Nhớ những chuyến tác nghiệp 'nằm vùng'

Nếu nói về những kỷ niệm trong quá trình gắn bó với Báo Lạng Sơn những năm qua thì có lẽ với tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đó là những chuyến tác nghiệp 'nằm vùng', bám làng, bám bản thu thập thông tin để có những 'đứa con tinh thần' chân thực, khách quan nhất.

Còn nhớ hồi tháng 4/2023, theo đơn khiếu nại của công dân, chúng tôi đến xã Tân Yên, huyện Tràng Định để tìm hiểu về vấn đề giải quyết, xử lý một trường hợp người huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn dùng máy xúc sửa, mở đường vào khu vực rừng sản xuất tại thôn Cốc Khau của xã này và bị quy vào hành vi “Hủy hoại đất”. Sự việc diễn ra từ hồi tháng 10/2022 nhưng hơn 6 tháng sau chưa được giải quyết dứt điểm, lý do là chủ phương tiện (máy xúc nêu trên) không đồng tình với cách làm việc, cách giải quyết, xử lý của lực lượng chức năng nên đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng, chính quyền xã Tân Yên, một số cơ quan của huyện Tràng Định và của tỉnh.

Phóng viên Báo Lạng Sơn trong một chuyến tác nghiệp "nằm vùng" tại xã Tân Yên, huyện Tràng Định

Phóng viên Báo Lạng Sơn trong một chuyến tác nghiệp "nằm vùng" tại xã Tân Yên, huyện Tràng Định

Sau khi xác minh thông tin qua các “nguồn” riêng của mình, chúng tôi quyết định lên lịch thực hiện chuyến “nằm vùng” vài ngày để tìm hiểu, khai thác thông tin, bởi đây là địa bàn cách xa trung tâm thành phố Lạng Sơn, xa trung tâm huyện, giáp ranh huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, đồng thời vụ việc cần thời gian để làm rõ nhiều nội dung. Chúng tôi xây dựng kế hoạch, dự kiến vị trí đến, người cần gặp gỡ, người chỉ đường đến hiện trường và cơ sở bí mật để đảm bảo an toàn cho mình khi tác nghiệp.

Khi đi thực tế, rất nhiều tình huống đã phát sinh, chúng tôi linh hoạt triển khai các phương án làm sao có được tối đa thông tin có thể. Sự việc xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau, những người cần phỏng vấn thì ở nhiều bản làng khác nhau, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, không có sóng điện thoại, chúng tôi phải chia nhau ra để đi tìm hiểu, phỏng vấn và chụp ảnh, ghi hình. Và cuối cùng, sau 2 ngày lăn lội tại cơ sở, chúng tôi đã có được những thông tin, tư liệu cần thiết.

Qua tìm hiểu, xác minh, thực tế là chính quyền và lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý đối với trường hợp trên về hành vi “Hủy hoại đất” là đúng quy định, đúng quy trình. Sau đó chúng tôi đã phản ánh qua bài viết “Cần giải quyết dứt điểm vụ việc san, gạt đất đường rừng xảy ra tại thôn Cốc Khau, xã Tân Yên, huyện Tràng Định”. Bài viết được đăng tải trên Báo Lạng Sơn điện tử, nhận được hàng trăm lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt like, hàng trăm bình luận trên mạng xã hội, có phản hồi tích cực của các cơ quan chức năng và nhiều độc giả. Cũng một phần nhờ bài báo, sự việc sau đó được các cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết dứt điểm.

Không chỉ để thực hiện bài viết trên, rất nhiều bài báo khác của bản thân tôi và đồng nghiệp đã được thực hiện từ những chuyến “nằm vùng” thâm nhập thực tế như thế, để cho ra đời tác phẩm phản ánh chân thực, khách quan, giàu hơi thở cuộc sống. Thường đó là đề tài thời sự, các vấn đề phức tạp trong đời sống xã hội, dư luận xã hội quan tâm, xảy ra ở địa bàn xa trung tâm nên yêu cầu nhiều về nghiệp vụ, có tính chất điều tra, cũng như đầu tư về thời gian để thâm nhập thực tế.

Kinh nghiệm rút ra từ những chuyến tác nghiệp trên là phải tìm hiểu thông tin về địa bàn trước, kể cả vấn đề về giao thông, thời tiết, phong tục tập quán của người dân địa phương. Từ đó xây dựng kế hoạch, dự trù các phương án tác nghiệp, những nội dung cần tìm hiểu và dự kiến chỗ ăn, nghỉ khi "nằm vùng" trước khi lên đường.

Khác với địa bàn trung tâm, khi "nằm vùng" thì thường chúng tôi nghỉ nhờ tại nhà dân. Và chính trong quá trình trò chuyện với bà con chúng tôi đã có thêm nhiều thông tin quan trọng phục vụ bài viết hoặc phát hiện thêm đề tài mới để triển khai. Hầu hết đó là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà chưa được giải quyết thỏa đáng, dứt điểm khiến bà con bức xúc. Ví như bài phản ánh 2 kỳ "Dự án Khu dân cư Trung tâm thị trấn Hữu Lũng: Hơn 7 năm còn dang dở" của chúng tôi cũng bắt nguồn từ những chuyến thâm nhập và gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân như thế. Bài viết phản ánh những bức xúc, những nỗi khổ của người dân khu An Ninh và khu An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng khi sống trên đất dự án gần chục năm trời chưa hoàn thành. Bài viết đã nhận được phản hồi tích cực của người dân, góp phần phản ánh đến các cấp, ngành quan tâm đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm ổn định đời sống người dân.

Những chuyến tác nghiệp "nằm vùng" thường chúng tôi phải đối diện với nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí là hiểm nguy, nhất là về những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Có lẽ động lực lớn nhất để chúng tôi thực hiện những đề tài ấy chính là lòng yêu nghề, trân trọng những sản phẩm báo chí của mình, nhằm phản ánh chân thực, khách quan các vấn đề xảy ra trong thực tế. Qua đó góp phần xây dựng Báo Lạng Sơn ngày càng hiện đại, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Lạng Sơn.

Những chuyến tác nghiệp “nằm vùng” còn cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị, cảm nhận sự thương mến của cơ sở, quần chúng Nhân dân. Những trải nghiệm ấy đã giúp tôi và đồng nghiệp trưởng thành hơn, không chỉ đối với nghề mà còn trưởng thành trong ứng xử, từng bước hoàn thiện bản thân, điều mà ít nghề nào có được…

HOÀNG HUẤN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nho-nhung-chuyen-tac-nghiep-nam-vung-5012319.html