Nho Quan tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa bão

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lớn sau đó, một số diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả của huyện Nho Quan bị ngập nước, đổ, gẫy... Bà con nông dân đang nhanh chóng triển khai các biện pháp chăm sóc, phục hồi, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Chị Bùi Thị Thúy (thôn An Thượng, xã Văn Phong, huyện Nho Quan) khẩn trương buộc, dựng lúa bị ngã đổ sau mưa bão.

Chị Bùi Thị Thúy (thôn An Thượng, xã Văn Phong, huyện Nho Quan) khẩn trương buộc, dựng lúa bị ngã đổ sau mưa bão.

Cuối giờ sáng nhưng chị Bùi Thị Thúy (thôn An Thượng, xã Văn Phong, huyện Nho Quan) vẫn mải miết moi từng thân lúa dưới nước dựng lên, sau đó buộc thành từng cụm. Chị cho biết: "Sau cơn bão, 5 sào lúa của gia đình gần như bị đổ hết. Nếu không dựng lúa lên nhanh, hạt lúa sẽ thối, hỏng, nảy mầm. Dựng lên như này, lúa sẽ được hong khô, đợi hơn chục ngày nữa là có thể thu hoạch".

Tương tự như vậy, tại xã Yên Quang, ngay khi bão tan, mưa dứt, nhiều nông dân đã tất tả ra đồng. Những nơi lúa đổ rạp, người dân buộc dựng lên, còn nơi nào lúa đã chín thì bà con thuê máy gặt, khẩn trương thu hoạch. Đang ngồi đợi máy gặt khắc phục sự cố sa lầy, thu hoạch nốt 9 sào lúa Mùa, chị Phạm Thị Huyền chia sẻ: Mưa bão, ruộng ngập, đưa máy gặt vào thu hoạch cũng khó vì dễ bị sa lầy. Tuy nhiên, giữa mùa mưa bão như thế này thì phương châm là "xanh nhà hơn già đồng", chúng tôi vẫn phải cố gắng khắc phục, nhanh chóng đưa lúa về nhà mới yên tâm được.

Bà con nông dân xã Yên Quang chăm sóc, khôi phục diện tích rau màu mới trồng.

Bà con nông dân xã Yên Quang chăm sóc, khôi phục diện tích rau màu mới trồng.

Toàn xã Yên Quang hiện có hơn 400 ha lúa Mùa, 5 ha rau màu vụ Đông sớm như: dưa chuột, khoai sọ, rau dưa các loại. Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lớn kéo dài sau đó đã làm một số diện tích lúa bị ngã đổ, ngập úng cục bộ; rau màu bị táp lá, thối rễ, phát sinh sâu, nấm bệnh.

Đồng chí Bùi Văn Phong Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương đang đôn đốc bà con nông dân tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa Mùa, đến nay, toàn xã đã gặt được hơn 100 ha. Đối với cây rau màu, chúng tôi khuyến cáo bà con ngắt tỉa cành lá dập nát, xới xáo để rễ cây thông thoáng, triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc bón phân, phục hồi. Đồng thời, trên những chân đất cao, đã thu hoạch xong lúa Mùa, bà con cần khẩn trương làm đất, gieo trồng các loại rau màu, kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường được dự báo sẽ khan hiếm rau củ sau ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Huyện Nho Quan chỉ đạo các địa phương nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa đã chín.

Huyện Nho Quan chỉ đạo các địa phương nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa đã chín.

Không chỉ có lúa và rau màu bị ảnh hưởng, bão số 3 cũng làm một số diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu trên địa bàn huyện Nho Quan bị ngã đổ. Cụ thể như tại Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia ghi nhận khoảng 300 cây trà hoa vàng và bưởi da xanh bị đổ, nghiêng, gẫy cành. Ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia thông tin: Chúng tôi đang cho công nhân nhanh chóng chống dựng lại các cây bị ngã đổ, cắt tỉa cành, lá và có những biện pháp chăm sóc phù hợp để cây nhanh phục hồi. Tuy nhiên, năng suất của cây chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không chỉ trong năm nay mà kéo dài sang cả năm sau nữa.

Hoạt động khôi phục sản xuất sau mưa bão tại Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia.

Hoạt động khôi phục sản xuất sau mưa bão tại Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nho Quan, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lớn sau bão, gần 370 ha lúa Mùa của huyện đã bị đổ lướt, 30 ha cây màu bị ngập, giập nát; gần 250 ha cây ăn quả và hơn 100 cây xanh bị gẫy, đổ; 0,6 ha ao nuôi thủy sản bị tràn bờ và một số chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái.

Để khẩn trương bảo vệ sản xuất nông nghiệp sau mưa bão, huyện Nho Quan chỉ đạo các địa phương đối với diện tích lúa đã chín, khi thời tiết nắng cần thu hoạch nhanh đề phòng mưa bão tiếp diễn phức tạp; với diện tích lúa đã chín đỏ đuôi bị đổ, người dân nên ra đồng buộc, dựng lại.

Đối với vùng rau màu, nhanh chóng thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch; diện tích chưa đến thời kỳ thu hoạch cần khơi thông dòng chảy, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo, xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK… Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi.

Đối với vườn cây ăn quả ngập úng, khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi rãnh, hố trong vườn cây; với những vườn cây đã rút nước cần xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới; thu dọn cành gãy đổ, bón phân, chăm sóc giúp cây nhanh hồi phục. Khi bộ rễ cây đã phục hồi, tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân hữu cơ khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dụng phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu - Ngọc Linh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nho-quan-tap-trung-khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-sau-mua/d20240911120939337.htm