Nho Quan, đổi thay vượt bậc về y tế cơ sở sau 30 năm tái lập tỉnh

30 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh năm 1992, công tác y tế cơ sở, đặc biệt là y tế xã đã được huyện Nho Quan quan tâm đầu tư và đạt được những bước tiến mới, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần giảm quá tải cho hệ thống y tế tuyến trên.

Các trạm y tế xã được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cho nhân dân.

Các trạm y tế xã được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cho nhân dân.

Xã Thạch Bình là xã miền núi, có trên 45% đồng bào dân tộc chủ yếu là người Mường. Trong những năm qua, xã gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí về y tế trong quá trình xây dựng NTM, đặc biệt là nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, thay đổi tập quán sinh sống, hướng đến cuộc sống văn minh, hiện đại. Có được những kết quả như hôm nay có công sức rất lớn của những y bác sĩ Trạm y tế và nhân viên y tế thôn bản.

Bà Phạm Thị Thành, thôn Đầm Bòng, 75 tuổi cho biết: Trước đây, người dân khi có bệnh phải đi rất xa, nhiều bệnh thông thường cũng phải đi tận huyện Nho Quan xa hàng chục km để khám chữa và lấy thuốc điều trị. Bởi tại trạm y tế hầu như không có trang thiết bị y tế gì để thăm khám, chẩn đoán bệnh cho nhân dân. Nay các bệnh thông thường như đau bụng, đau đầu, tăng huyết áp, các bệnh về xương cốt... chúng tôi đều có thể ra trạm y tế để được siêu âm, đo huyết áp, lấy thuốc và được các y bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe. Đây là điều vui mừng và rất an tâm đối với mỗi người dân miền núi chúng tôi.

Bác sĩ Bùi Khắc Trì, Trạm trưởng trạm y tế xã Thạch Bình chia sẻ: Là người gắn bó gần 30 với trạm y tế xã, từ năm 1995 anh được phân công nhiệm vụ về xã Thạch Bình công tác. Lúc ấy, cơ sở vật chất của trạm y tế xã hầu như không có gì, trình độ dân trí thấp, cuộc sống đói nghèo, lạc hậu. Dân số toàn xã đông, với 18 thôn, bản, người dân sống rải rác trong các thôn, bản trong đồi rừng. Địa bàn xã khá xa, thôn xa nhất cách trung tâm xã hơn chục km, đường cheo leo dốc núi không thể đi bằng phương tiện gì khác ngoài đi bộ.

"Lúc ấy, chúng tôi cũng chỉ có 5 cán bộ y tế công tác tại Trạm, nhưng phải làm quá nhiều công việc. Trong khi Trạm Y tế phải phân thành 2 khu chính và lẻ để hỗ trợ, tuyên truyền cho người dân miền núi thay đổi thói quen ăn, ở, sinh hoạt chưa vệ sinh, biết quan tâm, chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình. Những ngày tháng ấy, ai đã từng trải qua mới thấy so với hiện nay là cả một khoảng cách rất xa, thay đổi đến chóng mặt..." - bác sĩ Bùi Khắc Trị, trạm trưởng y tế xã chia sẻ.

Đến nay, sau 30 năm tái lập tỉnh, Trạm y tế xã Thạch Bình đã có sự đổi thay vượt bậc. Năm 2021, Trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, như: Máy siêu âm, máy xét nghiệm 10 thông số, máy tính kết nối thông tin, dữ liệu để tổ chức các dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, gồm các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, điều trị ARV cho bệnh nhân mắc HIV... Đội ngũ cán bộ y tế tại trạm tăng lên 7 người và 18 nhân viên y tế thôn bản, cơ bản đủ về số lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn.

Các chương trình mục tiêu quốc gia, phòng chống bệnh xã hội được thực hiện tốt và hoàn thành kế hoạch được giao. Tiêu biểu như chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống mù lòa, HIV/AIDS; công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ; công tác khám chữa bệnh bằng y học và y học cổ truyền được phát huy. Năm 2021, có gần 5 nghìn người dân được khám bệnh, trên 9,3 nghìn người khám dự phòng, trên 1 nghìn người được khám chữa bệnh kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền...

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết: 30 năm qua, hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn huyện đã được Nhà nước, tỉnh và huyện quan tâm, dành nguồn lực không nhỏ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế. Hiệu quả hoạt động của các trạm y tế ngày càng được nâng lên, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế phù hợp, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay từ ban đầu.

Hiện trên địa bàn huyện Nho Quan có 27 trạm y tế cố định. Ngoài được Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các công trình nhà làm việc, khu điều trị, chỉnh trang khuôn viên, cây xanh, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp… Nhiều địa phương còn kêu gọi được nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế... Đến nay, huyện Nho Quan có 8 trạm y tế có máy siêu âm điện tim, test đường huyết; 100% trạm được trang bị bàn khám sản khoa...

Tất cả 27/27 trạm y tế xã đều ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và các chương trình, mục tiêu y tế, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi. Đặc biệt, nhiều Trạm Y tế đã trang bị và thực hiện điều trị kỹ thuật cao bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, với trang thiết bị y tế được hỗ trợ, đầu tư tương đương với bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh. Các mục tiêu thiên niên kỷ về y tế, các chương trình, công tác dân số, các chỉ số chăm sóc sức khỏe cho người dân... hàng năm được thực hiện tốt và ngày càng tiến bộ.

Phát huy những thành tích đạt được, năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, vượt lên những khó khăn, ảnh hưởng của dịch COVID-19, Trung tâm Y tế Nho Quan tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 và hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở.

Trong đó, quan tâm đầu tư, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT, tăng cường công tác truyền thông- giáo dục sức khỏe..., đảm bảo cho người dân được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu một cách tốt nhất.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nho-quan-doi-thay-vuot-bac-ve-y-te-co-so-sau-30-nam-tai-lap/d20220309214633533.htm