Nhớ ngày Hiến chương mùa lũ
Tháng 11, sắc hoa đang tràn ngập khắp phố phường. Những cánh hồng đỏ thắm, đồng tiền vàng tươi, cẩm tú cầu tim tím trưng ra dọc mọi nẻo đường chờ đợi lớp lớp thế hệ học trò trao tặng thầy cô giáo thay lời tri ân.
Đất trời xứ Huế quê tôi đang trở mình với cơn mưa dầm dề không dứt sau những ngày bão dông nối dài. Và ngày hội lớn của dân tộc sẽ ướt tràn những cánh hoa tươi thắm.
Nhìn sắc hoa phơi phới và lòng người chộn rộn về ngày tết của thầy cô, một miền ký ức xa thẳm lại ùa về trọn vẹn như thước phim quay chậm, chậm rãi mà đong đầy yêu thương và trân quý.
Hồi ấy, ngày Hiến chương Nhà giáo ở quê tôi thường đến kèm mưa giông, bão lũ. Câu nói của ông cha từ ngàn xưa ứng nghiệm đến không ngờ: “Ông tha mà bà chẳng tha/ Bà cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Tháng mười âm lịch thường rơi đúng vào ngày Hiến chương, vậy là lễ tri ân nào cũng ướt nhẹp. Hiếm hoi lắm mới có một ngày lễ nắng ráo đẹp trời mừng cho cả thầy lẫn trò. Nhưng dù thời tiết khắc nghiệt thế nào, mưa dầm dề hãy lũ tràn trề thì ngày hội của lũ học trò quê tôi vẫn xôn xao và náo nhiệt như thường.
Học trò vùng quê ngày ấy nghèo lắm. Đa số bọn trẻ đến trường còn mặc lại quần áo cũ của anh chị, dùng lại sách vở cũ của anh chị. Vậy nên, những món quà đắt tiền hay những lẵng hoa lộng lẫy như hôm nay chẳng dám mơ đến.
Chúng tôi góp tiền theo lớp hoặc theo nhóm, mỗi trò vài trăm đồng gom lại cũng đủ mua cho thầy cô xấp vải áo, bộ tách trà, vài quyển sổ và bút. Quà đơn sơ, mộc mạc như chính tấm lòng của lũ học trò nơi thôn quê còn khốn khó.
Vui nhất vẫn là những cuộc tụ họp, hẹn họ và “kéo quân” đi tìm nhà thầy cô. Đa số giáo viên từ nơi xa về trường dạy dỗ nên mỗi dịp thăm cô thầy là một chuyến du lịch thú vị.
Nhớ nhất là ngày Hiến chương năm chúng tôi học lớp tám. Sáng, lũ tràn về, nước dâng mấp mé con đường lớn. Bố mẹ ngăn bước chân con ra khỏi nhà. Nhưng đứa nào cũng bao biện “Qua ngày lễ là mất không khí, thầy cô buồn lắm…” và chuồn khỏi nhà trước ánh mắt bất lực của bố mẹ.
Trời bỗng nhiên tạnh mưa, cả bọn hí hửng mang dép lê phòng lúc về lội lụt cho dễ và tay xách nách mang quà cho cô giáo chủ nhiệm được gói ghém cẩn thận trong mấy lớp ni lông. Những chiếc xe đạp chở hai lăn bánh lên thành phố, đưa theo đám trẻ nhà quê háo hức, thơ ngây.
Vừa đạp xe vừa dò đường thì trời bỗng mưa như trút nước. Lật đật quàng vội chiếc áo mưa, bánh xe bắt đầu xiêu vẹo dưới sức đẩy của gió giật phần phật và nước mưa táp vào mắt cay xè.
Loanh quanh một hồi cũng đến nhà cô giáo, cô mở cửa đón đàn con nhỏ trong ánh mắt sửng sốt và cảm động. Líu ríu dắt xe vào nhà cô, mấy đứa đùn đẩy nhau bước qua bậc cửa. Bởi ai cũng ướt nhẹp từ từ đầu xuống chân, vào sợ ướt nền nhà cô.
Cô lắc đầu trách cứ sao mưa gió thế này còn đi xa, cô biết tấm lòng của trò là đủ và sự ngoan ngoãn, chăm học là món quà quý nhất của thầy cô… Lòng người thầy bao giờ cũng thế, cần mẫn “đưa đò” và không đòi hỏi “người qua sông” phải ghi tạc chữ ân, khắc sâu chữ nghĩa.
Đến lúc cô sờ tấm áo của mấy bạn mới giật mình hốt hoảng, cả bọn ướt loi ngoi như chuột. Vậy mà ánh mắt của đứa nào cũng sáng ngời niềm vui. Cô dọn mâm cơm của gia đình ra, bắt mỗi đứa ăn nửa chén và lót dạ thêm bánh kẹo, mì tôm… tất tần tật cái gì có thể ăn được trong nhà cô đều dọn ra cả. Tiễn học trò ra về, cô dặn đi dặn lại đạp xe cẩn thận, đừng mải mê lội nước và nhớ về nhà ngay. Cả bọn rối rít “dạ”, “dạ”…
Về đến đầu làng, nước dâng lên quá đầu gối, đoạn nào đường thấp thì nước đã cao ngang thắt lưng. Bố mẹ một vài đứa kéo xuồng ra đợi con, hì hụi đẩy lũ trẻ qua đoạn nước sâu và dặn dò từng đứa trở về nhà.
Con nít mà, còn ham vui lắm. Nước lũ dâng vẫn muốn đi thăm thầy cô, chẳng biết nỗi lòng của phụ huynh bất an. Và bọn trẻ con ấy cũng chưa thấm thía được thái độ lo lắng của cô giáo trong từng lời căn dặn. Điện thoại hồi đó cũng không phổ biến như bây giờ để mà gọi và nhắn với cô rằng trò về nhà bình an. Có lẽ nỗi lo cho sự an toàn của học trò khi nước lũ dâng đã đeo đẳng trong lòng cô suốt ngày lễ lớn kia…
Thời gian thấm thoát trôi nhanh quá. Mới đó mà những ngày Hiến chương mùa lũ giờ đã thành kỷ niệm đẹp lung linh của thế hệ 8x chúng tôi. Để rồi mỗi khi dòng ký ức được gợi lên, lòng biết ơn và nỗi nhớ về những người thầy năm xưa lại ùa về trọn vẹn.
Thầy cô ơi, đến tận bây giờ và mãi mãi về sau, lời tri ân của chúng con vẫn vẹn nguyên, tinh khôi như ánh nắng buổi sớm mai…/.
Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/nho-ngay-hien-chuong-mua-lu-906133.vov