Nho Quan: Khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các xã vùng cao

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tận dụng lợi thế đất đai rộng rãi, những năm qua, các xã vùng cao của huyện Nho Quan đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tìm ra được nhiều hình thức sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, phần lớn việc chuyển đổi này mới dừng lại ở dạng mô hình, việc nhân rộng chưa nhiều. Thực tế, một số nơi, chính quyền, HTX và nông dân còn khá lúng túng chưa tìm được cây, con nào thực sự phù hợp; nhiều cây trồng mới đưa vào nhưng phát triển không bền vững; vẫn tồn tại những hình thức sản xuất, cây trồng kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn đất đai.

Cây Thanh long giúp nhiều nông dân xã Xích Thổ nâng cao thu nhập. Ảnh: Trường Giang

Cây Thanh long giúp nhiều nông dân xã Xích Thổ nâng cao thu nhập. Ảnh: Trường Giang

Kỳ 1: Hiệu quả kinh tế từ những giống cây trồng mới

Dù gặp nhiều khó khăn về địa hình, điều kiện canh tác nhưng ở một số xã vùng cao huyện Nho Quan, nông dân đã chuyển đổi mô hình sản xuất thành công, làm giàu chính đáng, bền vững ngay trên đất cằn đồi núi quê hương.

Phú Long một xã vùng cao nằm ở phía Nam huyện Nho Quan, có diện tích lớn thứ 4 của tỉnh. Đất đai ở đây rộng rãi nhưng địa hình lại phức tạp, độ dốc lớn, nhiều đồi núi cao, đặc biệt do không chủ động được nguồn nước tưới nên hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Lâu nay người dân Phú Long chỉ quen trồng cây sắn, cây ngô với mức thu nhập cao nhất chỉ 25-30 triệu đồng/ha, không ai nghĩ mình có thể giàu lên cho đến một này cây na được đưa về vùng đất này.

Là một trong những người đầu tiên mang cây na lên núi, chị Hương (thôn 9, Phú Long) chia sẻ: những năm đầu cuốc đất, đá trên núi để trồng na, nhiều người cho là mình gàn dở, bởi từ trước đến nay đất này trồng sắn còn chẳng có năng suất huống chi trồng cây ăn quả. Nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm làm. Và rồi sau 2 năm, thấy cây na phát triển tốt, sai quả, quả ngon, ngọt lịm. Lúc đó tôi thấy quyết định của mình đã đúng…

Giờ đây với khoảng 1000 gốc na từ 2-6 năm tuổi, tôi áp dụng kỹ thuật thâm canh, ngắt lá, tỉa cành; thụ phấn chủ động nên có thể thu hoạch 2 vụ/năm, sản lượng khoảng 5-6 tấn quả, với giá bán từ 20-35 nghìn đồng/1kg, trừ chi phí gia đình có khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Đình Độ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: đất canh tác trên địa bàn xã chủ yếu là đất xen lẫn núi đá, không chủ động được nước tưới nên trước nay bà con nông dân chỉ quen trồng sắn, dứa, mía. Không ai ngờ cây na lại thích hợp vùng đất cằn này.

Từ một vài hộ trồng ban đầu, đến nay, toàn xã đã có hàng trăm hộ trồng na với tổng diện tích 150 ha, trong đó diện tích trồng tập trung, trái vụ là 110 ha, chủ yếu ở thôn 4 và thôn 9.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp & PTNT đã hỗ trợ cho bà con xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây na; tập huấn, hướng dẫn các hộ thực hiện quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường. Thời gian tới, xã sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, phát triển bao bì, nhãn mác… để tăng tính nhận diện, nâng cao giá trị sản phẩm.

Không giống như Phú Long, tại Kỳ Phú, một số nông dân lại đang chọn việc khôi phục cây trám - một thứ cây trồng bản địa để làm giàu. Ông Đinh Văn Thủy (bản Ao, xã Kỳ Phú) cho biết: Cây trám đã có mặt ở Kỳ Phú từ lâu đời, trám ở đây vốn nổi tiếng bùi, ngậy, đậm đà, ngon hơn hẳn trám trồng ở các vùng khác. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian, trám không được ưa chuộng, bị chặt bỏ.

Nhưng giờ đã khác, trám đã trở thành một thứ đặc sản hấp dẫn, giá bán cao: 200 nghìn đồng/100 quả đối với trám đen và 250 nghìn đồng/100 quả đối với trám xanh mà không có để bán. Nhà nào giờ còn giữ lại được khoảng chục cây trám coi như giàu to. Do vậy, người dân chúng tôi đang tìm cách khôi phục lại các diện tích trồng trám trước kia. Hy vọng trong thời gian không xa, bà con Kỳ Phú sẽ giàu lên nhờ chính cây trồng truyền thống của mình.

Cây na cũng là loại cây trồng được nhiều nông dân ở vùng cao Nho Quan lựa chọn để phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Lựu

Cùng với cây trám, cây na, thanh long cũng là loại cây trồng được nhiều nông dân ở các xã vùng cao huyện Nho Quan lựa chọn để phát triển kinh tế. Điển hình như gia đình ông Hoàng Đình, thôn Đức Thành, xã Xích Thổ. Với gần 6 sào vườn đồi trồng thanh long ruột đỏ, mỗi năm ông Đình thu về 4 tấn quả, tương đương với khoản thu nhập 60-70 triệu đồng/năm.

Ông Đình cho biết: Sở hữu đất đai rộng rãi, gia đình đã từng đưa nhãn, vải, hồng… vào trồng thử nhưng đều không thành công. Chẳng lẽ cam chịu, chỉ trồng cây lấy gỗ, 5-6 năm mới thu được vài trăm triệu, trừ chi phí lời lãi chẳng đáng là bao.

Thế rồi tôi tìm hiểu và đưa cây thanh long vào trồng. Vị ngọt và mùi thơm đặc trưng của thanh long sống trên đất núi đá, chính là yếu tố khác biệt quyết định sự thành công của mô hình. Thời điểm thanh long ngoài thị trường chỉ bán với giá 8-10 nghìn đồng/kg thì thanh long tại vườn của tôi vẫn bán giá 15-18 nghìn đồng/kg.

Từ cách làm của ông Đình, nhiều hộ dân khác trong xã Xích Thổ cũng bắt đầu trồng thanh long. Đến nay, diện tích thanh long ở đây đã lên đến vài ha. Cây thanh long thực sự đã và đang làm sống dậy tiềm năng đất đai, lao động của vùng đồi Xích Thổ vốn là đất dốc bị xói mòn và canh tác kém hiệu quả.

Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan: Thời gian qua, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến của tỉnh. Đặc biệt được sự hỗ trợ, tư vấn trực tiếp của Sở Nông nghiệp & PTNT, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp với các cây trồng mới đã được nông dân các xã vùng cao trong huyện đưa vào trồng thay thế các cây trồng cũ kém hiệu quả.

Điển hình như mô hình trồng na ở xã Phú Long, cây dược liệu ở xã Cúc Phương, mô hình trồng ổi, cam tại xã Đồng Phong; trồng dưa chuột tại xã Sơn Lai; trồng đào, rau sắng tại xã Gia Lâm; trồng bưởi ở Phú Long, Xích Thổ, Gia Sơn, trồng cây trám ghép ở xã Kỳ Phú ... Hầu hết các cây trồng mới này đều đạt hiệu quả kinh tế bình quân cao hơn 2,5-4 lần so với cây trồng truyền thống.

Thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường; từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông sản hàng hóa của người dân vùng cao, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho bà con.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nho-quan-kho-khan-trong-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-o-cac-xa/d20210802155352479.htm