Nhớ tết ở Trường Sa

Hội thi gói bánh chưng trên đảo Trường Sa. Ảnh: TRẦN QUỚI

Tết ở Trường Sa luôn luôn đặc biệt. Tết đến từ khi những con tàu gom yêu thương, tình cảm, quà tết từ đất liền đến với đảo xa. Người trên tàu nôn nao chờ đợi được đặt chân lên đảo, vùng đất xa khơi, phên giậu của Tổ quốc thiêng liêng. Hít một hơi thật sâu khí trời, mặn mòi muối biển trong những ngày giáp tết, đầu năm thật là một cảm giác không thể quên trong đời…

Thoắt cái đã 5 năm kể từ chuyến hải hành đến với Trường Sa đầu tiên trong đời làm báo. Phải nói đó là một vinh dự lớn, một trải nghiệm tuyệt vời.

1Sau những ngày mưa phùn, gió bấc là những ngày nắng ấm hanh vàng trên mặt biển, báo hiệu mùa xuân đến. Trên con tàu hướng về đảo xa, những chậu mai, đào, quất, sứ, bông giấy… chen chúc ở nơi kín gió, mang không khí tết từ đất liền đến đảo xa.

Những ngày cuối năm, công việc hối hả, chộn rộn, ai cũng tranh thủ, tất bật chỉnh trang lại mảnh vườn, luống rau, phòng ốc, nhà cửa để chuẩn bị đón tết. Tết năm nay là một cái tết đặc biệt, sau một thời gian dài bị khủng hoảng, đình trệ bởi đại dịch COVID-19… Nhớ thời điểm này 5 năm trước, chúng tôi vẫn còn vui xuân đón tết cùng người dân và bộ đội trên những đảo cuối trong chuyến hải hành mang tết ra Trường Sa, chuẩn bị về lại đất liền. Nỗi nhớ mênh mang, có lúc quay quắt, rạo rực bởi hương vị, không khí tết rất đặc biệt nơi tiền tiêu Tổ quốc.

Với người dân và lính đảo ở Trường Sa, tết luôn đến sớm hơn đất liền. Tết đến là lúc hoa bàng vuông bung nở trong đêm, để sáng ra vẫn còn sắc hương thoang thoảng. Tết đến là lúc những chuyến tàu từ đất liền cập đảo.

Tết trên đảo Trường Sa cũng đầy đủ các hoạt động, nghi thức cổ truyền của dân tộc, các món ăn đặc trưng tết Việt. Lá dong, lá chuối (và lá bàng vuông - giống cây đặc trưng là biểu tượng của sức sống Trường Sa), thịt mỡ dưa hành, nếp thơm từ đất liền mang ra được các anh bộ đội trên đảo tổ chức hẳn cuộc thi gói bánh chưng ngày tết. Đây là một hoạt động không thể thiếu trên đảo trong ngày tết sớm, vui tươi náo nhiệt vô cùng.

Bao nhiêu hoạt động trong dịp tết ở đất liền đều có ở đảo xa, vui vẻ, ấm cúng, đoàn viên. Ngày giáp tết, cán bộ chiến sĩ và những người dân trên các đảo cũng lau dọn, trang hoàng nhà cửa, bàn thờ tiên tổ, bàn thờ Bác Hồ, chuẩn bị cho thời khắc giao thừa đón năm mới. Bên cạnh những chậu hoa từ đất liền, hoa trên đảo cũng thắm sắc, đua nhau nở trong ngày tết.

Một trong những hoạt động không thể thiếu vào những ngày đầu xuân năm mới trên đảo là các trò chơi dân gian, hội thao diễn ra trong không khí vui vẻ, phấn khởi, rèn luyện sức khỏe để bảo vệ Tổ quốc.

Đêm giao thừa Tết Dương lịch là đêm đặc biệt trên đảo với các tiết mục văn nghệ, được tập luyện, dàn dựng công phu, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ làm cho không khí rộn ràng hơn. Chào cờ đầu năm cũng là một nghi thức truyền thống tốt đẹp và thiêng liêng trong buổi sáng đầu năm mới đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.

2Một trong những hoạt động rất tết, rất cảm xúc trên đảo đó là khu chợ ngày tết. Từ khi lớn lên, ai cũng nghe, cũng biết và ít nhất một lần theo mẹ, theo chân chị háo hức được đi và cảm nhận phiên chợ cuối cùng trong năm. Ở đất liền có chợ chạy! Hoạt động mua bán diễn ra một cách gấp gáp, vội vàng trong niềm vui háo hức, bộn bề cuối năm. Ở đảo cũng có phiên chợ cuối năm. Phiên chợ đặc biệt mà tôi chứng kiến diễn ra ở Song Tử Tây, một trong những hòn đảo xinh đẹp và rộng lớn thuộc quần đảo Trường Sa, là thủ phủ của xã đảo Song Tử. Ở đây có hẳn một ngôi làng xinh xắn với những gia đình trẻ đang sinh sống ngay bên mép đảo. Một phiên chợ tết cũng rất đặc biệt diễn ra đúng ở nơi này.

Âu tàu đảo Song Tử Tây rộn ràng, tấp nập, tiếng cười nói râm ran, í ới gọi nhau chuyển hàng như ở một khu chợ đầu mối! Sau đó, từng nhóm hàng hóa lần lượt được chuyển về các khu trên đảo. Con đường bê tông nội bộ của làng bày đầy những mặt hàng tương cà, mắm muối, vật dụng cần thiết trong gia đình, hoa tết, quần áo, nhang đèn…, được các chị gọi là “chợ tết”, phiên chợ cuối năm trên đảo tiền tiêu.

Phiên chợ thêm đặc biệt bởi nó không diễn ra hoạt động mua - bán, vì hàng hóa được giao đến từng hộ dân xã đảo. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi lại rất sôi nổi. Cũng từ số hàng hóa ấy, các hộ đổi cho nhau cái này để lấy cái kia khi thấy không hợp ý. Vui nhất là “gian hàng” quần áo tết. Mọi người ướm thử, những cô bé, cậu bé xúng xính trong những bộ cánh mới. Một không khí vui như tết!

Trong niềm vui đón xuân năm mới, nhớ về đất liền với niềm tin yêu, các cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa càng trách nhiệm với nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ biển trời, bảo vệ biển đảo quê hương. Với tôi, những ngày cuối năm, dẫu rộn ràng công việc, vẫn nhớ về một kỳ “ăn tết” đặc biệt với lính đảo Trường Sa. Nơi ấy, mùa xuân đang về…

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/367/269857/nho-tet-o-truong-sa.html