Nhớ sao lê chát quê mình!

Tháng tám heo may đùa gió, trời se se lạnh đem theo hương lê tha thẩn khắp nẻo đồi. Cái chớm lạnh đầu thu càng khiến tôi miên man nhớ về mùa lê chát. Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy sương, lạnh và gió - Ngân Sơn. Nơi đây có nhiều mùa quả đậm vị núi như đào, mận... Và lê chát là một thức quà đặc trưng của vùng núi quê tôi.

Khác với lê ngọt mà người ta vẫn bán nhiều ở chợ. Lê chát mang đặc trưng riêng bởi vị ngọt mát, thơm dịu nhẹ xen lẫn vị chan chát nơi cuống họng. Loại quả này có màu nâu sẫm, khi chín hơi ngả vàng cánh dán. Và để có thể phân biệt lê chát với những loại lê khác đó là cạo một chút lớp vỏ nâu mỏng bên ngoài sẽ lộ ra lớp vỏ xanh bên trong.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày đó, tôi chưa biết gì đến quả lê, cho đến khi được mé (cách gọi mẹ theo tiếng dân tộc) đem về mấy quả và tôi vội lấy dao gọt. Lạ thay, dao gọt đến đâu nhựa tứa ra đến đó. Lúc đầu, giọt nhựa trắng đục rồi chẳng mấy chốc quả lê trông thâm đen lại. Tôi bảo mé: Trông sợ lắm con không muốn ăn đâu.

Mé cười hiền lành: Con chưa biết làm đó thôi. Tôi nhìn mé gọt vỏ, bổ miếng nhỏ, để vào bát nước dấm pha sẵn muối, chút đường, mì chính, vài lát ớt. Lạ thay, miếng lê dần trắng trở lại như thay chiếc áo mới. Mé đảo đều và đưa cho tôi ăn thử. Vừa cắn miếng lê ròn, nhựa lê quyện với mùi dấm và tạo nên một vị rất riêng. Tôi ăn hết cả bát lê lúc nào không hay.

Mùa hoa lê về càng khiến tôi bâng khuâng nhớ đến nao lòng. Dọc con đường Đèo Gió, hoa lê cứ trắng miên man khắp sườn đồi, thung lũng. Đâu đó một vài ngôi nhà lọt thỏm trong màu trắng tinh khôi của hoa lê. Hoa như nàng tiên kiều diễm diện bộ váy trắng tinh tươm với vương miện là nhụy hoa gợn vàng và ngự trị trên những càng cây khẳng khiu, rêu phong, mốc xì. Năm cánh tròn, mỏng tang xếp đều nhau như năm ngón tay kiêu sa.

Ngày chợ phiên, thỉnh thoảng lại gặp những bà, những mẹ gùi lê xuống chợ. Những quả lê căng tròn cuộn mình nằm trong gùi như đang ngủ. Dưới lớp lá, lê càng thêm giấc say nồng xuống phố. Đặt gùi xuống, người mua xúm lại hỏi han và chọn quả. Lúc này lê mới bừng tỉnh giấc.

Tết Pây tái của người Tày Nùng quê tôi vào rằm tháng bảy. Đây là ngày lễ tạ ơn cha mẹ bên ngoại. Trong mâm cúng ban thờ tổ tiên, ngoài những món đặc trưng như thịt vịt, bún, khâu nhục... thì không thể thiếu lê chát. Dù đi đâu, về đâu, dù ăn bao nhiêu thứ quả với các mùi vị khác nhau, nhưng tôi vẫn không khi nào quên quả lê chát. Đó là món quà của núi rừng, là ký ức tuổi thơ và sự gắn bó của tôi với quê hương, bản quán.

Muồng Hoàng Yến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nho-sao-le-chat-que-minh-160213.html