Nhớ mùa Thu lịch sử
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày mồng 2 tháng 9 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Sự kiện lịch sử trọng đại long trời lở đất này đã thay đổi căn bản vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế, đưa nhân dân ta từ chỗ bị áp bức, bóc lột trở thành chủ nhân của đất nước. Giữa không khí vui mừng trào dâng khôn xiết đó, ngay lập tức, rất nhiều bài thơ đã nhanh chóng được ra đời, thể hiện niềm hạnh phúc lớn lao của toàn dân tộc và ca ngợi đất nước, ca ngợi cách mạng với một tinh thần phơi phới, hân hoan.
Trong số đông đảo các nhà thơ xuống đường cuốn theo dòng cảm xúc của mùa Thu lịch sử đó, Tố Hữu vẫn luôn là lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng. Lúc ấy, ông cùng với Trần Huy Liệu được phân công nhiệm vụ trở về Huế để thay mặt cách mạng tiếp nhận chính quyền từ tay vua Bảo Đại. Chính vì vậy, Tố Hữu càng hiểu ý nghĩa hết sức to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhà thơ cùng hòa vào niềm vui triều dâng thác lũ của dòng người cuồn cuộn giữa không gian của Huế tháng Tám tràn ngập cờ đỏ sao vàng tung bay trong luồng gió cách mạng.
Trước đó, Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ ca lãng mạn, luôn đề cao cái tôi cá nhân chật hẹp nhưng Cách mạng Tháng Tám đã làm thay đổi nhận thức, thay đổi thế giới quan của Xuân Diệu, giúp những câu thơ của ông được “lột xác”, mang một dáng vóc mới cùng một khẩu khí mới: “Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng/ Những ngực nén hít thở ngày độc lập/ Nghìn lực mới bốn phương lên tới tấp/ Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca”...
Chỉ khi có Cách mạng Tháng Tám thì trong thơ Xuân Diệu mới thấy sự xuất hiện của những con người cần lao, lầm than như: chị bán củi, anh kéo xe, em bé đánh giày... Những con người ấy vốn đã mang sẵn trong mình tinh thần cách mạng, nay mới được bùng ra, vươn dậy. Họ đều phấn khởi, tích cực góp phần của mình để làm nên thắng lợi của cách mạng, làm nên một Việt Nam tươi thắm màu cờ đỏ sao vàng: “Chị bán củi ra thị thành đón lấy/ Anh kéo xe làm giấy dán trên mui/ Em bé con hì hục cố pha mùi/ Ông lão đón mớ lửa hồng vào dạ/ Có mấy bữa mà Việt Nam thắm cả/ Máu nén lâu từ ấy đã bùng ra/ Những túp lều xơ xác cũng ra hoa/ Những gốc cũ nảy một chồi sống mới/ Cả anh dũng đã tưng bừng trở lại/ Một trăm năm tan tác tựa mù sương” (Ngọn quốc kì).
Tổng khởi nghĩa liên tiếp giành thắng lợi trên cả nước, giúp cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công nhanh chóng. Để khẳng định quyền độc lập, tự do chính đáng của dân tộc mình trước toàn thế giới, ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, giữa Quảng trường Ba Đình vàng tươi sắc nắng, tràn ngập cờ đỏ sao vàng và hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho đồng bào cả nước, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giữa không khí trang nghiêm và xúc động đó, nhà thơ Tố Hữu cảm nhận: “Trời bỗng xanh hơn nắng chói lòa/ Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta/ Bốn phương chắc cũng nhìn ta đó/ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!”...
Đất nước Việt Nam đã bước sang một trang sử mới tươi sáng hơn. Cả nước đều hướng về Bác và ánh mắt của Người nhìn thấu khắp non sông. Và bốn biển năm châu đều ngưỡng vọng hướng về Việt Nam. Tất cả cùng sung sướng reo lên: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!... Đó là lời khẳng định thành quả quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Tám 1945, khẳng định niềm hạnh phúc lớn lao của toàn dân tộc...
Đã 78 năm trôi qua, mỗi lần đọc lại Huế tháng Tám, Ngọn quốc kì và nhiều bài thơ khác ra đời giữa mùa Thu lịch sử năm 1945, chúng ta lại được sống trong không khí tưng bừng, phấn khởi của những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9. Tinh thần cách mạng, hào khí cách mạng sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam. Để mỗi độ Thu về, chúng ta lại bồi hồi được đi dưới bóng cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay giữa bầu trời trong xanh nắng vàng rực rỡ...
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nho-mua-thu-lich-su-post465092.html