Nhớ Nghệ nhân nhân dân đầu tiên của Long An

Nghe tin Nghệ nhân nhân dân (NNND) Đặng Quốc Vân (Bảy Vân) qua đời trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP.Tân An đang thực hiện giãn cách xã hội, giới đờn ca tài tử trong tỉnh Long An xót xa. Bạn bè, tài tử đau đáu vì không thể đến thắp nén nhang tiễn biệt bậc đàn anh, một 'cây đa, cây đề' của làng tài tử Long An.

Người sống chẳng phật lòng ai

Nghệ nhân Bảy Vân là người đầu tiên của Long An nhận danh hiệu NNND. Ông là nghệ nhân được yêu mến trong giới đờn ca tài tử tỉnh nhà. Nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh - Huỳnh Công Lý (thường được giới tài tử trong tỉnh biết đến là tài tử Chín Lý, con nuôi của NNND Bảy Vân) xót xa chia sẻ: “Hay tin ông già mất, tôi ngay lập tức tới thăm ông lần cuối. Nhưng do dịch bệnh nên tôi cũng vội vã, chỉ kịp nhìn tiễn biệt ông rồi lại phải quay về”. Với tài tử Chín Lý, NNND Bảy Vân là người thầy tôn quý, tình cảm gắn bó như người nhà.

Từ những năm 1990, ông Chín Lý đã là học trò của nghệ nhân Bảy Vân. Ông vẫn nhớ như in những buổi chiều sau giờ làm việc, ông đến nhà cha nuôi, cha đờn, con ca không biết bao nhiêu bài bản. Sau đó, do điều kiện công tác, ông không còn nhiều thời gian dành cho đờn ca tài tử nhưng tình cảm với người cha nuôi thì vẫn khắng khít, đậm sâu. Ông nói: “Ông già Bảy không chỉ giỏi mà còn hiền lắm nên anh chị em tài tử quý ông lắm!”.

Có thể nói, trong giới tài tử Long An, NNND Bảy Vân không phật lòng ai. Các bậc hậu bối đều nói rằng ông là người hiền lành và vui tính, lại rất nhiệt tình khi truyền nghề cho thế hệ sau. Khi dạy học trò, ông không chú trọng chuyện tiền nong. Ai muốn học, ông sẵn lòng truyền dạy, ai khó khăn quá thì không cần đóng học phí, mặc dù cuộc sống của nghệ nhân Bảy Vân vốn chẳng khá giả gì. Học trò của ông trong giới tài tử rất nhiều. Trong số đó, có người trở thành nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân ưu tú.

Nghệ nhân nhân dân Bảy Vân hòa đờn cùng Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ

Cả đời yêu Đờn ca tài tử

NNND Bảy Vân gần như dành trọn cả đời mình cho nghệ thuật đờn ca tài tử. Thời còn trẻ, ông hoạt động sôi nổi, truyền dạy nghề cho nhiều lớp học trò. Khi lớn tuổi, ông làm cố vấn cho Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh và vẫn nhận truyền nghề tại nhà cho bất kỳ ai muốn học. Lúc không đờn nổi, ông nghe học trò đờn và sửa, chỉ với mong muốn nghệ thuật đờn ca tài tử mãi được gìn giữ, phát huy.

Nghệ nhân ưu tú Trung Dung vẫn nhớ như in hình ảnh người thầy của mình cách đây 1 tháng khi anh đến thăm ông. Nằm trên giường bệnh, sức khỏe yếu đi nhiều, ông vẫn nhắc nhở hoài những buổi đờn, ca. Ông nhớ cây đờn, nhớ những người bạn đờn. Nghệ nhân ưu tú Trung Dung từng hòa đờn với NNND Bảy Vân trong rất nhiều chương trình khác nhau và luôn nhớ sự nhiệt tình của nghệ nhân. Anh nói: “Lúc đờn chung, bác rất hay chỉ bảo, nhắc bài cho con, cháu. Bác còn có một tập bản đờn viết tay, đánh dấu từng chi tiết để học trò nhìn theo học đờn cho đúng. Tôi vẫn còn giữ một tập do bác tặng”.

NNND Bảy Vân sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông bắt đầu chơi đờn ca tài tử từ năm 15 tuổi. Với tình yêu, lòng ham học hỏi và năng khiếu bẩm sinh, NNND Bảy Vân trở thành tay đờn lão luyện. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ từng nhắc về NNND Bảy Vân như sau: “Anh Bảy Vân là người yêu nghề. Đờn ca tài tử là điều không thể thiếu trong cuộc đời anh. Anh trang trí chữ đờn điêu luyện lại giao lưu rộng rãi, thường xuyên tham gia các chương trình phát thanh, truyền hình nên nhiều người trong giới đều biết đến”.

Nghệ nhân nhân dân đầu tiên của Long An đã về với đất nhưng trong lòng giới đờn ca tài tử, ông vẫn là một vị tiền bối đáng tôn trọng./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nho-nghe-nhan-nhan-dan-dau-tien-cua-long-an-a117509.html