Nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Huế là quê hương thứ hai của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001). Dù sinh ra ở Đắk Lắk nhưng từ 4 tuổi, ông đã theo gia đình ra Huế sinh sống. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nhận định: “Những năm tháng tuổi thơ ở Huế là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời của Trịnh. Ông sống giữa tình yêu thương của gia đình, hít thở thiên nhiên Huế vàng son và thơ mộng...”. Sau đó ông vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lyceé Jean Jacques Rousseau Sài Gòn và tốt nghiệp tú tài tại đây. Tiếp đó, ông theo học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em Trường Sư phạm Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (1962-1964) và theo nghề giáo tại tỉnh Lâm Đồng trong 3 năm (1964-1967) và tại tỉnh Thừa Thiên - Huế trong 2 năm (1973-1974).
Ngoài là một nhà giáo, nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn còn là một trí thức đấu tranh tích cực cho phong trào hòa bình tại miền Nam. Năm 1968, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gặp những anh Bộ đội Cụ Hồ trong
26 ngày đêm Cách mạng giải phóng Huế. Theo đạo diễn Lê Phong Lan, đạo diễn 12 tập phim tài liệu Mậu Thân 1968 phát trên VTV1 năm 2013, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết quân đội cách mạng vô cùng nghiêm túc, kỷ luật và đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong ông. Bởi thế, vào năm 1970, ông tham gia phong trào Tự quyết với Ngô Kha, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San.
Trong một bài viết của nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, ông Lê Khắc Cầm - một trí thức là cơ sở của Thành ủy Huế, nhớ lại: “Anh Sơn biết tôi là cơ sở của Thành ủy... Chúng tôi, trong đó có Trịnh Công Sơn đọc rất nhiều sách, báo từ chiến khu gửi vào và đặc biệt đêm nào cũng ôm cái rađio nghe đài Hà Nội với sự ngưỡng mộ cách mạng”.
Ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát Nối vòng tay lớn tại Đài Phát thanh Sài Gòn vừa được cách mạng tiếp quản. Ông xúc động nói: “Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mà mơ ước của tất cả chúng ta đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam”.
Sau khi đất nước thống nhất, người thầy giáo năm nào đã sống lại một cách yêu đời, yêu người trong tâm hồn của ông. Năm 1981, cùng với các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phạm Trọng Cầu, ông đã đi thực tế đời sống mới ở nông trường Nhị Xuân, nơi có những thanh niên xung phong đang ngày đêm đóng góp sức trẻ của mình. Mấy tháng sau, ông hay tin có 20 nữ thanh niên xung phong ngày đó ông gặp đã hy sinh ở biên giới Tây Nam. Đau đớn, ông đã viết bài Em ở nông trường em ra biên giới để ca ngợi những con người quả cảm này. Đó là những cô gái “có đôi chân đi không ngại ngần”, “quen mưa nắng”, “tóc trên vai vấn vương bụi hồng” và có “trái tim nồng nàn” khiến ông nhớ mãi.
Đầu năm 1984, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình. Ông rất xúc động khi thấy tấm ảnh mẹ Suốt (1908-1968). Mẹ là người đã kiên cường chèo chiếc đò ngang dưới mưa bom, bão đạn, đưa bộ đội qua sông trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Sau đó, ông đã sáng tác nên ca khúc Huyền thoại Mẹ với những ca từ đầy xúc động: Đêm chong đèn ngồi nhớ lại.
Từng câu chuyện ngày xưa. Mẹ về đứng dưới mưa. Che đàn con nằm ngủ. Canh từng bước chân thù. Mẹ ngồi dưới cơn mưa. Mẹ lội qua con suối. Dưới mưa bom không ngại. Mẹ nhẹ nhàng đưa lối. Tiễn con qua núi đồi. Mẹ chìm trong đêm tối. Gió mưa tóc che lối con đi…
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dành một tình cảm đặc biệt đối với những mầm non của đất nước. Các thế hệ đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã hát vang ca khúc Khăn quàng thắp sáng bình minh của ông: ... Kìa các em xinh xinh, chân bước vội đến trường. Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh. Từng cánh tay măng non, đang xây ngày mai hồng. Đoàn thiếu nhi em là hy vọng Việt Nam. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có sáng tác rất hay về các đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đó là bài hát Đời sống không già vì có chúng em. Lời bài hát thật hồn nhiên: Vì có chúng em nên đời sống mãi không già. Vì có chúng em nên mặt đất luôn nở hoa. Bàn chân em đến giữa đời. Là thế giới thêm niềm vui. Bàn tay măng non bên người. Tìm xóa những lo âu dài. Vì có chúng em như mùa xuân cho mọi nhà. Vì có chúng em nên đời sống như trẻ ra.
Ở Huế hiện đã có đường Trịnh Công Sơn, đã có Gác Trịnh ở đường Nguyễn Trường Tộ để tri ân người nhạc sĩ tài danh này. Về các chương trình âm nhạc, Huế đã có các chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn nằm trong khuôn khổ Festival Huế. Cách đây hai năm, tại Festival Huế 2018, chương trình nghệ thuật “Vẽ nhạc Trịnh” đã khiến du khách thích thú. Nếu thành công, sắp tới Huế cũng sẽ có thêm Không gian Văn hóa Trịnh tại phường Thủy Biều, TP.Huế. Mộ phần của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng sẽ được dời từ TP.HCM về Huế. Đặc biệt, những người hâm mô nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đang mong đợi bộ phim Em và Trịnh do Galaxy sản xuất và phát hành, dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào ngày 01/4/2021 nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/nho-nhac-si-trinh-cong-son-a92534.html