Nhớ ngày Bác Hồ về Làng Sảo
Tháng 8 -1945, trước khi rời căn cứ địa Tân Trào (Tuyên Quang) về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một số đồng chí ở lại củng cố chính quyền, các cơ sở Đảng, giúp dân xây dựng đời sống mới với lời căn dặn: 'Biết đâu ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào lần nữa'. Chỉ sau đó 2 năm, sự trù liệu 'biết đâu…' của Bác đã thành hiện thực.
Trong cuốn hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên” Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể câu chuyện giữa ông và Bác Hồ về nhận định tình hình kháng chiến chống Pháp, có đoạn: “Người suy nghĩ giây lát rồi nói: Ta lại trở về Tân Trào”.
Và ngày 2/4/1947, làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương vinh dự đón Bác trở lại, để cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Làng Sảo cách huyện lỵ Sơn Dương ngày nay 2 km về hướng đông bắc (nằm phía trái tuyến quốc lộ 37 từ Tuyên Quang đi Thái Nguyên), giáp với xã Bình Yên. Ngày ấy, làng chỉ là một xóm nhỏ với 15 nóc nhà của đồng bào dân tộc Tày; rừng rậm rạp, nhưng có nhiều đường mòn đi lại thuận tiện cả trong vùng ATK - Tân Trào, sang Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên).
Hồ sơ di tích Làng Sảo đã được Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 2000 ghi rõ: “Đêm ngày 2/4/1947, ông Chu Quý Lương, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương giao nhiệm vụ cho các đồng chí lãnh đạo xã Hợp Thành lúc bấy giờ là Ma Văn Thư, Chủ tịch xã; Ma Văn Hạ, Phó Chủ tịch và Lương Văn Cảnh, La Văn Vạn, Ma Kim Ngọc đi đón Bác Hồ từ đồn Đăng Châu về nhà ông Ma Văn Hiến ở và làm việc...”
Trong thời gian ở và làm việc tại làng Sảo, Bác Hồ đã chủ trì nhiều cuộc họp bàn và quyết đáp những vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến; chỉ đạo xây dựng và củng cố chính quyền, quân đội, kinh tế, văn hóa xã hội; đặt cơ sở cho việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Nhà nước dân chủ.
Từ ngày 03 đến ngày 06/4/1947, Người chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng, rút kinh nghiệm những tháng đầu toàn quốc kháng chiến, tiếp tục khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh của Đảng ta và yêu cầu khẩn trương di chuyển các cơ quan lên Việt Bắc.
Ngày 7/4/1947, Bác viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhắc phải làm gấp việc di chuyển các Bộ từ Hà Nội lên Việt Bắc. Người dặn “Đường đi khó, dù có xe hơi chưa chắc đi được. Tốt nhất là dùng xe bò, xe ngựa”. Người còn viết thư gửi ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương di chuyển cơ quan và máy móc lên Việt Bắc để chủ động phòng quân Pháp tấn công.
Ngày 9/4/1947, Bác viết thư gửi ông Hoàng Hữu Nam thông báo tin quân địch chuẩn bị tấn công và chỉ thị “nhân viên và tài liệu Chính phủ phải rời ngay về nơi an toàn. Lúc rời phải hết sức bí mật, chỉ một số người rất ít, rất cần thiết ở lại, nhưng cũng phải chuẩn bị sẵn sàng”.
Ngày 19/4/1947, Người chủ trì phiên họp của Hội đồng Chính phủ, trọng tâm bàn về vấn đề ngoại giao, Người cũng yêu cầu tất cả các vị Bộ trưởng nhanh chóng chuyển vào an toàn khu càng sớm càng tốt.
Từ đó, địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có 65 bộ, ban, ngành và các cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc tại hàng trăm địa điểm khác nhau như: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ, Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt… Tuyên Quang trở thành Thủ đô Kháng chiến của cả nước.
Tại Làng Sảo từ ngày 2/4 đến 19/5/1947, Bác Hồ đã ở các địa điểm: nhà ông Lê Văn Hiến, lán 1 - căn lán nhỏ của gia đình bà Đinh Thị Tư, lán 2 - cách lán 1 khoảng 100 mét. Ngày sinh của Bác, các đồng chí phục vụ muốn tổ chức một bữa ăn tươi, nhưng Người từ chối: “Công việc kháng chiến còn nhiều khó khăn, vất vả. Khi nào kháng chiến thành công, về Hà Nội, các chú tổ chức sinh nhật Bác cho đàng hoàng”. Cùng ngày hôm đó, Người rời làng Sảo chuyển đến nơi ở mới. Tháng 4/2000, Khu Di tích làng Sảo đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia.
Hơn 70 năm qua, người dân làng Sảo vẫn luôn tự hào được đón Bác về những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Cây đa, giếng nước xưa tại Làng Sảo nay vẫn còn cùng với câu ca Làng Sảo có gốc cây đa/Tân Trào, Hồng Thái đều qua đường này.
Thái An
(Theo cuốn Di tích lịch sử - lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Tuyên Quang)