Nhớ nhớ, quên quên

Một tai nạn hàng không nghiêm trọng suýt xảy ra tại sân bay Melbourne của Úc hôm 19/9 vừa qua, với chiếc máy bay Boeing B787-9 của Vietnam Airlines. Khi máy bay thực hiện hạ cánh, đã xuống thấp quá hai lần khoảng cách cho phép mà càng của máy bay vẫn chưa được thả. May mắn là phi công đã kịp sửa sai ngóc lên để thực hiện hạ cánh lại, theo hiệu lệnh khẩn cấp từ mặt đất.

Lại thêm một vụ “quên”, như trước đó người ta “quên” những đứa trẻ trên xe đưa đón ở Gateway Hà Nội và Đồ Rê Mí ở Bắc Ninh? Ở đây là phi công đã “quên” bung càng máy bay để tiếp đất? Ngôn ngữ hàng không trong thông báo ban đầu được đưa ra sau sự cố, là “tổ bay đã thực hiện tiếp cận không ổn định”. Một lý giải bên lề không chính thức của những phi công có kinh nghiệm, rằng có thể tổ bay đã có một chút lúng túng do phải tập trung ổn định quỹ đạo bay nên dẫn đến thả càng muộn!?

Cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay đều là người Việt, người 59 tuổi, người tuổi 30, đều có số giờ bay “khủng”. Như cơ trưởng đã có tới 20.700 giờ bay. Hơn nữa máy bay hiện đại luôn có hệ thống báo động khi máy bay chưa thả càng trong tình huống trên. Có “quên” được không?

Cơ chế nhớ và quên của con người luôn kỳ lạ mà nhiều khi chúng ta không ý thức được. “So với bất kỳ năng lực trí tuệ nào của chúng ta, trí nhớ có những điều thực sự khó hiểu trong những quyền năng, yếu kém và bấp bênh của nó”. Janne Austen, nữ văn sĩ của những tiểu thuyết tâm lý nổi tiếng người Anh thế kỷ 18 đã nhận ra như vậy.

Trong khi nhiều nhà khoa học mong thế dần chỗ của trí nhớ bằng trí tuệ, còn giới nghệ sĩ muốn thay trí nhớ bằng trí tưởng tượng, thì những người bình thường chúng ta chỉ mong được nhớ và quên đúng lúc. Đừng “bấp bênh” và “khó hiểu”, như biết bao thứ đang xảy ra trong đời sống.

Như cảnh người ta thay nhau để “quên” những đứa trẻ trên xe đưa đón đến trường học. “Quên” đạo đức công vụ, lương tâm, trách nhiệm để thi nhau bòn rút quốc khố, đất đai, công sản. Quên tình máu mủ ruột rà mà huynh đệ tương tàn. Quên cả an nguy vận mệnh quốc gia…

Mỗi lần mở máy tính hay điện thoại thông minh chúng ta thường phải nhập vô số những thứ mật khẩu. Để tiến hành công việc, để mua sắm, để tương tác với xã hội. Không thể quên những mật khẩu. Nhưng chúng ta dễ dàng quên gương mặt và cảm xúc của nhau, “quên” một cách giản đơn và hờ hững. Những con người chạm mặt nhau như ở một nơi mơ hồ nào đó, rồi trôi qua. Chỉ cố định nhau được trong vài giây. Không tuổi tên, không ký ức, không cả một cái tên thật. Như “Từ thăm thẳm lãng quên” của văn hào Pháp Patrick Modiano.

Chúng ta dễ dàng lạc lối trên những lối đi quan trọng nhất đời mình. Từ những cán bộ chức vụ uy nghi, đến những người trẻ tuổi bơ vơ mới bước vào đời.

Trí tuệ, trí tưởng tượng và trí nhớ. Còn cần thêm gì nữa, để chúng ta không được phép quên những điều cần nhớ?

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/nho-nho-quen-quen-1466825.tpo