Nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung

Ngày 26/9, Hội Nhà văn TPHCM và Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã phối hợp tổ chức chương trình 'Nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung' nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất và nhân dịp cố nhà văn được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

 Đại diện Hội Nhà văn TPHCM và bức tranh chân dung nhà văn Nguyễn Quốc Trung

Đại diện Hội Nhà văn TPHCM và bức tranh chân dung nhà văn Nguyễn Quốc Trung

Viết bằng sự tận hiến âm thầm

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - chia sẻ: "Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quốc Trung quan niệm: Không nghề gì vất vả và thú vị như nghề viết văn. Thực hiện đúng quan niệm ấy, ông đã cúi xuống từng trang bản thảo với tất cả nhiệt huyết và với tất cả sự tận hiến âm thầm. Dáng người cao gầy, khuôn mặt hiền lành mang vẻ khắc khổ quen thuộc, ông đã đi qua năm tháng và để lại tháng năm những tác phẩm chất chứa ưu tư, chất chứa nỗi đau nhưng đầy ắp thương yêu.

Không rao giảng bất kỳ sứ mệnh cao cả nào nhưng ông tự nguyện gánh vác sứ mệnh viết về đồng đội của mình, đồng bào của mình trong sự thăng trầm lịch sử và trắc ẩn ân tình".

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật

Nói đến Nguyễn Quốc Trung, đầu tiên phải kể tới tiểu thuyết Đất không đổi màu - tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Trước đó, cùng với Người đàn bà khóc mướn, tiểu thuyết này từng được trao Giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ nhất (năm 2007). Đất không đổi màu là câu chuyện xúc động và nhân văn về tình yêu thương nhân loại, tình đoàn kết quốc gia láng giềng được thể hiện qua những thân phận nhân vật sống giữa hoàn cảnh lịch sử đặc biệt. Tác phẩm được chắt lọc từ những ngày Nguyễn Quốc Trung và đồng đội vào sinh ra tử trên chiến trường Campuchia, viết từ ký ức đau thương, từ những ám ảnh và cả tình yêu vô bờ với vùng đất mà tác giả đã sống và chiến đấu.

Nguyễn Quốc Trung còn có rất nhiều tác phẩm: Những tia chớp phía chân trời (giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1982), Người đàn bà hồn nhiên, Đêm trừ tịch, Trong tiết thanh minh, Người đến từ nước Mỹ… Đặc biệt, với bút lực qua những tiểu thuyết Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Người đàn bà khóc mướn…, có thể khẳng định anh là tác giả văn xuôi hàng đầu về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam.

Người anh chu đáo, ấm áp

Tôi không muốn nói nhiều đến văn Nguyễn Quốc Trung, khi đã có quá nhiều giải thưởng uy tín văn chương tôn vinh anh, nhiều nhà văn bậc chú, bậc anh nói rất hay về anh. Nhớ Nguyễn Quốc Trung, chợt những kỷ niệm về một người anh, người thầy - nếu gọi đúng tinh thần "một chữ cũng là thầy" thì trong tôi, anh Trung là người như thế.

Chẳng còn nhớ tôi quen biết nhà văn từ lúc nào, bằng cách nào. Hồi đó, anh hỏi tôi viết gì, gửi bản thảo qua email anh xem. Tôi có chút ngạc nhiên, vì nhà văn gặp nhau thường hỏi tặng sách, có khi về đọc hoặc không, chứ không hỏi bản thảo.

Và chỉ mấy hôm sau khi nhận bản thảo, anh Trung hồi đáp email, gọi điện thoại chỉ ra chỗ này cần sửa, chỗ kia đã ổn. Đọc một cách kỹ lưỡng, kỹ hơn cả người viết ra cái bản thảo ấy, khiến tôi mắt tròn mắt dẹt thầm cảm phục. Bản thảo của tôi mà anh Trung sửa và viết lời giới thiệu năm ấy là Nụ cười Chim Sắt. Về sau, nghe anh động viên, tôi gửi dự thi và đoạt một giải thưởng nho nhỏ nhưng là kỷ niệm quý trong con đường viết của tôi.

Cái tình anh em ấy được anh Trung đem đối đãi với rất nhiều người em trong nghề như một lẽ tự nhiên. Nhà văn Lại Văn Long kể, anh Trung thường rất mất công đọc và bản thảo, góp ý, động viên đàn em từng li từng tí. Có lần, nhà văn Lại Văn Long hỏi: "Vì sao anh lại mất công đến vậy?", anh Trung trả lời: "Vì em viết hay hơn anh". Điều ấy khiến nhà văn Lại Văn Long cảm động, dù biết rằng đó là lời động viên đàn em, khi mà những trang viết của anh Trung được viết bằng kiến thức rộng, bề dày văn chương ấn tượng trong văn đàn từ lâu.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956-2021)

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung (1956-2021)

Hơn 10 năm trước, tôi có dự trại viết của Văn nghệ Quân đội. Nhớ mãi dáng đi rất vội, nói chuyện cũng vội của anh Trung. Vừa đến một địa điểm tham quan, ào một cái, anh xuất hiện trước mọi người, tay giấy tay bút hối hả ghi chép, đầu tóc còn ướt nước. Mùa hè miền Đông oi ả, anh phân bua: "Không tranh thủ dội qua người một cái, không làm việc được". Anh không quan tâm mọi người có thể nhìn mình khác biệt hay không, chỉ quan tâm việc mình làm sao cho có hiệu quả, miễn là không ảnh hưởng tới ai.

Gần 3 năm trước, tôi nhớ hình ảnh anh Trung thoăn thoắt tay ôm máy ảnh, tay khiêng ba lô, túi xách bên cạnh nhà văn Ma Văn Kháng đi ngang nhiều nhóm nhà văn đang trò chuyện bên ngoài hội nghị. Anh gọi nhà văn Ma Văn Kháng là thầy, vẫy taxi cho nhà văn về nhà. Chu đáo dìu nhà văn lớn tuổi lên xe, dặn thắt dây an toàn, trả tiền taxi và một hai đòi biếu bằng được một chút tiền để thầy mua thuốc bổ. Khi tôi hỏi, anh là học trò của nhà văn Ma Văn Kháng à? Anh trả lời, nhà văn như ông Ma Văn Kháng xứng đáng là thầy của các nhà văn thế hệ sau. Và cách ứng xử của người anh mà trước đó tôi vẫn nghĩ ít để ý, hay lãng đãng hóa ra chu đáo và tỉ mỉ không ngờ.

Còn với những đứa em trong làng văn, làng báo, anh Trung vẫn là người anh có vẻ ngoài ngồ ngộ. Trông khi nào cũng tất tả, vất vả, vội vã nhưng khi đã gặp nhau là bằng mọi cách phải mời em út ăn uống gì đó. Cả khi bụng anh không đói vì vừa ăn sáng xong chưa lâu. Trung thu, anh vẫn nhớ gửi quà cho đứa nhỏ ở nhà, vì đó là ngày của bọn trẻ. Biết em út khó khăn, anh sẽ có đủ lý do gặp để chia sẻ cùng. Thường anh lấy cớ tiện đường đi ngang, dù tôi biết, ở thành phố này chẳng mấy ai tiện nhiều thế, nếu không thực sự có tính sẻ chia, thương quý nhau.

Có những con người vội vã đi qua cuộc đời như mây thoảng. Nhưng là một áng mây thật đẹp thì sẽ mãi còn lưu dấu trong tâm trí. Với tôi, anh Nguyễn Quốc Trung là người như vậy. Chỉ tiếc rằng, có một người anh để chúng tôi có thể học nhiều thế về nghề, về cách sống thì anh đi vội quá, ở tuổi 65, trong "cơn bão" Covid-19 bạo tàn.

Võ Thu Hương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nho-nha-van-nguyen-quoc-trung-20230926211009987.htm