Nhớ tháng Tám ngày xưa

Theo quy luật tự nhiên, năm nào cũng vậy, cứ sau tết Trung thu là trời mưa rất nhiều. Thường từ giữa trưa, trời đổ mưa tới chiều, tới tối. Có năm mưa dầm dề ba ngày, ba đêm… Mưa nhiều, nước dưới sông rạch, ruộng đồng dâng cao.

Tháng Tám âm lịch có Tết Trung thu, mà hầu như trẻ em nào cũng yêu thích và mong đợi. Tháng Tám đến, đa số bạn nhỏ thi nhau làm lồng đèn để rước đèn đón trăng. Trung thu năm nay, chắc nhiều trẻ em mất vui, vì dịch bệnh đang hoành hành.

Tháng Tám còn có những ngày mưa dầm, đa phần các bạn nhỏ ngày nay lại ngán ngại những ngày mưa gió tầm tã. Riêng anh em tôi cũng như nhiều bạn nhỏ ở xóm nghèo ven sông xưa kia không chỉ thích tết Trung thu, mà còn khoái những ngày mưa dầm nữa.

Tết Trung thu được xách lồng đèn đủ màu sắc, rủ nhau đi chơi, rồi vui ca, múa hát, được ăn bánh, kẹo nữa, nên vui thích là phải rồi. Còn mưa dầm ướt át, lạnh lẽo, đường sá lầy lội, trơn trượt… thì sao lại “khoái”? Vậy mà, hồi xưa trẻ em quê tôi khoái mưa dầm tháng tám thật đấy.

Những ngày đầu tháng tám, bọn nhỏ xóm tôi xúm lại, rồi rủ nhau đi chặt trúc, thi nhau làm lồng đèn. Ðêm Trung thu, chúng tôi đứa nào cũng hí hửng xách lồng đèn do tự tay mình làm ra mà dạo quanh xóm ấp vui chơi. Rồi đến quán “bà Ba” giữa xóm mua bánh kẹo chia nhau ăn. Sau đó chia tay ra về.

Tết Trung thu chỉ vỏn vẹn một đêm, còn mưa dầm thì trẻ con quê tôi được đón nhiều ngày cho đến hết tháng Tám. Chúng tôi thích mùa mưa, vì bữa cơm của những ngày mưa sẽ có nhiều cá, không phải ăn “nhín nhín” cho hết bữa cơm như mọi khi.

Theo quy luật tự nhiên, năm nào cũng vậy, cứ sau tết Trung thu là trời mưa rất nhiều. Thường từ giữa trưa, trời đổ mưa tới chiều, tới tối. Có năm mưa dầm dề ba ngày, ba đêm…

Mưa nhiều, nước dưới sông rạch, ruộng đồng dâng cao. Nước tràn qua bờ thấp, lắp xắp bờ vừa vừa, lé đé bờ cao, mà bà con quê gọi là “lụt nhấp”. Các loại cá đồng từ sông rạch theo nước đua nhau vào ruộng kiếm ăn và sinh sống.

Thế là bà con quê tôi rủ nhau ra đồng ruộng đánh bắt cá. Tháng tám âm lịch (tháng 9 dương lịch), đã vào năm học mới. Chúng tôi đi học buổi sáng, chiều chèo xuồng kiếm cá. Buổi chiều thường là lúc mưa dầm.

Mặc cho mưa dầm, anh em tôi mặc áo mưa vào thì tha hồ mà dầm mưa. Gọi là áo mưa, nhưng nó chỉ là chiếc bọc ni-lông lớn. Anh em tôi khoét đáy bọc một lỗ làm cổ “tròng” qua đầu và khoét hai lỗ hai bên hông để xỏ tay ra (như chiếc áo thun 3 lỗ).

Khi tròng vào người, chiếc bọc dài từ cổ xuống đến đầu gối. Bên trong mặc chiếc áo cụt tay và quần đùi, rồi đội trên đầu chiếc nón lá rộng vành nữa thì tha hồ dầm mưa đi giăng lưới, đặt lờ, cắm câu… ngoài đồng suốt buổi chiều trong mưa.

Buổi sáng đi học về, cơm trưa xong, bầu trời vần vũ mây mưa. Lúc này, anh em tôi chuẩn bị đồ nghề ra đồng đánh bắt cá. Hồi đó, anh tôi khoái giăng lưới, còn tôi thích đặt lờ.

Sau khi hai đứa mặc bộ đồ “trận” và tròng chiếc áo mưa “3 lỗ” tự chế vào, rồi đội nón lá, anh tôi mang đụt quảy lưới, còn tôi vai gánh 10 cái lờ (cột một chùm 5 cái, rồi lấy khúc tầm vông khô nhỏ xỏ vô phía trước một chùm, phía sau một chùm mà gánh đi), tay cầm cây dầm.

Anh em tôi xuống bến, chèo xuồng qua rạch, ra đồng ruộng giăng lưới, đặt lờ. Lưới của anh tôi được cắt thành từng khúc ngắn, độ dài khác nhau. Mỗi khúc dài từ một thước đến vài thước, cũng có khúc dài năm sáu thước.

Mỗi lần đi giăng, anh mang vài chục khúc lưới như vậy. Khi đi giăng, anh đi theo bờ ruộng rồi lựa lỗ trổ, hoặc đoạn bờ thấp “nước nhảy khỏi bờ” mà giăng đón cá lên. Tùy theo lỗ trổ lớn hay nhỏ, đoạn bờ thấp ngập nước dài hay ngắn mà anh lựa khúc lưới phù hợp mà chặn kín đường cá đi.

Cá dính lưới nhiều nhất là cá rô, kế đến là cá trê, rồi cá tràu nữa. Còn lờ tôi đặt là lờ “bánh ú” nhỏ gọn, có một góc nhô lên cao như góc chiếc bánh ú. Góc này có lỗ trống, khi đặt xuống nước, phải để cái góc nhô lên khỏi mặt nước và lấy cỏ hoặc lá lúa cuộn lại làm cái nút đậy. Ðây là chỗ cho cá nhô lên lấy không khí khi vô lờ. Khi muốn đổ cá từ trong lờ ra thì rút cái nút này ra và dốc ngược cái lờ lại.

Hồi đó sông, rạch, ruộng đồng quê tôi còn nhiều cá đồng lắm, sau một buổi dầm mưa, giăng lưới, đặt lờ, anh em tôi mang về một đụt cá nặng trĩu. Chị Hai tôi ở nhà bắt nồi cơm và chờ anh em đem cá về.

Chị đổ cá ra cái thau lớn, lựa cá ngon rộng để dành sáng mai đi bán, còn cá sặc chị làm kho khô ớt, cá tràu, cá trê “ngắc ngư” nấu canh chua. Chị cũng lựa mấy con cá rô lớn, vừa chết ngộp để riêng ra đó cho anh em tôi nướng.

Dầm nước suốt buổi, tuy mưa không ướt mình và đầu, nhưng hai bàn tay và chân của anh em tôi đều nhăn nhúm, đúng như câu đố dân gian về bàn tay “Một cây mà có năm cành, xuống nước thì héo, để dành thì tươi”.

Tắm rửa xong anh em tôi vô bếp, vừa nướng cá rô, vừa hơ hai bàn tay trên than hồng ấm áp. Lúc này, ba tôi đi đóng đồ mộc mướn cũng vừa về tới. Bữa cơm chiều trong gia đình với người cha và ba đứa con nhỏ (mẹ về với tổ tiên rồi) của nhà tôi, những ngày mưa dầm tháng Tám chỉ có cá và cá.

Cũng như bao đời nay, nửa cuối tháng Tám này, mưa ngày mưa đêm, nước sông rạch, ruộng đồng quê tôi cũng bắt đầu “nhảy bờ”. Nhưng cánh đồng hoàn toàn vắng bóng người vì dịch bệnh. Mà nếu như không có dịch bệnh, cũng ít ai ra đồng những ngày mưa. Còn con cá đồng quê tôi đã cực kỳ khan hiếm, nên rất ít người dầm mưa đi đánh bắt cá như hồi tôi còn nhỏ.

T.L

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nho-thang-tam-ngay-xua-a137217.html