Nho Quan chú trọng chăm sóc, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật
Những năm qua, các cấp, các ngành của huyện Nho Quan đã đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ khuyết tật. Qua đó tạo điều kiện cho các em được hưởng các chế độ chính sách, được chăm sóc y tế, được vui chơi, học tập hòa nhập cộng đồng, vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Không may mắn khi bị khiếm khuyết về trí tuệ từ lúc bẩm sinh, nhưng em Đỗ Linh Huyền, sinh năm 2009, lớp 5B, Trường Tiểu học Đức Long lại luôn nhận được sự quan tâm của người thân, thầy cô giáo và bạn bè giúp đỡ trong cuộc sống cũng như trong quá trình học tại trường.
Chị Đinh Thị Thúy, mợ em Đỗ Linh Huyền, thôn Hiền Quan 2, xã Đức Long cho biết: Do điều kiện gia đình cháu Huyền khó khăn nên tôi nhận nuôi và coi cháu như con đẻ của mình. Cháu Huyền được thụ hưởng chính sách của Nhà nước đối với trẻ khuyết tật và được đến trường như bao trẻ em bình thường khác. Nhờ sự quan tâm đó nên nhận thức, hiểu biết của cháu được cải thiện đáng kể, luôn mong muốn được đến trường học tập, vui chơi cùng các bạn.
Tạo môi trường học tập tốt cho trẻ khuyết tật được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nho Quan chỉ đạo các nhà trường triển khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các em được miễn một số môn học hoặc giảm nhẹ yêu cầu môn học, hoạt động giáo dục do tình trạng khuyết tật gây nên; được bố trí chỗ ngồi thuận lợi cho việc học, tiếp thu bài giảng, giúp các em tham gia nhiều hoạt động cùng bạn học. Các nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn, hỗ trợ cha mẹ và học sinh khuyết tật các vấn đề liên quan trong hoạt động hàng ngày và quá trình học tập.
Thầy giáo Ngô Đức Mạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Long cho biết: Năm học 2022-2023, nhà trường có 536 học sinh/15 lớp, trong đó có 8 học sinh khuyết tật học hòa nhập ở 8 lớp. Đa phần các em học hòa nhập tại trường đã quá tuổi, trí nhớ không được tốt. Do đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch, tạo điều kiện cho các em về chỗ ngồi, nhắc nhở các bạn ngồi bên cạnh quan tâm giúp đỡ trong học tập, vui chơi. Chỉ đạo giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật luôn kiên trì giáo dục, dành tình cảm đặc biệt để các em được phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng.
Cô giáo Đinh Thị Lan, Trưởng chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Thiên Thần Nhỏ Ninh Bình tại Nho Quan cho biết: Giáo dục cho trẻ khuyết tật hòa nhập không chỉ giúp các em được hưởng các quyền học tập, còn là cơ hội để các em phát huy tối đa khả năng của bản thân, tiếp cận môi trường xã hội.
Tại chi nhánh Nho Quan hiện đang giáo dục và can thiệp cho gần 50 trẻ khuyết tật, với đa dạng tật như tự kỷ, chậm phát triển, bại não… Giáo viên dạy trẻ khuyết tật phải có chuyên môn vững để can thiệp theo dạng tật của trẻ từ nhận thức, kỹ năng, vận động. Do đó, Trung tâm luôn chú trọng công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn cho giáo viên; thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài về đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên.
Giáo dục trẻ kỹ năng sống tại Trung tâm Hỗ trợ hòa nhập Thiên Thần Nhỏ chi nhánh Nho Quan.
Trong suốt 5 năm qua, Trung tâm hỗ trợ hòa nhập Thiên Thần Nhỏ chi nhánh Nho Quan đã hỗ trợ cho nhiều trẻ được hòa nhập cộng đồng, một số trẻ đã tới trường học hòa nhập như bao bạn khác; nhiều trẻ từ không có nhận thức, không có ngôn ngữ, không có kỹ năng ăn uống, tự phục vụ qua quá trình rèn luyện, dạy dỗ của các cô Trung tâm, trẻ đã nói được, biết được các kỹ năng tự phục vụ bản thân như vệ sinh, ăn uống, ngủ nghỉ, mặc quần áo…
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nho Quan có trên 500 trẻ em khuyết tật. Thời gian qua, trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện Nho Quan đã được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, được pháp luật bảo vệ, tạo điều kiện để sớm phát hiện và chữa bệnh, phục hồi chức năng, được ưu tiên hưởng các chính sách phúc lợi, được học tập, được giúp đỡ học văn hóa, học nghề, giải quyết việc làm và tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận của trẻ em khuyết tật vẫn còn những hạn chế, nguyên nhân một phần do nhận thức của cộng đồng còn có sự kỳ thị với người khuyết tật, đồng thời bản thân, gia đình trẻ khuyết tật vẫn còn mặc cảm, tự ti. Vì vậy cần sự sẻ chia, hợp tác của gia đình và xã hội trong giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.
Bà Nguyễn Thị Phương Thiệu, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho trẻ khuyết tật, hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các đơn vị, địa phương đảm bảo chế độ, chính sách bảo trợ cho trẻ khuyết tật nhanh chóng, chính xác; xác định mức độ và cấp giấy xác nhận cho trẻ khuyết tật theo đúng quy định...
Với sự quan tâm của gia đình, nhà trường và sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành đã tạo điều kiện giúp trẻ khuyết tật được đến trường, được tiếp cận nền giáo dục bình đẳng mà không phân biệt thể chất, trí tuệ, cảm xúc hay ngôn ngữ. Điều này sẽ giúp trẻ khuyết tật tự tin và vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Bài, ảnh: Tiến Minh