Nhớ Mùa xuân đầu tiên...
Đất nước lại vào Xuân. Đặc biệt, năm nay tròn 50 năm cả nước đón mùa Xuân hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Xuân 2025 cũng là dịp giới văn nghệ sĩ, truyền thông và những người yêu nhạc, họa thơ kỷ niệm 30 năm người nhạc sĩ tài hoa lận đận Văn Cao về 'thế giới người hiền'.
1. Nói Văn Cao tài hoa, bởi không tính đến vô số ca khúc đi vào lòng người như Thiên thai, Suối Mơ, Trương Chi, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội… chỉ riêng bài Tiến quân ca được chọn trở thành Quốc ca suốt từ khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945 đến nay đã đủ khẳng định tài năng và vị trí của ông trên văn đàn nước nhà. Nói Văn Cao lận đận, thì hành trình 47 năm đi đòi quyền tác giả bài Tiến quân ca, kể từ khi ca khúc được chọn làm Quốc ca cho đến khi Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả đưa ra kết luận chính thức vào năm 1992, đã hình dung bao nỗi chua xót của người nhạc sĩ. Một ca khúc khác của Văn Cao cũng có số phận lận đận như “cha đẻ” của mình, đó là bài hát Mùa Xuân đầu tiên, từng bị “phong sát” suốt 20 năm.
Cuối năm 1975 sau khi đất nước thống nhất, cả nước chuẩn bị bước vào mùa Xuân hòa bình, độc lập đầu tiên sau 30 năm kháng chiến. Trong bầu không khí hạnh phúc ấy, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác Mùa Xuân đầu tiên. Đặc biệt, đây là lần chính thức sáng tác trở lại của ông kể từ sau sự kiện Nhân Văn - Giai phẩm 1966-1968, cho thấy tâm trạng hứng khởi của người viết đã vượt qua những cảm xúc thông thường.
Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn
Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về…
Trên nền điệu valse dặt dìu, Mùa Xuân đầu tiên có ca từ thoạt nghe cũng thật bình thường, thể hiện những điều cũng hết sức bình thường. Mùa Xuân thì có chim én bay về, khói bay trên sông, tiếng gà gáy trưa, đó là lẽ thường của vạn vật. Có lẽ chính vì những điều ấy mà ca khúc “gặp nạn”. Bởi thời điểm đó bên cạnh những ca khúc sôi nổi, hào hùng như muốn cuốn hòa vào niềm vui chung của toàn dân tộc như Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Như có Bác trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng) thì giai điệu, ca từ của Mùa Xuân đầu tiên quá đỗi nhẹ nhàng.
Dẫu biết trong lĩnh vực nghệ thuật không thể có một khuôn mẫu chung cho tất cả các tác phẩm, mà mỗi người sẽ có những cảm nhận, yêu thích riêng, nhưng Mùa Xuân đầu tiên vẫn không chịu nổi những định kiến ở thời điểm đó, bị ẩn giấu suốt gần 20 năm mới “vượt ngàn chông gai” để đến với công chúng.
Ai đã từng trải qua những gian nan, đau thương mất mát bởi chiến tranh, bởi khói súng có lẽ sẽ không bao giờ quên được mùa Xuân đầu tiên với những điều hết sức bình thường nhưng đã từng là niềm ao ước mãnh liệt của nhiều người, nhiều gia đình.
Minh châu có phủ bụi trần thì vẫn tỏa sáng. Mùa Xuân đầu tiên dù xuất hiện muộn màng nhưng ngay lập tức chinh phục tâm hồn người nghe đến tận ngày nay, chứng tỏ sức sống vượt thời gian của mình.
2. Mùa Xuân năm Bính Thìn 1976 là sự kiện hết sức đặc biệt đối với quê hương, đất nước. Và hòa trong không khí chung của toàn dân tộc là niềm vui cũng hết sức đặc biệt của nhiều gia đình nhỏ khác. Trong đó có gia đình cô Ba Huỳnh Thị Giác ở Phước Long (nay là xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch). Những năm trước vì chiến tranh, đại gia đình họ Huỳnh ly tán khắp nơi. Ông Sáu Cường cùng với 2 người em Tám Hùng, Chín Tấn tham gia kháng chiến, ở căn cứ Huyện ủy Long Thành nhưng khác đơn vị nên cũng ít khi gặp nhau. Một người em nữa là Bảy Phượng cùng chồng là ông Tư Hy khi thì công tác ở Chiến khu Đ, lúc thì về Bà Rịa. Người chị Năm Thế cùng chồng Lê Duy Linh và con gái lớn Hai Hoàng đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, con gái kế là Ba Oanh cũng thoát ly vào căn cứ. Ngôi nhà chung của đại gia đình ở Phước Long (huyện Nhơn Trạch) chỉ còn mỗi cô Ba Giác, nhưng cô lại gánh vác trách nhiệm nặng nề: nuôi dưỡng bầy cháu thơ, con của các em. Cứ thế, mỗi ngày cô vừa chạy gạo nuôi cháu, vừa thấp thỏm lắng nghe tiếng súng địch đi càn mà lo lắng cho các em, ráng dành dụm từng đồng để tiếp tế các em khi có dịp. Rất nhiều năm vợ chồng, con cái, anh chị em không được ở gần nhau, nói gì đến sum họp ngày Tết.
Ngay cả sau đại thắng ngày 30-4-1975, gia đình vẫn chưa được đoàn tụ. Ông Sáu công tác ở Liên đoàn Lao động tỉnh tại Biên Hòa, bà Sáu tiếp tục làm công nhân cao su ở Bình Sơn (huyện Long Thành), Tám Hùng là thương binh an dưỡng ở miền Bắc, vợ chồng Bảy Phượng công tác ở tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, các cháu vẫn tiếp tục sống với cô Ba Giác. Mãi đến Tết Nguyên đán năm 1976, đại gia đình họ Huỳnh mới lần đầu tiên được quây quần bên nhau. Nói sao hết được niềm vui tràn nước mắt của những ngày ấy. Cô Ba Giác, người bao năm đã thay cha mẹ nuôi nấng đàn em, rồi lại thay các em nuôi dưỡng cháu, đã cười trong nước mắt khi ôm các em trong vòng tay. Với những gia đình khác, cùng người thân hội ngộ ngày Tết là điều bình thường, nhưng đó lại là mong ước đau đáu của cô Ba Giác trong hàng chục năm trời.
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh...
Mùa Xuân đầu tiên ấy, lần đầu tiên đại gia đình sum vầy, những người mẹ, người chị như cô Ba Giác không còn phấp phỏng khi nghe tiếng chó sủa ran đầu ngõ, không còn bồn chồn lắng nghe tiếng pháo xa. Vậy đó, hình tượng “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông” thật yên bình nhưng cũng quý giá biết bao, đánh đổi bằng mất mát, chia ly của hàng triệu gia đình.
Mùa Xuân đầu tiên ấy có lẽ không chỉ thiêng liêng đối với gia tộc họ Huỳnh, mà còn với rất rất nhiều gia đình khác. Chẳng hạn như gia đình cố Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - đại tá Lê Bá Ước. Vợ chồng chú Bảy Ước đều tham gia kháng chiến, các con phải về nhờ nội, ngoại nuôi giúp. Rồi thím hy sinh. Cùng hoàn cảnh tan đàn xẻ nghé ấy là gia đình thím Vân. Nhờ tổ chức tác hợp, chú Bảy và thím Vân xây dựng với nhau, đôi vợ chồng - đồng chí sát cánh bên nhau cho đến ngày đất nước thống nhất nhưng vẫn chưa được đoàn tụ. Cũng mãi đến dịp Tết Nguyên đán 1976 ấy chú Bảy và thím Vân mới bắt đầu hành trình “hội quân”, đón con anh, con tôi, con chúng ta từ khắp nơi về lại một nhà.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong Xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người…
3. 50 năm đã trôi qua, vẫn nhớ mãi mùa Xuân Bính Thìn 1976. Và từ mùa Xuân đầu tiên ấy, đất nước đã trải qua những mùa Xuân sau ngày càng phát triển, phồn vinh, hạnh phúc!
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202501/nho-mua-xuan-dau-tien-6cd4dd1/