúa nước giai là cha tôi bắt tay vào việc cày đất chuẩn bị trỉa đỗ, gieo mè… Công việc cứ liên tục, mùa này qua, vụ khác tới nhưng chỉ có mùa xuân là được cày cuốc dưới tiết trời dễ chịu nhất, nắng vừa đủ ấm, mưa vừa đủ ẩm, gió vừa đủ mát, lòng người vui vẻ, cây trái tốt tươi.

Những câu ca dao nói về mùa xuân như: “Tháng Giêng ăn nghiêng bồ thóc” hay “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” ở quê tôi người ta không áp dụng, nếu có thì cũng ở cái thuở xa xưa nào tôi không biết. Từ lúc tôi biết nhớ đến giờ cũng có nghe người lớn đọc những câu ca dao này nhưng miệng đọc mà tay chân thì làm không nghỉ. Tôi còn nhớ ngày Tết hồi ấy, chỗ bản tin gần trụ sở xã còn có câu:

“Vui xuân không quên sản xuất

Sản xuất nhiều xuân khác sẽ vui hơn”.

NGÔ TRỌNG CƯ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234497/nho-mua-thang-gieng-nam-cu.html