Nhớ sao món đọt sắn luộc quê nhà

'Bố thử đoán xem nó là cái món gì?', vợ tôi tủm tỉm nhìn tôi và hỏi. Tôi lặng người nhìn trân trân cái thứ mà hồi bé ở quê tôi vẫn ăn đến dài cổ, cố rướn cho cổ dài ra thì nuốt mới trôi, không ngờ cũng là món ăn của người K''Ho - một sắc dân thiểu số trên đất Lâm Đồng. Rất lâu sau, tôi mới lên tiếng: 'Món đọt sắn luộc!'. 'Bố sao biết hay vậy! Mẹ tưởng chỉ có người K''Ho mới ăn món này!', vợ tôi thật thà. Ký ức về món đọt sắn luộc gắn liền với lối sống bình dị, nghĩa tình bỗng ùa về...

Món đọt sắn luộc dân dã đã nuôi dưỡng tôi và tâm hồn tôi từng ngày khôn lớn…

Món đọt sắn luộc dân dã đã nuôi dưỡng tôi và tâm hồn tôi từng ngày khôn lớn…

Thuở bé, tôi sống ở Quảng Bình. Miếng ăn lúc bấy giờ là nỗi khát thèm không riêng gì tôi, cả mẹ và các chị tôi đều thế. Chỉ cần ăn no thôi chứ chưa cần đến ăn ngon. Ấy vậy mà cái đói nào có chịu buông tha. Đói như một chứng bệnh mạn tính, đến nỗi trong giấc ngủ tôi còn ú ớ gọi: "Mẹ ơi, con đói!...". Tôi vẫn nhớ như in lúc đó, mồ hôi vã ra như tắm, bụng liên tục réo gào, nóng râm ran như có lửa đốt. Nhưng tất cả đều vô ích bởi trong nhà chẳng còn thứ gì để ăn và tôi cứ thế lả dần, lả dần rồi lịm hẳn vì đói.

Tờ mờ sáng hôm sau, mẹ tôi bảo chị cả và chị hai xách rổ ra vườn hái lá sắn mang về cho mẹ làm món đọt sắn luộc cứu đói. Tôi không ngờ, cái món ăn mang tính giải pháp tình thế trong lúc gia đình gạo không còn một hạt sau đó lại trở đi trở lại trong rất nhiều bữa ăn của chị em tôi đến vậy. Tôi, vì thường xuyên trông mẹ làm món đọt sắn luộc qua rất nhiều năm nên đến tận bây giờ vẫn thuộc nằm lòng. Cách làm món ăn này như sau:

Rau sắn sau khi hái về thì xẻ ra thành những nắm nhỏ, rồi lần lượt bỏ từng nắm một trên cái mẹt lớn và dùng tay chà đi chà lại cho đến khi rau sắn mềm rũ (cố gắng chà cho thật khéo, tránh làm rau sắn bị nát). Mục đích của việc làm này là loại bỏ bớt chất độc có trong rau sắn ra ngoài. Tiếp tục làm cho rau sắn mềm rũ đến chừng nào đủ số lượng của một bữa ăn thì ngừng, sau đó mang đi rửa sơ với nước, rồi cho vào nồi cùng với một lượng nước vừa đủ, đặt lên bếp và nổi lửa. Áng chừng nồi rau sắn sôi được khoảng 5 phút thì nhấc khỏi bếp để thay nước mới. Thay nước mới thêm 2 lần nữa rồi vớt rau sắn cho vào rổ cho nguội. Cần lưu ý, món đọt sắn luộc nhất định phải vắt kiệt nước, nếu không khi ăn rất dễ bị say, nặng thì trướng bụng, nhức đầu gây nôn mửa, nhẹ thì bủn rủn tay chân, chóng mặt. Cũng cần lưu ý thêm, rau sắn chỉ ăn được vào mùa mưa. Nếu muốn ăn rau sắn vào mùa nắng phải đợi mưa xuống tối thiểu từ 2 ngày mưa trở lên để cho rau sắn giảm bớt vị đắng thì mới ăn được.

Món đọt sắn quê tôi đạm bạc là thế! Chén nước chấm cũng chẳng khá hơn, chỉ là muối hạt pha loãng với nước đun sôi để nguội. Thế mà chị em tôi tranh nhau ăn sạch.

Món đọt sắn luộc cứu tôi thoát đói ngày nào giờ đã trở thành ký ức, một ký ức không thể mờ phai, nhắc đến là chênh chao nhớ, là hoài vọng da diết, là điểm tựa tâm linh, là giá đỡ tâm hồn tôi trong những tháng ngày sấp ngửa mưu sinh nơi đất khách quê người. Tôi nhìn trước nhìn sau, nghĩ đi nghĩ lại, ngó tới ngó lui, thì hình như chính môi trường sống dân dã, gian khó ấy xây nên cốt cách người dân quê tôi tính hạnh không muốn mắc nợ ai lặn sâu trong máu, găm vào da thịt. Chính cuộc sống cơ cực, gian khó đã khai phóng nên lối sống người dân quê tôi bình dị, nghĩa tình. Bình dị như đồ dở để mình ăn, đồ ngon mang biếu người. Nghĩa tình như món đọt sắn luộc dớ dẩn, nhà này vẫn bưng cho nhà kia một ít. Giữa cơ cực bạc mặt, giữa lao lung đói khát, người dân quê tôi vẫn luôn nghĩ cho nhau, sống vì nhau. Sợi dây tình làng nghĩa xóm nhờ đó được thiết lập, càng ngày càng gắn bó, keo sơn.

Thật may, món đọt sắn luộc của ngày còn bé ấy lại được vợ tôi đánh thức, cho tôi nhớ lại cái món ăn ân nghĩa đã nuôi dưỡng tôi và tâm hồn tôi từng ngày khôn lớn…

Trịnh Chu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nho-sao-mon-dot-san-luoc-que-nha-post281978.html