Nhớ những ngày chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

Những ngày này, biết bao cựu chiến binh từng chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc lại rưng rưng nhớ về những tháng năm gian khổ chiến đấu và chiến thắng.

Cựu chiến binh Ngô Văn Diều ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) không bao giờ quên những ký ức tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

Cựu chiến binh Ngô Văn Diều ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) không bao giờ quên những ký ức tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam

Ký ức khó phai

Vừa phải trải qua bao đau thương, mất mát do chiến tranh, quân và dân Việt Nam luôn khao khát hòa bình. Với mục tiêu cố gắng không để xảy ra chiến tranh, giai đoạn 1975-1977, chủ trương của Đảng ta là xử lý xung đột biên giới Tây Nam bằng giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, quân Pol Pot lại luôn tràn qua biên giới, đánh chiếm sâu vào làng mạc của nước ta, gây ra nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam. Để tự vệ chính đáng, quân ta chỉ đánh đuổi quân Pol Pot qua biên giới, sau đó rút quân về. Những trận đánh giằng co giữa hai bên dọc biên giới diễn ra rất ác liệt.

Tháng 12/1978, Chính phủ Khơme Đỏ huy động hầu như toàn bộ lực lượng quân sự và các lực lượng quân binh chủng khác áp sát biên giới, hòng mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, kêu gọi các nước, tổ chức quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của lực lượng cách mạng Campuchia.

Ngày 23/12/1978, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới.

Cựu chiến binh Vũ Viết Hưng ở phường Quang Trung (TP Hải Dương), từng ở Trung đoàn 2, Sư đoàn 4, Quân khu 9 trực tiếp tham gia trận đánh tại kênh Vĩnh Tế thuộc địa phận tỉnh An Giang giáp với biên giới Campuchia. Ông Hưng kể: "Trong gần 1 ngày, lực lượng của ta và địch chiến đấu ở thế giằng co. Quân đội ta huy động lực lượng lớn các quân binh chủng hợp thành cùng tham gia tác chiến, chia cắt để lần lượt tiêu diệt địch. Trận chiến ác liệt đến nỗi nhiều bộ đội của ta đã đặt lại tên con kênh là “Vĩnh Biệt” vì hy sinh quá nhiều. Sư đoàn 4 đã tiêu diệt một lượng lớn lực lượng địch và làm thất bại kế hoạch của chúng”.

Cựu chiến binh Ngô Văn Diều ở xã Nghĩa An (Ninh Giang), từng làm nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Dù thời gian tham gia giúp nước bạn Campuchia không dài nhưng đó mãi là những tháng ngày không thể nào quên. Ông Diều kể lại các trận chạm trán giữa ta và địch ngay sát biên giới rất ác liệt. Giữa những ngày giao tranh đó, điều kiện sinh hoạt tối thiểu như nước, đồ ăn, thuốc đều rất thiếu thốn. Rồi dịch bệnh, sốt rét rừng luôn bủa vây. Ông Diều nhớ một lần đại đội của ông ở dưới hầm bất ngờ bị địch phát hiện. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống.

Thắm tình hữu nghị

Cựu chiến binh Nguyễn Thái Tương ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) ôn lại kỷ niệm chiến tranh

Cựu chiến binh Nguyễn Thái Tương ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) ôn lại kỷ niệm chiến tranh

Từ tháng 12/1977 - 1/1978, cựu chiến binh Nguyễn Thái Tương (phường Thanh Bình, TP Hải Dương) cùng đồng đội ở Đại đội 12, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, thực hiện nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot ra khỏi biên giới Tây Nam. Sư đoàn 10 của ông cùng 7 sư đoàn khác được lệnh mở các đợt phản công trên các hướng đường 7, đường 1, đường 2, truy kích quân Pol Pot sâu vào đất Campuchia, tiêu diệt một lượng lớn lực lượng địch và làm thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của chúng.

Trong lần chốt chặn ở đường 7, ông Tương đã bị thương. Ngày 7/1/1979, một mũi tiến công của Quân đoàn 3 thọc sâu vào Phnom Penh, đánh tan hoàn toàn lực lượng địch. Sau thời gian này, ông Tương cùng đồng đội tiếp tục chiến dịch truy kích tàn quân của địch, giúp nước bạn xây dựng đất nước sau thảm họa diệt chủng.

Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnom Penh hoàn toàn được giải phóng. 1 ngày sau, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: “Xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của Tập đoàn Pol Pot, thành lập chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia”.

Ông Hưng nhớ lại chiều 7/1/1979, lực lượng vũ trang An Giang cùng các các đơn vị Sư đoàn 4, Quân khu 9 của ông tiến công vào thị xã TaKéo. Ngày 8/1/1979, tỉnh lỵ TaKéo được giải phóng. Lúc ấy, trong mỗi người lính đều xúc động xen lẫn niềm tự hào, mong ngày đoàn tụ cùng gia đình.

Sau ngày 7/1/1979, Tập đoàn Pol Pot bị đánh đổ nhưng tàn quân địch vẫn xé lẻ. Bộ đội ta truy kích tàn quân, hỗ trợ nước bạn xây dựng chính quyền mới, làm công tác dân vận đưa người dân bị Pol Pot lùa vào rừng trở về xây dựng thôn bản. Nhiều chiến sĩ của ta đã nhường khẩu phần ăn để cứu đói cho người dân Campuchia. Ông Hưng chia sẻ: “Sau khi được tăng viện hơn 80.000 quân, bộ đội của ta đã tiến hành phản công trên toàn mặt trận, đẩy quân Pol Pot ra ra khỏi vị trí dọc biên giới. Và chỉ sau 2 tuần với chiến dịch thần tốc như vũ bão của đoàn quân Việt Nam bách chiến bách thắng, nước bạn Campuchia được giải phóng hoàn toàn”.

NGHĨA AN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nho-nhung-ngay-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-369859.html