Nhớ những tờ báo cũ của mẹ

Con gái của tôi năm nay lên lớp 4. Nàng háo hức khi được mẹ chở đi nhà sách để mua sách, vở, đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học mới. Đến nhà sách, khi mẹ nhờ những cô chú nhân viên lựa chọn mua bộ sách giáo khoa theo hướng dẫn của nhà trường thì nàng tung tăng lượn khắp nhà sách, nhìn ngắm, thích thú lựa chọn những cây bút bi, bút chì, bút màu, nhãn vở nhiều màu sắc và không quên dặn mẹ tìm tập giấy bọc sách với đủ kích cỡ.

Những cuốn sách được bọc từ những tờ báo cũ.

Những cuốn sách được bọc từ những tờ báo cũ.

Ảnh minh họa từ internet.

... Có sách vở mới, nàng háo hức lật giở và nhờ mẹ bọc cùng. Tranh thủ thời gian rảnh, tôi đem bộ sách giáo khoa mới, những cuốn vở ô ly thơm mùi giấy và tập giấy bọc sách rồi cùng con bọc sách vở chuẩn bị cho năm học mới. Những tờ giấy bọc sách đủ kích cỡ, những nhãn vở màu sắc và dễ dàng bóc dán, tiết kiệm nhiều thời gian hơn. Bất giác tôi nhớ đến những tờ báo cũ của mẹ cách đây gần 30 năm và những ngày hè oi ả, chị em tôi hì hục, tranh thủ buổi trưa bọc lại tập sách vở từ những tờ báo cũ để chuẩn bị cho năm học mới.

Đó là những tờ báo cũ được mẹ tôi gom góp, cất cẩn thận và vào dịp nghỉ hè, mẹ sẽ đem những tờ báo cũ đưa cho chị em tôi để bọc những cuốn sách giáo khoa. Hồi ấy, nhà ai cũng nghèo chứ không riêng nhà tôi, có được những tờ báo cũ được gấp gọn gàng, phẳng phiu, có phần ngả màu để bọc sách vở là quý lắm. Ngoài việc mua những cuốn vở ô ly, những cuốn sách giáo khoa đã cũ quá, bị rách hoặc mất trang không thể học được thì chị em tôi thường tận dụng sách giáo khoa của nhau mà đến trường. Chị cả học xong rồi đến anh trai tôi và tôi. Vì vậy, những cuốn sách giáo khoa được bọc cẩn thận, nâng niu để không bị hỏng, bị bong bìa. Và những tờ báo cũ chính là “chiếc phao” để những cuốn sách giáo khoa được giữ mới. Chúng được thay “áo mới” một lần vào dịp trước thềm năm học mới. Khó có thể tả được sự háo hức, mong chờ của những đứa em khi được chị cả nhường lại sách, rồi cẩn thận dùng những tờ báo cũ cắt dán phù hợp kích thước cuốn sách và bọc lại. Nhãn vở cũng được tận dụng từ những cuốn vở ghi còn sót lại vài trang giấy trắng. Hồ dán giấy hoặc cơm nguội được dùng để dán nhãn vở, bọc sách. Khi hồ dán giấy đã hết thì cơm nguội chính là ưu tiên. Vì vậy, ngoài những cuốn sách được dán nhãn, bọc mịn màng thì nhiều cuốn lợn cợn, lộm cộm gồ ghề khi cơm nguội đã khô. Ấy thế mà vui, nâng niu, trân trọng và nhớ mãi cho đến sau này.

Sách vở ngày nay được bọc từ những tờ giấy bọc hiện đại, dễ dàng bóc dán.

Sách vở ngày nay được bọc từ những tờ giấy bọc hiện đại, dễ dàng bóc dán.

... Giờ thì, con gái tôi và những em bé khác không phải chật vật bọc sách vở bằng những tờ báo cũ. Thay bằng hì hục ngồi cắt, dán thì em bé của tôi chỉ cần lựa chọn tờ bọc phù hợp cuốn sách, bóc miếng dán của tờ bọc, vuốt cẩn thận cho thẳng thớm rồi dán nhãn vở, vậy là xong. Nàng sẽ có nhiều thời gian để đi học nhảy, đi bơi. Thời của nàng áp lực hơn với việc học những cũng vui vẻ, hiểu biết nhiều hơn. Mỗi thời mỗi khác. Đôi khi nhớ lại những thời xưa cũ để càng thêm trân trọng cuộc sống. Những tờ báo cũ đã giúp cho chị em chúng tôi nâng niu những cuốn sách và trưởng thành, nên người. Từ những tờ báo cũ, mẹ đã dạy chúng tôi biết cách sẻ chia, trân trọng những đồ vật cũ, được sử dụng đúng chỗ thì vẫn luôn giúp ích được cho người, cho đời.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nho-nhung-to-bao-cu-cua-me-32150.htm