Nhớ nhà báo cách mạng Lê Vân
Khi còn sống, nhà báo lão thành Lê Vân (nguyên Tổng Biên tập Báo Long An, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh) vẫn nhớ như in những ngày gắn bó với nghề báo, dõi theo từng bước đi, chặng đường phát triển của báo chí tỉnh nhà. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn với đội ngũ những người làm báo. Những đóng góp của ông đối với Báo Long An nói riêng, báo chí tỉnh nhà cũng như cả nước nói chung sẽ mãi được thế hệ làm báo hôm nay và mai sau trân trọng, ghi nhớ, nguyện tiếp bước để giữ vững 'bút sáng, lòng trong'.
Nhà báo Lê Vân tên thật Tạ Lê Vân, sinh năm 1941, quê xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1963, được sự dìu dắt từ người chị lớn (chiến sĩ cách mạng Tạ Thị Thu Hương, từng có 9 năm bị cầm tù tại Côn Đảo), cậu học sinh Lê Vân của Trường Chu Văn An (Sài Gòn) vừa học xong tú tài, tương lai đang rộng mở thì lên đường tòng quân, trở thành phóng viên trẻ của Báo Quyết Tiến (tiền thân của Báo Long An ngày nay) thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Long An. Lúc ấy, tờ báo chỉ có 7 người, gồm 5 phóng viên. Sách báo, tài liệu thì hiếm, cậu học sinh Lê Vân chập chững học cách viết tin, bài từ đàn anh đi trước, bắt đầu sự nghiệp làm báo cách mạng tuy gian nan mà rất đỗi vinh quang của mình.
Cuối năm 1964, bản tin đầu tiên của anh phóng viên trẻ Lê Vân là sự kiện thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An tại xã An Ninh, huyện Đức Hòa; rồi tác phẩm thứ 2 là công tác xây dựng chi bộ, xây dựng lực lượng du kích, đặc biệt là công tác quần chúng của Chi bộ xã An Ninh.
Từ năm 1968, nhà báo Lê Vân phụ trách thông tấn báo chí Phân khu 3 (Nam Long An); năm 1970 là Trưởng bộ phận Thông tấn báo chí Phân khu 2, 3 (Long An), năm 1972 là Trưởng tiểu ban Thông tấn báo chí Long An. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, ông là Tổng Biên tập Báo Long An.
Nhà báo Lê Vân từng kể: Cái tên Quyết Tiến có từ tháng 9/1963 đến năm 1968. Từ sau Mậu Thân năm 1968 đến 1969 có tên gọi Quyết Thắng. Năm 1972, nhà báo Lê Vân làm Trưởng Tiểu ban Thông tấn báo chí Long An thì báo trở lại với cái tên Quyết Tiến khi Phân khu 2, 3 sáp nhập nhưng cũng ra được mấy kỳ thì đến ngày giải phóng. Sau đó, tờ báo có tên gọi chính thức là Báo Long An, duy trì đến ngày nay.
Từ năm 1946, tiền thân của Báo Long An chính là tờ tin Chiến Thắng có từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi ấy, Long An gồm 2 tỉnh Chợ Lớn và Tân An, tờ Chiến Thắng của tỉnh Chợ Lớn, mà đa phần đội ngũ làm báo đều thuộc tỉnh Chợ Lớn nên có thể nói, truyền thống Báo Long An xuất phát từ tờ tin Chiến Thắng.
Năm 1975, Báo Long An chỉ mới ra bản tin, đến năm 1976 thì chính thức ra báo, ban đầu 10 ngày xuất bản 1 tờ, sau đó tăng lên 7 ngày/tờ, mỗi tờ tăng từ 8-10 rồi 16 trang, trong khi lực lượng phóng viên rất ít. Cả tòa soạn từ phóng viên đến các bộ phận gián tiếp chỉ có 20 người. Đặc biệt, giai đoạn năm 1985-1992, mỗi tuần ra 2 kỳ báo vào thứ hai và thứ năm, mỗi kỳ phát hành trong tỉnh 7.000 bản, ngoài tỉnh 12.000-13.000 bản. Ngoài ra, Báo Long An còn có số cuối tuần phát hành hơn 100.000 bản,... Để tăng thu nhập cho anh em, Báo Long An còn có những phụ trương, phụ san thu hút rất nhiều bạn đọc trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Tiến sĩ, nhà báo Giản Thanh Sơn chia sẻ: "Sau năm 1975, tôi được Nhà báo Lê Vân - Tổng Biên tập Báo Long An truyền cảm hứng và dẫn dắt vào nghề viết báo và làm cộng tác viên, rồi chính thức trở thành phóng viên của báo. Sau này, dù không còn công tác tại Báo Long An nhưng tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm một thời làm việc cùng nhà báo Lê Vân.
Với tư cách Tổng Biên tập, nhà báo Lê Vân lúc bấy giờ chủ trương ấn hành nhiều tuần san, phụ san với số lượng cao, như Long An cuối tuần, Bóng đá Long An,... phát hành rộng rãi trong toàn quốc, được độc giả cả nước đón nhận, quy tụ được sự cộng tác của nhiều nhà báo giỏi từ TP.HCM và các nơi. Tổng Biên tập Lê Vân luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho phóng viên tác nghiệp”.
Với cái tâm, bản lĩnh, trí tuệ cùng sự nhạy bén của mình, nhà báo Lê Vân đã có những chiến lược đúng đắn, đưa tờ báo địa phương đến với độc giả tỉnh nhà và vươn xa trong cả nước. Ngày nay, dù báo chí đã có nhiều thay đổi, đa dạng và hiện đại hơn rất nhiều nhưng những kinh nghiệm của thế hệ đi trước như nhà báo Lê Vân vẫn còn nguyên giá trị, là những bài học lớn cho thế hệ làm báo hôm nay học tập, phát huy...
Những đóng góp của nhà báo Lê Vân đối với Báo Long An nói riêng, báo chí tỉnh nhà cũng như cả nước nói chung sẽ luôn được thế hệ làm báo hôm nay và mai sau trân trọng, ghi nhớ.
15 giờ 30 phút ngày 03/01/2023, nhà báo cách mạng Lê Vân vĩnh viễn ra đi ở tuổi 82, để lại niềm tiếc thương vô hạn với đội ngũ những người làm báo. Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt một “cây cao bóng cả” trong làng báo của Long An và xin tiếp bước noi gương một nhà báo cách mạng để tiếp tục xây dựng sự nghiệp báo chí tỉnh nhà ngày càng phát triển./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nho-nha-bao-cach-mang-le-van-a147564.html