Nhớ những ngày làm đại biểu Quốc hội
Mỗi lần đến dịp bầu cử Quốc hội, ký ức về những ngày miệt mài tiếp xúc cử tri, sôi nổi phát biểu trên nghị trường…lại ùa về trong tâm trí những người đã từng được người dân tin tưởng trao gửi niềm tin, lựa chọn làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Trải qua nhiều vinh dự và không ít khó khăn, họ đã tích lũy được nhiều điều quý giá.
* Ông LÊ VĂN HOAN, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa VIII: Hoạt động của Quốc hội hiện nay có nhiều đổi mới
Tôi vinh dự có 10 năm làm ĐBQH và trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Điểm khởi đầu chính là niềm phấn khởi, xen lẫn hồi hộp, lo lắng khi được tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa VII lúc đang là Bí thư Huyện ủy Triệu Hải. Từ đó về sau, tuy gặp không ít khó khăn nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy trân quý nhiệm vụ người đại biểu của Nhân dân. Tôi vui vì được người dân tin tưởng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng; vì đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; vì những ý kiến thẳng thắn của mình được lắng nghe, giải quyết; vì đã góp phần giúp dân hiểu, đồng cảm, chia sẻ và thêm tin yêu Đảng, Nhà nước, Quốc hội…
Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng phát triển. So với trước kia, hoạt động Quốc hội hiện nay có rất nhiều sự đổi mới như chất lượng ĐBQH ngày càng nâng cao; hoạt động giám sát ngày càng thể hiện tinh thần sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước…Hiện nay, có nhiều ĐBQH có học hàm, học vị cao và kỹ năng tốt. Họ chủ động lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thăm dò dư luận xã hội. Trên nghị trường, các ĐBQH đã tự tin, thẳng thắn tham gia ý kiến, trong đó có những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm. Tôi đặt nhiều hy vọng khi Quốc hội tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách, giảm số lượng đại biểu công tác ở cơ quan hành chính, tư pháp. Tôi biết, người ứng cử là ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên ngành phù hợp và kinh nghiệm hoạt động nghị trường.
Hoạt động của Quốc hội hiện nay có những bước tiến vượt bậc nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Việc đổi mới cách thức thảo luận từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” là sự đột phá đáng kể. Ngoài ra, Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp để thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh những bước tiến, hoạt động Quốc hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tôi mong rằng Quốc hội và ĐBQH sẽ tập trung khắc phục điểm tồn tại, hạn chế, tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động để phát huy vị trí, vai trò trong giai đoạn phát triển mới.
* Ông PHẠM ĐỨC CHÂU, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XII,XIII: Nếu thiếu bản lĩnh chính trị, sự tâm huyết, trách nhiệm thì ĐBQH khó làm tròn trọng trách
Tôi được bầu làm ĐBQH khóa XII và XIII. Đây là thời điểm hoạt động của Quốc hội bước vào giai đoạn đổi mới mạnh mẽ, đòi hỏi tôi cũng như các đại biểu khác buộc phải đổi mới, sáng tạo. Từng tham gia sôi nổi hoạt động xã hội, trải qua nhiều chức vụ, có vốn lý luận và thực tiễn, tôi thấy mình thuận lợi hơn so với một số đại biểu cùng thời.
Tôi quan niệm, đã là ĐBQH thì phải tạo được niềm tin đối với cử tri và Quốc hội từ những ý kiến của mình trước diễn đàn. Để có những bài phát biểu có giá trị, để lại dấu ấn, tôi luôn chú trọng đến việc nghiên cứu, tổng hợp, nắm bắt tình hình thực tiễn, rồi đối chiếu với các nội dung của kỳ họp. Phải nghiên cứu nhiều lĩnh vực, kể cả không phải là thế mạnh của mình. Thuận lợi lớn của tôi là có vốn kiến thức pháp luật, nhanh nhạy nhận ra vấn đề đang trao đổi, thảo luận ảnh hưởng như thế nào đến đời sống xã hội. Vì thế những ý kiến của mình được Quốc hội và cử tri ghi nhận.
Tôi nghĩ nếu thiếu bản lĩnh chính trị, sự tâm huyết, trách nhiệm thì ĐBQH khó làm tròn trọng trách của mình. Ngoài chuẩn bị bài phát biểu vừa có chiều sâu vừa ngắn gọn, súc tích và để chuyển tải trọn vẹn ý kiến của mình trong thời gian hạn hẹp cũng là thách thức. Vì thế phải luôn chuẩn bị tâm thế, tin tưởng nội dung phát biểu, không máy móc, sao chép. Việc trau dồi kỹ năng sử dụng giọng nói để thu hút công chúng, cử tri, Quốc hội luôn là điều mà tôi chú ý.
Để làm tốt nhiệm vụ ở nghị trường, tôi xác định điều quan trọng là phải tiếp thu ý kiến của cử tri. Một việc rất quan trọng khác là tuyên truyền cho cử tri hiểu về những thuận lợi, khó khăn của quê hương, đất nước để từ đó khơi gợi quyết tâm chung tay xây dựng. Công tác giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, đặc biệt là giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tôi rất quan tâm. Cùng với Đoàn ĐBQH tỉnh, tôi đã góp phần giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, chế độ chính sách…ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều người, phức tạp, kéo dài, qua đó mang lại niềm tin cho Nhân dân.
Ngay trong thời gian làm ĐBQH và đến tận thời điểm hiện tại, khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn luôn trăn trở với Quốc hội với Nhân dân. Tôi trăn trở khi biết vẫn còn một bộ phận ĐBQH chưa thực sự tâm huyết. Ở nghị trường, một số đại biểu không phát biểu hoặc chỉ nêu ra thực trạng, không có những kiến nghị sâu sắc. Số lượng ĐBQH hiểu biết về pháp luật chưa nhiều. Có không ít cử tri xuất phát từ những đòi hỏi cá nhân, ít trăn trở đến những vấn đề lớn. Tôi mong muốn làm sao để mỗi đợt tiếp xúc cử tri trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị. Tất cả đều hướng về những vấn đề lớn, sự phát triển của quê hương, đất nước.
* Ông HỒ GÔ, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa IX: ĐBQH và người dân phải như “cá với nước”
Tuổi 80 không cho phép tôi nhớ hết những ký ức xưa cũ. Thế nhưng, kỷ niệm về quãng thời gian làm ĐBQH luôn in sâu trong trái tim tôi. Tôi là ĐBQH khóa IX khi đang giữ chức vụ Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Tôi biết, cử tri nói chung, đặc biệt là bà con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đặt rất nhiều kỳ vọng ở mình. Thời điểm tôi làm ĐBQH, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khó khăn bà con có rất nhiều tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt ai cũng muốn quê hương mình phát triển. Hiểu điều đó, mỗi lần về tiếp xúc cử tri, bên cạnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào vùng cao, tôi luôn chuyển tải thông điệp để bà con thấu hiểu, chia sẻ và đồng lòng, đồng sức xây dựng quê hương, đất nước.
Mỗi chuyến đi tiếp xúc cử tri ở các xã vùng cao là một kỷ niệm của tôi. Nghe tin tôi lên thăm, bà con nấu khoai, nấu sắn, luộc rau rừng mời ăn. Sau khi tiếp thu ý kiến của người dân, tối đến tôi xin ngủ lại nhà bà con để hiểu rõ thêm tâm tư, nguyện vọng. Nhờ thế, mối quan hệ giữa tôi với bà con thêm phần khăng khít. Chúng tôi thường lấy hình ảnh “cá với nước” để ví mối quan hệ này. Gắn bó với bà con dân bản nên tôi hiểu được họ thiếu gì, cần gì, phải giải quyết khó khăn, vướng mắc nào từ đây, những kiến nghị của tôi được quan tâm, chú ý hơn.
So với trước kia, hiện nay, điều kiện sống, làm việc của ĐBQH cũng như đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rất nhiều. ĐBQH ngày càng có thêm nhiều kênh để gặp gỡ, chuyện trò, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Tuy nhiên, phải làm như thế nào để có mối quan hệ gần gũi, thân thiết, sẻ chia như “cá với nước” giống như thời chúng tôi? Theo tôi nghĩ, ĐBQH phải mở lòng, biết chia sẻ với Nhân dân thì sẽ được bà con tin tưởng.
* Bà HỒ THỊ HỒNG, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đakrông, ĐBQH khóa X: Quốc hội chính là trường học lớn
Đối với tôi, Quốc hội là một trường học lớn, nơi giúp tôi trưởng thành. Năm 1997, tôi được tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa X khi đang làm Chủ tịch UBND huyện Đakrông. Giữa muôn vàn nỗi lo, có lúc tôi tự vấn không biết mình có làm tròn nhiệm vụ nặng nề không? Càng trăn trở, lo lắng, tôi càng nêu cao quyết tâm. Tôi biết lá phiếu mà người dân dành cho mình đặt rất nhiều kỳ vọng.
Để không phụ sự kỳ vọng của cử tri, tôi đã nỗ lực tự trau dồi, học tập. Tôi trân quý từng kinh nghiệm nhỏ mà các ĐBQH đi trước truyền đạt. Bên cạnh đó, tôi tích cực tham gia các khóa tập huấn để có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng. Tôi vui khi mình đã đóng góp trí tuệ, công sức cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Một điều đáng mừng khác là sau những lần họp Quốc hội, nhiều tổ chức, cá nhân biết đến tôi, biết đến huyện miền núi nghèo mới thành lập ở tỉnh Quảng Trị nên họ đã trực tiếp tới Đakrông để giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.
Tôi luôn quan niệm làm Quốc hội là cơ hội để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước. Đó không phải là quyền lợi, là chức vụ mà là trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Có chuyến đi tiếp xúc cử tri ở miền núi, khi gần đến nơi thì cầu bị sập, tôi cùng anh em quyết định lội bộ qua con nước dữ. Lúc ấy suy nghĩ bà con đang đợi mình nên mới dám vượt hiểm nguy.
Với tôi, Quốc hội như một trường học lớn, một chương trình học nâng cao dành cho tôi. Những điều học được từ hoạt động Quốc hội giúp tôi có cái nhìn sâu sắc, toàn diện về mọi vấn đề của xã hội, của đất nước. Vì thế, tôi mong muốn các ĐBQH hôm nay nắm lấy cơ hội của mình để học tập, cống hiến.
Quang Hiệp (lược ghi)