Nhớ những ngày 'Bình dân học vụ'

Ký ức về những ngày tham gia phong trào 'Bình dân học vụ' vẫn còn nguyên trong ông Nguyễn Đình Cát ở thôn An Điền Xuân, xã Cộng Hòa (Nam Sách).

Ông Cát (ngồi thứ tư, từ trái sang) trong một buổi sinh hoạt của cựu giáo chức xã Cộng Hòa (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Ông Cát (ngồi thứ tư, từ trái sang) trong một buổi sinh hoạt của cựu giáo chức xã Cộng Hòa (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Ông Cát kể, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ta giành chính quyền ở tỉnh Hải Dương và phủ Nam Sách (nay là huyện Nam Sách), ông khi ấy mới 12 tuổi, được kết nạp vào Đội Thiếu niên cứu quốc xã Cộng Hòa, do anh Nguyễn Hữu Oánh làm Đội trưởng; anh Nguyễn Công Lục là Phó đội trưởng.

Trước đó, cậu bé Cát được bố mẹ cho đi học chữ Nho do ông khóa Lơ dạy từ khi 6 tuổi, đến năm 9 tuổi, chuyển sang học chữ quốc ngữ do thầy Phạm Bá Toại dạy. Sau đó, ông đi học thầy giáo Hoành ở thôn Lai Khê (xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành); rồi sang học ở Chí Linh.

Năm 1945, ông thi đỗ sơ học yếu lược (trình độ tiểu học ngày nay), chuyển lên học lớp nhì thì ta giành được chính quyền. "Tôi về tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc ở xã, có ít chữ nên được phân công làm thư ký kiêm thủ quỹ của đội. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta (tháng 9.1945), để ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến, Đội Thiếu niên cứu quốc chúng tôi cùng với các anh trong Đoàn Thanh niên cứu quốc của xã, hành quân từ làng An Điền, theo quốc lộ 5 lên tỉnh Hải Dương dự mít tinh, hô vang khẩu hiệu "Đả đảo giặc Pháp, tiễu trừ Việt gian"...

Ở làng tôi hồi đó, bà con nhân dân rất tích cực, sôi nổi hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như "diệt giặc đói", "diệt giặc dốt", thực hiện "hũ gạo tiết kiệm"... Đoàn Thanh niên cứu quốc An Điền (nay là các thôn: An Điền Xuân, An Điền Giáp, An Điền Kim), do anh Phạm Hữu Lẻo (còn gọi là anh Luật) phụ trách, tổ chức phong trào "Bình dân học vụ", dạy chữ quốc ngữ cho bà con. Các đội viên thiếu niên chúng tôi cũng tham gia dạy học cùng các anh. Chúng tôi cầm nong, nia, dần, sàng, phản giường... đã viết chữ lên đó, đến cổng chợ, cổng làng, dựng lên. Ai đi qua, chỉ vào từng chữ, ai đọc được mới cho vào chợ, vào làng. Ai không đọc được thì quay về. Nhiều lần tôi bị mẹ mắng vì các bà Vét, ông Két, bà Bỉnh, bà Tàu... đến phàn nàn với mẹ tôi, vì không đọc được chữ nên tôi không cho các bà vào chợ tổng Đình Yến. Tôi phải giải thích với mẹ là bây giờ phải nghe theo Bác Hồ, học được chữ mới diệt được "giặc dốt", mới làm cách mạng được. Mẹ tôi nghe vậy cũng xuôi xuôi, nên không mắng tôi nữa.

Phong trào "Bình dân học vụ" ở thôn tôi rất sôi nổi. Anh Nguyễn Đồng Dia là Trưởng ban Bình dân học vụ của thôn giao cho tôi dạy học một lớp học có 13 học viên trong xóm. Các học viên đều là các bà, các cô, bác lớn tuổi. Nhờ tôi dạy mà đều biết đọc, biết viết và được... đi chợ. Về thành tích này, năm 1947, tôi được thầy Nguyễn Huy Tham là Trưởng ban Bình dân học vụ của huyện Nam Sách tặng giấy khen. Bản giấy khen lúc ấy chỉ làm bằng giấy pơ-luya, đánh máy, nhưng khuyến khích, động viên tôi rất lớn, khiến tôi càng hăng hái tham gia phong trào.

 Ông Nguyễn Đình Cát tại nhà riêng

Ông Nguyễn Đình Cát tại nhà riêng

Các thiếu niên chúng tôi tham gia phong trào "Bình dân học vụ" ngày đêm. Những hôm không dạy học, tôi lại cùng các đội viên chơi trò "đánh trận giả". Đồn địch giả định là Đồi Ngô, ở một mô đất cao, chúng tôi lấy giẻ rách tẩm dầu, làm pháo sáng, vũ khí là gậy tre, kiếm, mã tấu làm bằng gỗ, bẹ chuối, xung phong tiến công đồn địch. Đến tháng 3.1949, quân Pháp đánh chiếm Chí Linh, rồi tràn qua sông Kinh Thầy, càn quét sang xã tôi. Chúng lập bốt xung quanh làng, bốt lớn là ở Chi Điền (thôn Chi Đoan, xã Cộng Hòa ngày nay), bốt nhỏ ở khu vườn ông Tuần Am (An Điền) và chúng rào làng, lập điếm canh... ở các xóm. Chúng tổ chức nhiều lần càn quét và bắn mortie (cối) vào làng. Đạn cối của quân Pháp đã giết chết bố tôi. Xã tôi từ đó bị kìm kẹp bởi quân Pháp và tay sai. Năm 1952, bộ đội địa phương huyện Nam Sách và du kích xã đánh phá các đồn bốt ở làng tôi. Căm thù giặc Pháp, tháng 5.1952, tôi xung phong vào bộ đội chủ lực, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi được cử đi đào tạo sĩ quan quân đội, công tác đến năm 1983 thì nghỉ hưu.

Với những đóng góp của ông tại quê nhà, năm 1962, ông Cát được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhì.

ĐÌNH XUÂN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc/nho-nhung-ngay-binh-dan-hoc-vu-178567