Nhớ nhà thơ, NSND Lê Huy Quang.
Sáng 24.8.2023, tới nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội viếng nhà thơ, NSND Lê Huy Quang, tôi gặp nhiều người quen trong giới nghệ thuật, báo chí. Mọi người nói anh bị bệnh nặng lâu rồi nhưng vẫn lạc quan, yêu đời. Hình ảnh nhà thơ Lê Huy Quang in đậm trong ký ức tôi.
Vào một buổi trưa cuối tháng 10 năm 2013, tôi mời anh, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và ông bạn Phạm Vũ Dũng - TBT Tạp chí VHNT- ăn trưa tại câu lạc bộ HS-SV bên hồ Thiền Quang. Anh gọi điện cho tôi và nói: "Anh sẽ đến đúng giờ. Nếu có chai rượu nào ngon nhớ mang đi nhé".
Sau khi chạm cốc, tôi từ tốn thưa chuyện với hai nhà thơ nổi tiếng là Nguyễn Trọng Tạo và Lê Huy Quang về ý định làm bộ phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tên gọi "Vị tướng của nhân dân". Kinh phí sản xuất phim không sử dụng ngân sách nhà nước như thường thấy mà dựa vào sự ủng hộ, đóng góp của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói: "Cách làm phim của em rất ý nghĩa, rất hay. Anh ủng hộ".
Nhà thơ Lê Huy Quang trầm ngâm một lúc và nói: "Em làm anh nhớ lại hồi bọn anh chuẩn bị công diễn vở Bài ca Điện Biên (1984) huy động hàng trăm nghệ sĩ tham gia. Tâm trạng ai cũng hồi hộp, háo hức vì muốn bày tỏ tình cảm đối với Đại tướng. Em muốn thành công, trước hết em phải có tâm. Làm đi. Anh ủng hộ".
Được hai bậc đàn anh nổi tiếng cổ vũ, tôi như được tiếp thêm động lực và tinh thần để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Ngày 27.3.2014, Tạp chí Điện ảnh Việt Nam họp báo chính thức công bố tiến trình làm phim và số tiền do nhân dân ủng hộ. Tại cuộc họp báo, nhà thơ Lê Huy Quang nói: "Điều tôi quan tâm nhất là bộ phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi hoàn thành phải đến được với công chúng. Tôi mong rằng Tạp chí Điện ảnh Việt Nam thực hiện được điều này".
Và mong muốn của nhà thơ Lê Huy Quang cũng như của chúng tôi đã thành hiện thực. Bộ phim đã được VTV và Đài PT-TH một số tỉnh, thành phố phát sóng vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND VN (22.12.2014).
Một buổi sáng tháng 7 năm 2015, nhà thơ đến thăm tôi ở cơ quan mới (Trung tâm Điện ảnh thể thao và du lịch VN). Anh vui vẻ nói "Anh vừa qua Tạp chí Điện ảnh VN thăm em nên mới biết là em về đây. Ở đây cũng hay đấy. Có gì mới không em?".
Tôi tặng anh đĩa CD bộ phim tài liệu "Vị tướng của nhân dân" và khoe với anh:
- Em vừa viết bài thơ "Đứng trước biển", anh xem có được không nhé.
Anh chăm chú đọc và nói: "Vịnh này. Anh không thể ngờ rằng một con người chân chất hạt bột như em mà lại bay bổng, lãng mạn đến thế. Bài thơ này đăng báo được đấy nhưng phải thay tiêu đề bài vì nó trùng tên với tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Anh cười đôn hậu và nói vui "Nhỡ chẳng may có người nói là em vi phạm bản quyền thì phiền cho em đấy. Anh sửa lại là "Biển ơi" nhé".
Và ngày 1.8.2015, nhà thơ Lê Huy Quang điện cho tôi: "Vịnh ơi. Anh đang ở trại sáng tác sân khấu trên Vĩnh Phúc. Báo Văn nghệ đăng thơ của em rồi đấy. Em qua tòa soạn lấy báo và nhận bút nhé!".
Cuối năm 2015, nhà thơ Lê Huy Quang bất ngờ điện cho tôi: "Thế nào, có viết thêm được bài thơ nào không? Nếu có, em gửi anh cả chùm ba bài nhé.".
Và dịp Tết năm 2016, báo Người Hà Nội đăng hai bài thơ của tôi.
Đưa tiễn ANH về trời, tôi thầm biết ơn những nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật, Nguyễn Trọng Tạo và ANH giờ đã đi xa luôn động viên, khích lệ!
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-nha-tho-nsnd-le-huy-quang-a20552.html