Nhớ Tết quê nhà
Đã hơn 30 năm chọn Sài Gòn làm nơi sinh sống và làm việc, thế nhưng mỗi khi cơn gió bấc thổi về từ miền hạ, lòng tôi lại xôn xao nỗi nhớ. Đó là những ngày đón Tết ở quê nhà, nơi có hình ảnh thương yêu của gia đình và xóm làng bình dị, những hàng mai trổ bông rực rỡ, những chậu cúc vàng hay vạn thọ khoe mình trong nắng ấm, mùi hương thơm ngất ngây của nồi thịt kho trứng từ bếp nhà người quyện trong gió bay bay…
Những buổi chiều cuối năm, khi cơn gió bấc se se lạnh từ bờ sông Vàm Cỏ thổi vào, chao ôi cái lạnh càng làm thôi thúc nỗi mong chờ của những đứa trẻ như chúng tôi khi Tết đến. Thế nhưng, cho dù có háo hức trước không khí rộn ràng lúc Xuân sang, tôi cũng không thể nào quên được tiếng thở dài của Ngoại, của Mẹ mình sau suốt một năm dài quần quật.
Tuổi thơ tôi lưu giữ mãi hình ảnh chiếc xe bò sớm chiều lọc cọc trên đường quê vắng vẻ. Đến chiều 28 Tết mà ông Ngoại tôi vẫn miệt mài cùng hai chú bò to khỏe, trung thành đi chở đồ thuê. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng tôi cảm nhận được sự chịu đựng cực khổ của Ngoại vì ông muốn kiếm thêm ít tiền giúp cho đứa con gái duy nhất của ông - Mẹ tôi - sắm ít quần áo mới cho bầy con thơ dại của mình. Nghĩ tới mà cảm thấy chạnh lòng, thương nhớ…
Thế rồi những ngày tháng cơ cực qua đi, Ngoại tôi an hưởng tuổi già được vài năm trước khi ông gặp cơn tai biến. Giờ đây, ông đã nằm yên dưới đám cỏ xanh rì, nhưng vẫn còn đó khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười tươi qua bức di ảnh mà Mẹ tôi trang trọng đặt giữa bàn thờ.
Thời gian thấm thoát trôi qua, thoáng cái tôi đã trở thành chàng sinh viên đại học. Lần đầu xa quê nhà lên chốn phồn hoa đô hội, tôi vẫn không thể nào quên cái nếp nhà, quên mùi khói bếp và cái lạnh cuối năm. Vì vậy, thường những ngày Tết đến, vừa được nhà trường thông báo lịch nghỉ học, tôi đã háo hức tranh thủ chạy về quê. Mấy đứa bạn trêu: “Chắc nó nhớ nồi thịt kho trứng, nồi khổ qua dồn thịt của má nó rồi…”. Tôi chỉ cười: “Ừ, chắc có lẽ là vậy!”. Thực ra, đám bạn tôi những đứa có quê cũng giống tôi đều tranh thủ về với gia đình vì tất cả đều cùng chung ý nghĩ chỉ có quây quần đón mừng Xuân mới cùng với gia đình mới là niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời.
Đêm giao thừa, khi tiếng chuông chùa từ xa vọng lại, dường như đó là giây phút để con người tĩnh tâm trở lại, cho lòng mình nhẹ nhõm hơn. Ở thời khắc này, những chuyện sân si trên cõi đời thường được con người ta rộng lượng cho qua. Nửa đêm, khi tiếng chuông chùa ngân vang báo hiệu giao thừa, Mẹ tôi bưng một nồi chè to tướng ra giữa sân, múc ra từng cái chén nhỏ bày biện lên bàn rồi bái lạy tổ tiên, ông bà. Dưới bếp, nồi bánh Tét cũng vừa chín tới…
Bây giờ trở về quê hương, nhà nào cũng đều có “của ăn của để”. Ngày Tết đến càng rộn ràng, náo nhiệt. Nhà nào cũng xôm tụ với những bài nhạc rộn ràng được phát ra từ các thùng loa di động. Trẻ con thì xúng xính trong những bộ quần áo mới. Giới trẻ không cắm đầu vào máy tính hay điện thoại di động thì cũng sẽ cùng bạn bè cuồng nhiệt trong những thú vui bất tận. Cảm nhận hương vị ngày Tết truyền thống bây giờ đa phần chỉ còn những ông già, bà lão. Cách đón Tết của những người trẻ bây giờ giống như một kỳ nghỉ ngơi, phần lớn họ đều chọn cách đi du lịch. Còn đối với những người già, trung niên, sau những lời chúc tụng ngày đầu năm, họ lại thu mình chẳng biết đi đâu. Với họ, Tết giờ đây có vẻ ngày càng nhạt dần.
Tôi bây giờ đã qua rồi cái thời thơ dại, ngày Tết có đầy đủ thú vui, nhiều địa điểm để đi chơi. Thế nhưng, những hình ảnh lũy tre làng, phiên chợ quê cuối năm, những người hàng xóm thân yêu hay cái cảm giác nửa đêm ngồi canh nồi bánh Tét cùng gia đình vẫn luôn hiện hữu trong tâm thức những kẻ xa quê nhưng lòng lúc nào cũng luôn ngóng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nho-tet-que-nha_142611.html