Nhờ Nghị định 168/2024/NĐ-CP, số ca nặng do tai nạn giao thông giảm đáng kể

Là một bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối của cả nước, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông rất đông, nhất là bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, trong 2-3 tuần gần đây, con số này đã giảm đến 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức - Ảnh: VGP/HM

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức - Ảnh: VGP/HM

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, TS.BS Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, trong 2-3 tuần gần đây, do sát thời điểm cận Tết Nguyên đán, lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao nên số lượng người bệnh vào cấp cứu tại Bệnh viện do tai nạn giao thông có gia tăng. Tỷ lệ này tương đương cùng kỳ năm ngoái (2024).

Tuy nhiên, đánh giá về mức độ nặng của các ca bệnh thì có sự thay đổi giảm đáng kể. Nếu trong 2 tuần đầu năm 2024, số lượng bệnh nhân phải mổ cấp cứu do tai nạn giao thông là 738 ca, thì trong 2 tuần đầu năm 2025, con số này đã giảm gần 1/2, còn 408 trường hợp.

Nhờ Nghị định 168/2024/NĐ-CP, số ca bệnh nặng giảm một nửa

Đây là con số thực sự ấn tượng. Theo ông, vì sao con số này giảm đáng kể trong thời gian gần đây?

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng: Những con số này được Bệnh viện thống kê từ số lượng người bệnh tự đến khám cấp cứu, người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên…

Cụ thể, trong 2 tuần đầu năm 2025, có 756 người đến khám cấp cứu trong khi 2 tuần đầu của năm 2024, có 738 người bệnh đến khám cấp cứu tại Bệnh viện. Con số này tương đương nhau, tuy nhiên đánh giá về mức độ nặng thì có sự thay đổi giảm đáng kể.

Trong 2 tuần đầu 2025, số lượng bệnh nhân phải mổ do tai nạn giao thông giảm gần 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: VGP/HM

Trong 2 tuần đầu 2025, số lượng bệnh nhân phải mổ do tai nạn giao thông giảm gần 1/2 so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: VGP/HM

Đó là số lượng người bệnh phải mổ cấp cứu do những chấn thương bắt buộc phải xử lý ngay lập tức đã giảm nhiều. Nếu những bệnh nhân này không được phẫu thuật cấp cứu có thể để di chứng, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.

Nếu như trong 2 tuần đầu năm 2024, số lượng bệnh nhân phải mổ do tai nạn giao thông là 738 ca, thì trong 2 tuần đầu 2025, con số này giảm gần 1/2, còn 408 trường hợp. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân tử vong cũng có xu hướng giảm so với năm ngoái.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở y tế ngoại khoa tuyến cuối trên cả nước, vì vậy số lượng người bệnh đến khám cũng như bệnh nhân nặng "dồn" về từ các tuyến bao giờ cũng đông.

Tuy nhiên, con số này giảm đáng kể trong thời gian gần đây, phần lớn do Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hiệu lực ngay từ đầu năm 2025.

Với những quy định trong Nghị định này, tôi chắc chắn tin rằng, việc chấp hành tham gia giao thông của người dân nghiêm túc hơn rất nhiều và hy vọng trong dịp Tết này, tỷ lệ bệnh nhân bị tai nạn giao thông sẽ giảm mạnh, điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm rất nhiều áp lực đối với các bác sĩ chuyên môn.

Đặc biệt, khi người bệnh bị tai nạn giao thông giảm thì chắc chắn trong các tua trực, các bác sĩ sẽ dành thời gian nhiều hơn cho quá trình điều trị người bệnh hiện tại và có thể triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn với người bệnh.

Nam giới bị tai nạn giao thông thông liên quan nồng độ cồn cao hơn nữ - Ảnh: VGP/HM

Nam giới bị tai nạn giao thông thông liên quan nồng độ cồn cao hơn nữ - Ảnh: VGP/HM

Số ca tai nạn liên quan nồng độ cồn giảm từ 50% xuống gần 13%

Các ca tai nạn giao thông phải nhập viện có liên quan đến nồng độ cồn không, thưa ông?

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng: Tất cả bệnh nhân bị tai nạn giao thông đến khám cấp cứu ở Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đều có xét nghiệm nồng độ cồn thông qua sự phối hợp với các bên như bệnh viện, công an…

Thực tế, vào thời điểm những ngày cuối năm thường diễn ra các bữa tiệc tất niên, các hoạt động chúc tết… nhiều người dân sử dụng rượu, bia trong các hoạt động này, sau đó tham gia giao thông. Vì vậy, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông có liên quan nồng độ cồn trong máu rất cao.

Các năm trước, con số này được ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chiếm khoảng 50%. Tuy nhiên, trong những tuần đầu của năm 2025, tỷ lệ này chỉ còn 12,83% so với tổng số người bệnh đến khám cấp cứu tại Bệnh viện.

Con số này giảm rất nhiều so với năm ngoái.

Nam giới bị tai nạn giao thông thông liên quan nồng độ cồn cao hơn nữ

Những tai nạn giao thông thường gặp là gì, thưa ông?

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng: Các ca bệnh vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thường liên quan đến tai nạn xe máy với xe máy, xe máy với ô tô. Nguyên nhân do lượng ô tô, xe máy lưu thông trong các ngày cận tết gia tăng, do tính chất hối hả, vội vã của nhiều người chuẩn bị đón Tết và do sử dụng nồng độ cồn khi lái xe.

Cũng theo ghi nhận của Bệnh viện, tỷ lệ nam giới bị tai nạn giao thông thường cao hơn nữ giới. Năm 2024, tỷ lệ tai nạn giao thông ghi nhận tại Bệnh viện đối với nam giới trong những tuần đầu năm là 522 ca, nữ là 216 ca; năm 2025 ghi nhận nam 492 ca, nữ là 262 ca.

Điều này có liên quan khi đánh giá nồng độ cồn trong máu, phần lớn số ca liên quan đến nồng độ cồn là nam, nữ rất ít.

Số ca tai nạn liên quan nồng độ cồn giảm từ 50% xuống gần 13% - Ảnh: VGP/HM

Số ca tai nạn liên quan nồng độ cồn giảm từ 50% xuống gần 13% - Ảnh: VGP/HM

Cụ thể, trong đầu năm 2024, có 107 ca tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu thì nam chiếm 106 ca, nữ 1 ca. Thậm chí, có trường hợp có nồng độ cồn ở mức kịch khung, hoàn toàn mất ý thức, kiểm soát.

Còn năm nay, số ca tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu ở nam là 97 ca, nữ không có ca nào. Đặc biệt, tỷ lệ cồn trong máu ở những ca bệnh này có giảm đáng kể.

Uống rượu, bia sau bao lâu hết nồng độ cồn?

Hiện tại, vẫn là thời điểm cận Tết, lưu lượng người dân tham gia giao thông vẫn rất đông. Ông có lời khuyên như thế nào đối với những người dân và Bệnh viện có kế hoạch như thế nào trong việc đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân trong thời gian cận Tết và trong Tết, thưa ông?

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng: Kế hoạch trực Tết là hoạt động thường quy của Bệnh viện. Trong thời gian này, Bệnh viện luôn có kế hoạch chuẩn bị 3 ca 4 kíp, cử các bác sĩ tham gia trực 24/24, đầy đủ các chuyên khoa. Đồng thời có kế hoạch phân lịch trực của các Giáo sư, Phó Giáo sư tham vấn cùng tham gia hỗ trợ hội chẩn ca bệnh khi cần thiết…

Bên cạnh đó, Bệnh viện còn tổ chức các đội trực lưu động trực chiến, phòng trường hợp quá tải thì có thể huy động được ngay lực lượng này. Theo đó, trong thời gian trực, khi được huy động, chỉ sau 20-30 phút, các đội lưu động này phải có mặt tại Bệnh viện để ứng phó với trường hợp quá tải, thảm họa, tai nạn lớn (nếu có).

Ngoài ra, các đội cấp cứu lưu động còn phối hợp với các bệnh viện tuyến dưới trong trường hợp có ca nặng, cần hỗ trợ về chuyên môn. Thậm chí, Bệnh viện cũng chuẩn bị kế hoạch cử các bác sĩ chuyên khoa sâu xuống trực tiếp bệnh viện tuyến dưới để hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết.

Đối với người dân, tôi cho rằng, khi tham gia giao thông, điều quan trọng nhất là việc chấp hành các quy định giao thông một cách nghiêm chỉnh. Điều này là rất cần thiết, ví dụ như đội mũ bảo hiểm, tuân thủ tín hiệu giao thông, tuân thủ tốc độ điều khiển xe…không nên vôi vàng, chủ quan khi tham gia giao thông.

Đặc biệt, khi tham gia giao thông thì không uống rượu, hoặc phải có kế hoạch giãn thời gian uống sau khi tham gia giao thông.

Vậy, thưa ông, khi đã uống rượu, bia sau thì bao lâu mới hết nồng độ cồn và người dân có thể tham gia giao thông an toàn?

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng: Việc này phụ thuộc người đó uống nhiều hay ít, rượu nhẹ hay nặng, nhưng nếu uống say thì kể cả ngủ sau 1 đêm thì tự bản thân người uống cũng tự thấy các triệu chứng của say rượu vẫn còn như đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, người bải hoải… Tất cả các triệu chứng này vẫn là yếu tố nguy cơ gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Với trường hợp uống rượu thì cũng phải sau 24h gan mới có thể đào thải được hết nồng độ cồn.

Việc uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, ăn trứng chần… theo thông tin truyền tai nhau của một bộ phận người dân, nhằm giảm nồng độ cồn trong máu sau khi uống rượu, bia bằng các đường khác nhau như tiểu tiện, mồ hôi… chỉ là biện pháp mang tính tâm lý.

Còn đã uống quá nhiều thì tất cả các giải pháp đó cũng không hỗ trợ nhiều cho việc đào thải nồng độ cồn trong máu. Vì vậy, người dân cần phải kiểm soát việc sử dụng rượu bia của mình khi tham gia giao thông. Tốt nhất là không uống khi tham gia giao thông, để đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình và xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hà (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nho-nghi-dinh-168-2024-nd-cp-so-ca-nang-do-tai-nan-giao-thong-giam-dang-ke-102250124131121082.htm